Mỹ trao cho Trung Quốc 4 người, 2 nhận án tù vì tội gián điệp
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/11 tuyên bố rằng 3 công dân Trung Quốc bị Mỹ giam giữ nhầm đã trở về Trung Quốc an toàn và kiên quyết phản đối việc Mỹ đàn áp và bắt giam công dân Trung Quốc vì mục đích chính trị. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không tiết lộ chi tiết danh tính của 3 công dân Trung Quốc được Mỹ thả.
Các quan chức Mỹ cho biết việc thả các điệp viên của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc Yanjun Xu (Từ Diên Quân) và Ji Chaoqun (Quý Siêu Quần) đã được thảo luận trong quá trình đàm phán, hiện tên họ không còn nằm trong danh sách của hệ thống Cục Nhà tù liên bang nữa.
Xu Yanjun được cho là gián điệp của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc. Ông bị cáo buộc hai tội âm mưu và mưu đồ làm gián điệp kinh tế, một tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại và hai tội cố gắng đánh cắp bí mật thương mại. Vào tháng 11/2022, Tòa án liên bang ở Cincinnati đã kết án ông ta 20 năm tù.
Theo cáo trạng, Xu Yanjun bắt đầu làm việc tại Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc năm 2003 và sau đó giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục 6 thuộc Sở An ninh Quốc gia tỉnh Giang Tô. Dưới vỏ bọc là Qu Hui (Khúc Huy), Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc tế Giang Tô, ông đã liên hệ với một kỹ sư tại GE Aviation ở Cincinnati và đánh cắp bí mật thương mại của GE Aviation. Dưới sự sắp xếp của FBI, kỹ sư này đã gặp Xu Yanjun tại Brussels, Bỉ vào năm 2018 để chuyển thông tin. Cảnh sát Liên bang Bỉ đã bắt giữ Xu Yanjun ngay tại chỗ và sau đó dẫn độ anh ta sang Mỹ để xét xử.
Về phần Ji Chaoqun (Quý Siêu Quần), người bị cáo buộc vi phạm Đạo luật đăng ký đại lý nước ngoài (FARA) và hoạt động với tư cách là điệp viên của chính phủ Trung Quốc. Ông tham gia Chương trình Dự bị Quân đội Mỹ (MAVNI) vào năm 2016 và có được quốc tịch Mỹ thông qua nghĩa vụ quân sự. Nhiệm vụ chính của ông bao gồm thu thập thông tin về các nhân viên nhà thầu quốc phòng Mỹ cho chi nhánh Giang Tô của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc và cố gắng tuyển dụng họ làm việc cho Trung Quốc. Tài liệu tòa án cho thấy Ji Chaoqun đã gặp 3 sĩ quan tình báo Trung Quốc khi ở Trung Quốc mà Xu Yanjun là một trong số họ.
Ji Chaoqun bị cáo buộc đã được lệnh mua dữ liệu điều tra lý lịch của 8 công dân Mỹ nhập tịch khi anh ta còn là nghiên cứu sinh, 7 người trong số họ đã làm việc trong ngành công nghệ cao cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Ji Chaoqun cũng bị cáo buộc mưu đồ lấy cắp thông tin công nghệ từ một nhà cung cấp động cơ hàng không vũ trụ giấu tên của Mỹ tham gia nghiên cứu hàng không liên quan đến quân sự. Bằng cách tiếp cận các kỹ sư của công ty, ông đã cố gắng lấy các dữ liệu nhạy cảm và chuyển nó cho cơ quan tình báo Trung Quốc. Năm 2022, anh ta bị tòa án liên bang Mỹ kết án 8 năm tù.
Ngày 28/11, giờ Bắc Kinh Trung Quốc thông báo Mỹ đã trao trả Trung Quốc 4 người, trong đó có ít nhất 3 công dân Trung Quốc. Trung Quốc cho biết 3 người này bị Mỹ giam giữ “vì mục đích chính trị”. Người thứ tư là một phạm nhân chạy trốn đã sống ở Mỹ nhiều năm và bị Bắc Kinh yêu cầu trục xuất. Trung Quốc không nêu rõ danh tính của người thứ tư này.
Trung Quốc trao cho phía Mỹ 3 người
Nhà Trắng hôm 28/11 thông báo chính phủ đã sắp xếp thành công một thỏa thuận với Trung Quốc để ba công dân Mỹ bị Trung Quốc bắt giam: Mark Swidan, Kai Li và John Leung đã được trả tự do. Máy bay chở họ đã hạ cánh xuống căn cứ quân sự San Antonio ở Texas vào cuối ngày 27/11.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden nói với các phóng viên vào sáng 28/11 rằng ông đã nói chuyện với cả ba người họ qua điện thoại. “Tôi thực sự vui mừng vì họ đã trở về nhà”, ông nói.
Phía Mỹ nói cả ba công dân Mỹ đều bị giam giữ trái phép ở Trung Quốc. Mark Swidan bị kết án tử hình vì tội buôn bán ma túy, còn Kai Li và John Leung bị bỏ tù vì tội gián điệp.
Trong một động thái liên quan khác, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 27 đã hạ cảnh báo du lịch tới Trung Quốc từ “Cấp 3” xuống “Cấp 2”, cảnh báo công dân Mỹ phải “cực kỳ thận trọng” khi đến Trung Quốc.
Trước đây, Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến nghị công dân “xem xét lại việc đi du lịch đến Trung Quốc”, một phần do nguy cơ công dân Mỹ bị giam giữ trái phép.
Hai tháng trước, Trung Quốc đã thả David Lin, một mục sư Cơ Đốc đến từ California. Ông ta đã phải ngồi tù gần 20 năm ở Trung Quốc vì tội gian lận hợp đồng.
Ông John Kamm, Giám đốc tổ chức nhân quyền Dialogue Foundation, cho rằng do Bắc Kinh thường không trao đổi tù nhân nên động thái này không chỉ là món quà chia tay dành cho Biden mà còn là tín hiệu gửi đến Tổng thống đắc cử Trump rằng Trung Quốc có thể sẽ đưa ra tín hiệu nhượng bộ.
Vào tháng 8 năm nay, Mỹ cũng tiến hành một hoạt động trao đổi tù nhân lịch sử khác diễn ra giữa Mỹ và Nga, bao gồm việc trả tự do cho các nhà báo Mỹ Alsu Kurmasheva và Evan Gershkovich, cựu binh Thủy quân lục chiến Paul Whelan, và lãnh đạo phe đối lập Nga Vladimir Kara-Murza, người có quyền cư trú lâu dài ở Mỹ.
Theo Singtao