Mỹ xác nhận Trung Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “Julang-3” từ tàu ngầm

VietTimes -- Vào sáng sớm ngày 23/12, trên bầu trời Bắc Kinh và các khu vực xung quanh xuất hiện đám mây lạ nhiều màu sắc. Kết hợp với cảnh báo về hàng không do quân đội Trung Quốc (PLA) đưa ra, giới quan sát bên ngoài đã suy đoán quân đội Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm vũ khí tiên tiến gì đó. Về vấn đề này, truyền thông Mỹ đã xác nhận rằng PLA đã bắn thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm “Julang-3”.
Đám mây do luồng khói tạo ra trên bầu trời Bắc Kinh khi phóng Julang-3 từ tàu ngầm ở biển Bột Hải sáng 23/12.
Đám mây do luồng khói tạo ra trên bầu trời Bắc Kinh khi phóng Julang-3 từ tàu ngầm ở biển Bột Hải sáng 23/12.

Theo một bản tin trên tờ Washington Times ngày 25/12, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết vào ngày 22/12, PLA đã phóng từ tàu ngầm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) “Julang-3” ở khu vực Bột Hải (Bohai). Đây là lần thứ tư trong vòng hai năm, Trung Quốc bắn thử loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mang phóng từ tàu ngầm có tầm bắn tới 10.000 km này. Loại tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm mới này có thể mang đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu trên toàn nước Mỹ.

Nguồn tin quen thuộc với Lầu Năm Góc cho biết, các vệ tinh tình báo Mỹ và các phương tiện giám sát khác đã phát hiện thấy vụ phóng tên lửa liên lục địa trên biển Bohai này và theo dõi các tên lửa suốt quá trình khi chúng bay về phía tây.

Ảnh chụp quá trình phóng Julang-3 từ tàu ngầm dưới lòng biển.
Ảnh chụp quá trình phóng Julang-3 từ tàu ngầm dưới lòng biển.

Hai nhân sĩ thông thạo về vấn đề này cho biết, tên lửa “Julang-3” được phóng lần này được phóng từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094. Trong cuộc thử nghiệm năm 2018, truyền thông Mỹ cho biết Trung Quốc đã phóng tên lửa “Julang-3” từ một tàu ngầm diezen Type 032 đã được cải tiến.

“Julang-3” là tên mã của loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm thế hệ thứ ba đang được phát triển ở Trung Quốc. Nó có tầm bắn hơn 10.000 km và có thể mang một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân.

Vào tháng 11/2018, truyền thông Mỹ đưa tin rằng Trung Quốc đã thực hiện vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “Julang-3” từ tàu ngầm đầu tiên của họ.

Sau đó, vào tháng 6 và tháng 10/2019, Trung Quốc đã tiến hành thêm hai cuộc phóng thử nghiệm “Julang-3”. Trong một bài phát biểu trước đó tại Diễn đàn an ninh Aspen, tướng Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, tiết lộ rằng, chỉ chưa đầy 24 giờ sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tại cuộc Đối thoại Shangri-La (Singapore) ngày 2/6/2019, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc thử nghiệm một “tên lửa đạn đạo loại mới phóng từ tàu ngầm mới”.

Tên lửa Julang-2 tiền thân của Julang-3 tại cuộc diễu binh hôm 1/10/2019.
Tên lửa Julang-2 tiền thân của Julang-3 tại cuộc diễu binh hôm 1/10/2019.

Mục đích nghiên cứu phát triển “Julang-3” của Trung Quốc là để tăng cường uy lực của lực lượng răn đe hạt nhân “tam vị nhất thể” (tên lửa liên lục địa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược) của Trung Quốc ở trên đất liền, trên biển để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ. Ông Tập Cận Bình rất coi trọng vấn đề này và đã nói trước đó khi thị sát lực lượng tàu ngầm hạt nhân: cần được phát triển mạnh mẽ lực lượng hạt nhân phóng từ biển.

Ngoài ra, các nguồn tin của Lầu Năm Góc gần đây cũng đã xác nhận rằng Trung Quốc đã bắn thử tên lửa liên lục địa loại mới nhất Dongfeng-41 vào ngày 22/10. Trang web Washington Times của Mỹ nói, đây là vụ phóng thử Dongfeng-41 chính thức đầu tiên của Trung Quốc được quân đội Mỹ xác nhận kể từ tháng 5 năm 2018.

Dongfeng-41 là tên lửa đạn đạo di động ba tầng mới nhất sử dụng nhiên liệu rắn do Trung Quốc phát triển. Tên của nó được xác nhận xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2014. Tên lửa này được cho là có tầm bắn hơn 12.000 km và mang theo các đầu đạn hạt nhân tự dẫn, phạm vi tấn công của nó bao trùm toàn bộ nước Mỹ.

Tên lửa Julang-3 có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân có khả năng tự tìm đến mục tiêu.
Tên lửa Julang-3 có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân có khả năng tự tìm đến mục tiêu.

“Julang-3” được cải tiến từ Dongfeng-41 trên đất liền; nó có thể mang theo 6 đến 10 đầu đạn tự dẫn sử dụng công nghệ dẫn đường phức hợp GPS/INS tiên tiến, có khả năng chống nhiễu mạnh hơn và độ chính xác cao hơn. Nó cũng tối ưu hóa quỹ đạo dưới nước và giảm nhiễu trong quá trình phóng dưới nước của tên lửa. Đồng thời, tên lửa cũng sử dụng kiểu thiết kế độc đáo do Tiền Học Sâm đề xuất. Nó sẽ lao về phía trước theo cách “trườn trên mặt nước” khi tấn công mục tiêu từ bên ngoài bầu khí quyển. Quỹ đạo bay của tên lửa có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Truyền thông Trung Quốc cho rằng “Julang-3” là “không thể đánh chặn” và có thể đã vượt qua loại “Trident” 2D-5 của Mỹ.