Nhận được 800 nghìn USD nhờ bán thông tin mật cho tình báo Trung Quốc
Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, cựu quan chức DIA đến từ Syracuse, bang Utah này do bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc hôm 2.6.2018 đã bị các nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt giữ tại sân bay quốc tế Tacoma, Seatle khi đang chuyển máy bay để chuẩn bị tới Trung Quốc. Ngày 4.6.2018, Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận Ron Hansen bị cáo buộc có ý đồ chuyển giao những thông tin cơ mật quốc phòng cho Trung Quốc và nhận mấy trăm nghìn USD. Đồng thời ông ta còn làm việc phi pháp với tư cách điệp viên của chính phủ Trung Quốc.
Công tố viên cho biết, Ron Hansen nói thành thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Nga. Từ năm 2000 đến 2006 là quan chức phụ trách hồ sơ của DIA, sau đó tiếp tục là một nhân viên dân sự và là một nhà thầu của DIA. Từ năm 2013 đến 2017, Ron Hansen nhiều lần qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc, lợi dụng cơ hội dự các hội nghị để cung cấp cho cơ quan tình báo Trung Quốc những thông tin mà ông ta thu thập được rồi nhận thù lao thông qua chuyển tiền qua mạng, thẻ tín dụng và cả tiền mặt. Ông ta còn xuất khẩu trái phép những công nghệ bị chính phủ Mỹ quản chế. Qua đó, Ron Hansen đã nhận được tới 800 nghìn USD từ phía Trung Quốc.
Ron Hansen bị FBI bắt giữ tại sân bay Tacoma tháng 6 năm 2018.
|
Theo VOA tiếng Trung, Ron Hansen năm nay 58 tuổi đã đi lính quân dịch trước khi trở thành nhân viên DIA từ năm 2006, khi xuất ngũ ông ta mang hàm Chuẩn úy. Gia nhập DIA, Ron Hansen chuyên làm công tác tình báo tín hiệu và nhân sự, nhiều năm được có thẩm quyền xem xét tài liệu mức “Tuyệt mật”.
Ron Hansen thừa nhận, cơ quan tình báo Trung Quốc tuyển dụng ông ta vào đầu năm 2014, sau đó định kỳ gặp mặt tại Trung Quốc. Họ cho ông ta biết những thông tin tình báo mà phía Trung Quốc quan tâm. Văn bản của Tòa án liên bang Utah cho biết, Ron Hansen đã nhận được từ cơ quan tình báo Trung Quốc ít nhất 800 nghìn USD, trong đó bao gồm ít nhất 300 nghìn USD “tư vấn phí”.
Tòa án cho rằng, rất có thể Ron Hansen đã bán thông tin tình báo vì tiền. Văn bản của tòa cho biết, năm 2012, ông ta mắc một khoản nợ cá nhân khoảng 200 nghìn USD. Trong bản kê khai thuế năm 2014 cho thấy công ty kế toán của Ron Hansen bị thua lỗ hơn 1 triệu USD. Sau đó 2 năm công ty này không khai báo thuế với chính phủ nữa.
Ông Hatcher, điều tra viên của Cục Thuế vụ Mỹ nói, Ron Hansen có lẽ là “mục tiêu mềm” mà cơ quan tình báo Trung Quốc định chiêu mộ vì những người này thường bị mắc nợ nần. Người phụ trách chi cục FBI của bang Utah nói, Trung Quốc dùng mọi cách để lấy được cơ mật của phía Mỹ. Vụ án Ron Hansen “khiến người ta bất ngờ khi thấy phạm vi hoạt động của họ (tình báo Trung Quốc) ở bang Utah”.
