Di tích Chiến tranh Lạnh? Không hoàn toàn như vậy, nhưng khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, kỷ nguyên cạnh tranh hạt nhân dường như chấm dứt, Mỹ và Nga bắt đầu loại bỏ những vũ khí mà họ từng sử dụng để răn đe nhau trong suốt hơn 40 năm. Nếu năm 1967, quy mô kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đạt đỉnh cao với 31.255 đầu đạn hạt nhân, đến năm 2010, theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) ký với Nga, Mỹ cam kết giảm kho vũ khí xuống không quá 1.550 đầu đạn. Tháng 6/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố ý định giảm kho vũ khí xuống mức thấp hơn nữa, khoảng 1.000 đầu đạn, một quyết định có thể đưa Mỹ trở thành nước sở hữu hạt nhân ít nhất trong mọi thời kỳ kể từ năm 1953. Không chỉ thế, Mỹ tuyên bố ủng hộ các bước đi hướng tới kế hoạch giải giáp hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Trong bài diễn văn đọc tại Prague năm 2009, ông Obama cam kết sẽ xây dựng một thế giới hòa bình và an ninh không có vũ khí hạt nhân. Cắt giảm vũ khí hạt nhân cùng giấc mơ cháy bỏng xóa bỏ hoàn toàn thứ vũ khí hủy diệt này đã khiến nhiều người tin rằng hạt nhân chỉ còn là sai lầm của Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ đúng, bởi thực tế cho thấy điều kiện khiến nước Mỹ phải giảm kho vũ khí hạt nhân của mình là không có. Vũ khí hạt nhân vẫn là những công cụ quân sự tiềm năng nhất và đương nhiên là trung tâm của mọi cạnh tranh địa chính trị.Chúng trở nên không quan trọng trong những năm qua không phải bởi vì nhân loại quá tử tế với nhau mà có chăng chỉ là sự "lắng lại tạm thời" giữa các kình địch lớn. Sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến Mỹ trở thành siêu cường duy nhất của thế giới và đương nhiên những loại vũ khí của Mỹ đã thách thức nhiều nước khác. Thời gian không bao giờ đứng yên. Các nhà kinh tế dự báo Trung Quốc có thể sẽ bắt kịp Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai gần, và trên lý thuyết, các mối quan hệ quốc tế dẫn đến sự hoán ngôi giữa những bá chủ thống trị với các đối thủ đang nổi lên thường tạo ra xung đột. Đúng như vậy, Trung Quốc đã trở nên tự tin hơn, đương đầu với các đồng minh của Mỹ, xây dựng tiềm năng quân sự, trong đó có cả tàu ngầm và tên lửa đạn đạo. Tháng 9/2012, tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đẩy hai nước này đến bờ cuộc chiến mà theo dự đoán có thể dễ dàng kéo theo sự tham gia của Mỹ. Thậm chí quan hệ với nước Nga, đối tác của Mỹ trong kiểm soát vũ khí, ngày càng trở nên cạnh tranh hơn: cuộc nội chiến ở Syria có thể tạo ra một cuộc chiến kiểu Chiến tranh lạnh. Tóm lại, khi cuộc tranh giành chính trị giữa các cường quốc một lần nữa nóng lên, vũ khí hạt nhân một lần nữa đương nhiên trở thành vai trò trung tâm. Bên cạnh đó, cùng với tham vọng hạt nhân, nhiều quốc gia khác đang hiện đại hóa hoặc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ. Theo nhận định của nhà nghiên cứu chính trị thuộc Trường đại học Yale, Paul Bracken, chúng ta đang bước vào "thời đại hạt nhân thứ hai với cục diện chính trị toàn cầu thay đổi, trong đó vũ khí hạt nhân được xem như yếu tố quyết định trong việc nắm giữ vai trò chính trị quyền lực. Và Mỹ cần một lực lượng hạt nhân như vậy không chỉ để duy trì quyền lực mà còn để bảo vệ quốc gia trước những nguy cơ phía trước. Không đời nào từ bỏ vũ khí hạt nhân Như phần đầu bài đã đề cập, thực tế trong lòng nước Mỹ không chứng minh cho những tuyên bố hùng hồn của mình. Học giả Stephen M. Walt, giáo sư chuyên về các vấn đề quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Havard phân tích: Cho dù Mỹ đã giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, nước này vẫn sở hữu hàng ngàn đầu đạn hạt nhân đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoặc được dự trữ. Ông Walt khẳng định, "không có vị nào đương chức lại nghiêm túc cổ xúy cho việc từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn". Theo Walt, những việc cắt giảm khiêm tốn theo hiệp ước ký với Nga chẳng qua chỉ là "lý thuyết" mà thôi, và một số ít lãnh đạo Mỹ tuy có mong muốn cắt giảm toàn bộ vũ khí hạt nhân nhưng vẫn thấy cần phải giữ chúng để làm phương tiện răn đe. Stephen M. Walt bóc mẽ giới lãnh đạo Mỹ khi cho rằng, đừng bị đánh lừa bởi vẻ ngoài của họ. Đa phần các nhà lãnh đạo Mỹ thích nói về quan hệ đối tác toàn cầu và nhu cầu phối hợp với các đồng minh, đồng thời tiết giảm việc nói về vai trò chế ngự của nước Mỹ. Nhưng mặt khác, không ai tranh cử tổng thống lại cam kết "biến Mỹ thành số 2" cả. Và đó là lý do vì sao mà giới lãnh đạo Mỹ mập mờ về tính thống nhất của châu Âu. Họ vừa muốn châu Âu đủ thống nhất để không phát sinh rắc rối cho Mỹ, lại vừa không muốn châu Âu quá đoàn kết để thành một siêu nhà nước có đủ sức đối trọng với Washington. Việc Washington mềm mỏng trong tuyên bố lập trường chẳng qua là để tránh gây khó chịu cho các chính phủ khác và tránh đẩy họ đến chỗ phải dè chừng và tìm cách kiềm chế Mỹ. Ông Walt khẳng định: Tham vọng của Mỹ là không thay đổi - cả ông Clinton, Bush (con), đến Obama - đều không từ bỏ mục tiêu cơ bản là giữ Mỹ ở vị trí siêu cường số 1 thế giới. Hiện thực hóa ưu thế Nếu năm 2015, Trung Quốc tuyên bố là nền kinh tế số 1 thế giới, có nghĩa là Mỹ mất vai trò dẫn đầu trong kinh tế. Còn nước Nga, mặc dù có những vấn đề nội bộ của mình, đã trở thành quốc gia dẫn đầu các tiến trình chính trị, và có thể nói ở mức cao hơn là địa - chính trị của một thế giới đổi mới với những đường nét cơ bản đang được thể hiện rõ: thành lập Quốc gia liên minh (Nga - Belarus-ND), Liên minh Á - Âu đã được công bố thành lập, thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Trong mọi diễn đàn, người đưa ra sáng kiến đầu tiên đều là Nga. Trên lĩnh vực đối ngoại, Moskva theo đuổi một chính sách nhất quán hơn và nỗ lực đóng vai trò một cực độc lập trong thế giới đa cực, từ bỏ các giá trị phương Tây và chống lại một cách hiệu quả việc hình thành liên minh với phương Tây trên cơ sở tư tưởng. Thời gian gần đây đã có sự xích lại đáng kể giữa Nga và Trung Quốc trong một loạt lĩnh vực. Iran, Syria và Venezuela ủng hộ Điện Kremlin nhiều hơn. Việc Moskva và Washington có thể tìm ra điểm tương đồng về một số vấn đề then chốt lại càng trở nên khó khăn hơn khi Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã đẩy cả hai bên đến bờ vực và rơi vào một mối quan hệ mới. Mối quan hệ này sẽ không dịu đi nhờ sự mập mờ đã xác định thập kỷ cuối cùng của thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, khi mỗi bên đều coi đối phương không phải bạn cũng chẳng phải kẻ thù. Nga và phương Tây giờ đang là đối thủ. nếu một cuộc khủng hoảng an ninh tại trung tâm châu Âu leo thang, mối nguy về một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nhanh chóng quay trở lại. Vì vậy theo các nhà phân tích, ngoài việc đóng vai trò duy trì thế cân bằng của Mỹ và các cường quốc hạt nhân khác trên thế giới, vũ khí hạt nhân còn được Mỹ coi như một công cụ răn đe trong bối cảnh thế giới đang đầy diễn biến phức tạp. Xem ra giải giáp vũ khí hạt nhân là vấn đề khó thực hiện. Theo: An ninh Thế giới