Cựu nhân viên CIA người Mỹ gốc Trung Quốc Jerry Chun Shing Lee bị khởi tố vì cung cấp thông tin tình báo quốc phòng cho Trung Quốc.
|
Việc Ron Hansen sa lưới bắt đầu từ việc ông ta lôi kéo một nhân viên DIA khác cung cấp cho ông ta những tài liệu cơ mật để bán cho Trung Quốc. Ron Hansen cho Trung Quốc biết ông ta có thể trở thành nhịp cầu để nhân viên kia cung cấp tin tình báo cho Trung Quốc. Ông ta đã hướng dẫn nhân viên DIA ấy cách bí mật ghi âm và chuyển tin tình báo, cách che giấu và rửa tiền sau khi nhận được thù lao. Nhân viên này đã báo cáo lại với DIA, sau đó ông ta tiếp tục tiếp xúc với Ron Hansen nhưng với tư cách người của FBI nằm vùng. Bộ Tư pháp cho biết, những thông tin mà Ron Hansen cần liên quan đến tình trạng chuẩn bị chiến đấu của quân đội Mỹ ở khu vực X, thuộc loại tuyệt mật.
Sau khi nhận được những văn kiện bí mật từ người tay trong của FBI đó, Ron Hansen đã đọc rồi cho người này biết ông ta đã nạp một phần vào bộ nhớ của máy tính, còn một bộ phận sau khi mã hóa được cất giấu vào các hồ sơ điện tử.
Văn bản của Bộ Tư pháp Mỹ nói, Ron Hansen thừa nhận dự định bán những thông tin cơ mật này cho cơ quan tình báo Trung Quốc, dù biết rằng những thông tin này được dùng để gây hại cho lợi ích quốc gia của Mỹ.
Ngày 24.9.2019, tòa án sẽ chính thức tuyên án. Ron Hansen và công tố viên đã đạt được một thỏa thuận, theo đó Ron Hansen sẽ bị kết án 15 năm tù giam sau khi nhận tội.
Trung Quốc “nỗ lực tối đa” để giành cho được công nghệ của Mỹ
Hồi tháng 7.2018, Giám đốc FBI Christopher Wray đã nói tại Diễn đàn an ninh Aspen (Aspen Security Forum): “Xét từ góc độ phản gián, Trung Quốc là thách thức uy hiếp lớn nhất, sâu rộng nhất và phổ biến nhất mà đất nước chúng ta gặp phải”. Báo cáo của Trung tâm An ninh và Phản gián quốc gia Mỹ (NCSC) công bố năm ngoái cũng nói, Trung Quốc đã “nỗ lực tối đa” để giành lấy công nghệ của Mỹ, bao gồm các bí mật thương mại nhạy cảm và các thông tin chuyên biệt.
Báo cáo của NCSC đã giới thiệu tỉ mỉ sách lược của Trung Quốc trong hợp tác học thuật, hoạt động gián điệp và tấn công mạng; chỉ rõ Trung Quốc đã dốc mọi tinh lực để đoạt lấy bí quyết công nghệ của Mỹ và kết luận: “Chúng tôi tin rằng, Trung Quốc thông qua tấn công mạng và các phương thức khác, sẽ tiếp tục tạo thành mối uy hiếp đối với các phát minh công nghệ và bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ”.
Kevin Mallory, cựu quan chức CIA bị bắt vì bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.
|
Chính phủ của ông Donald Trump đã áp dụng một loạt hành động bắt bớ những nhân viên tình báo Mỹ hoạt động gián điệp cho Trung Quốc. Vụ án Ron Hansen chỉ là một trong số các vụ đó, những người này đều bị cuốn vào các vụ điều tra hình sự liên quan đến Trung Quốc.
Năm ngoái, Tòa án liên bang ở thành phố Alexandria, bang Virginia cũng đã cáo buộc cựu quan chức CIA gốc Hoa Lý Chấn Thành (Jerry Chun Shing Lee). Bồi thẩm đoàn đã khởi tố ông ta phạm phải nhiều tội, trong đó có việc thu thập tình báo quốc phòng và cung cấp cho Trung Quốc.
Một người khác là Kevin Mallory, 61 tuổi cũng bị băt hồi tháng 6.2018 vì bị nghi bán văn kiện tối mật cho Trung Quốc. Ông này do nhiều năm làm việc trong CIA, lại biết tiếng Trung Quốc nên những tình báo mà ông ta nắm được chính là thứ mà Trung Quốc muốn có.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu