Trái với dự đoán của báo giới và khá nhiều chuyên gia về kết quả “bế tắc” hoặc “thất bại” của Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7 diễn ra trong hai ngày 23-24/6/2015 tại Washington DC, cả 4 trưởng đoàn Mỹ và Trung Quốc đều cười tươi, tay bắt chặt khi Đối thoại kết thúc và tuyên bố “kết quả vượt quá mong đợi” với 127 kết quả. Phải chăng quan hệ Trung-Mỹ đã thực sự “đảo chiều” chỉ sau “một đêm”?
Cuộc Đối thoại được mong chờ nhất
Kể từ khi được Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nâng cấp thành Đối thoại Chiến lược và Kinh tế năm 2009, các Đối thoại chiến lược Trung-Mỹ luôn là mối quan tâm hàng đầu của dư luận lẫn các nhà phân tích thời cuộc bởi quy mô lớn nhất và tính chất cũng quan trọng nhất trong hơn 90 kênh đối thoại thường niên.
Đối thoại năm nay chủ nhà Mỹ có 8 thành viên nội các, trong đó có Ngoại trưởng Kerry, Bộ trưởng tài chính Jack Lew, và đông đảo quan chức cấp cao. Còn phía Trung Quốc có 400 quan khách do Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì dẫn đầu. Đây cũng là kênh đối thoại song phương quy mô nhất thế giới. Điều này phản ảnh đúng thực trạng cũng như tầm vóc quan hệ giữa hai quốc gia lớn.
Cuộc Đối thoại năm nay nhận được quan tâm đặc biệt hơn, bởi:
Một, quan hệ Trung-Mỹ đang trải qua thời kỳ sóng gió nhất trong hơn ¼ thế kỷ qua kể từ sau sự kiện Thiên An Môn 6/1989 liên quan đến việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên vùng biển chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, các “thách đố” 2 nước về vùng cấm bay trên đảo nhân tạo và “vùng cấm” 12 hải lý trên biển , và đặc biệt là việc chính quyền Mỹ “nghi” tin tặc Trung Quốc đột nhập, lấy cắp dữ liệu của khoảng 4 triệu người do Cơ quan quản lý nhân lực (OPM) đang cất giữ. Dư luận lo ngại, với hàng tá các bất đồng và khác biệt như vậy liệu hai nước có còn duy trì được quan hệ hợp tác nữa hay không?
Hai, khả năng đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu và Hiệp định đầu tư song phương (BIT). Chẳng hạn, liên quan đến biến đổi khí hậu, các động thái của Trung Quốc - nước đang phát triển lớn nhất, và Mỹ-nước phát triển lớn nhất thế giới, đồng thời là cả hai nước có lượng khí thải Carbon lớn nhất thế giới, sẽ có tác động sâu sắc đến lập trường của hàng loạt nước tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Paris vào tháng 12/2015.
Ba, việc chuẩn bị của hai nước cho chuyến thăm Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 9/2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến đi hết sức quan trọng đối với Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Trung. Nhiều khả năng ông Tập sẽ trở thành nhà lãnh đạo của Trung Quốc lần đầu tiên được phát biểu trước cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Do đó, Trung Quốc rất muốn mọi chuyện liên quan đến chuyến đi suôn sẻ.
Bước đi đầu tiên của Trung Quốc là tạm dừng bồi đắp đảo và kết quả của đòn tấn công ngợi giao là “không ngờ”!
Kết quả “không ngờ”
Nội dung của Đối thoại chiến lược khá rộng, bao trùm hàng loạt các chủ đề, từ an ninh hàng hải, an ninh mạng đến biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, thương mại, rồi hợp tác kinh tế. Quan trọng nhất, hai bên đã đạt được 127 kết quả cụ thể, giải tỏa các căng thẳng trong quan hệ hai nước để chuẩn bị cho chuyển đi Washington của ông Tập. Các thỏa thuận chính đạt được gồm:
Thứ nhất, hai bên cam kết hợp tác để đem lại kết quả thành công của Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu họp tại Paris vào tháng 12/2015. Riêng trong việc chống biến đổi khí hậu và môi trường, hai nước đã đạt được gần 40 kết quả. Các kết quả này là sự triển khai Tuyên bố chung Trung-Mỹ về thay đổi khí hậu trái đất được ông Obama và Tập ký năm 2014.
Thứ hai, bảo vệ và bảo tồn các đại dương, trong đó có việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp, mở rộng các lực lượng cưỡng chế trên biển, thiết lập khu bảo vệ biển ở Nam cực.
Ba là, củng cố an ninh y tế toàn cầu, trong đó có việc Trung Quốc giúp các nước Tây Phi xây dựng lại hệ thống y tế, đối phó chống lại các bệnh dịch truyền nhiễm.
Thứ tư, các hợp tác khác bao gồm: hai nước Trung-Mỹ ủng hộ một quốc gia Afghanistan hòa bình, ổn định và thống nhất; ủng hộ việc phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và việc sớm đạt được thỏa thuận về Kế hoạch hành động chung toàn diện trên cơ sở thỏa thuận khung được nhóm P5+1, Iran và EU; hợp tác sâu rộng hơn trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Hai nội dung được trông chờ nhiều nhất là căng thẳng trên Biển Đông và an ninh mạng–vốn được Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu khá thẳng thắn trong phiên khai mạc–lại hoàn toàn “biến mất” trong Tuyên bố chung sau đó. Chẳng hạn, thay vì nhắc đến vấn đề Biển Đông, thì vấn đề hợp tác dân sự ở các đại dương lại được đưa vào thông cáo chung.
Phải chăng gió đã “đảo chiều”?
Những ai mong chờ các trận “khẩu chiến” kịch liệt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái cứng rắn từ phía Mỹ hẳn sẽ thất vọng. Các sắc thái đánh giá cũng khá khác nhau. Trước hết là việc cho rằng Trung Quốc đã “cao tay” khi tuyên bố dừng đắp đảo để đổi lấy “yên ổn” tạm thời, rồi sau đó “đâu lại đóng đấy” sau cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung được tổ chức vào tháng 9/2015. Có ý kiến khác lại cho rằng đã đến lúc Trung-Mỹ “bắt tay thỏa hiệp” và Biển Đông không phải là vấn đề lớn mà thực sự hai nước còn có các quan hệ lớn hơn. Vậy nên hiểu thế nào cho đúng?
Trước hết, diễn đàn Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Mỹ không phải là nơi để giải quyết các khác biệt, các tranh chấp. Đây là nơi mà hai bên chủ yếu bày tỏ quan điểm của mình với mục đích tăng cường lòng tin, thu hẹp các bất đồng. Do đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều cố gắng gác lại các tranh chấp, các khác biệt, nhấn mạnh đến các điểm đồng làm nền tảng thúc đẩy hợp tác. Họ biết rằng các bất đồng, khác biệt hiện nay là quá lớn và càng tìm cách giải quyết thì lại càng đưa đến đến các tranh cãi không lối thoát. Thực chất đây là sự “thừa nhận các bất đồng, khác biệt” (agree to disagree).
Bên cạnh đó, xét trong bối cảnh hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang phải dồn sức đối phó cho hàng loạt các vấn đề đối nội, đối ngoại lớn và chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu toàn diện. Đặc biệt, đối với Trung Quốc, nếu đối đầu càng leo thang thì Trung Quốc sẽ càng ở thế bất lợi khi không có chỗ dựa là mạng lưới các đồng minh và hệ thống căn cứ quân sự hải ngoại liên hoàn như Mỹ. Chưa kể sức mạnh và kinh nghiệm tác chiến trên biển của Trung Quốc còn thua xa Mỹ hàng thập kỷ.
Cuối cùng, về phía mình, Trung Quốc thấy giai đoạn đầu “lấn hải” có thể tạm ổn, cần tập trung củng cố các “thành quả” vừa giành được để dồn sức cho các “trận chiến” dài hơi hơn phía sau. Hơn nữa, việc tiếp tục xây đảo nhân tạo có thể phá hỏng chuyến đi Mỹ vào tháng 9/2015 của Chủ tịch Tập Cận Bình, đưa Trung Quốc vào “tầm ngắm” của tâm điểm chính trị nội bộ Mỹ trong mùa bầu cử Tổng thống năm 2016.
Còn bản thân Mỹ cũng cảm thấy “hài lòng” khi ít nhất các yêu cầu đòi phía Trung Quốc dừng hoạt động bồi đắp, cải tạo đã có kết quả và cần tiếp tục dùng các biện pháp, sức ép khác để Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Sau cuộc Đối thoại này, hai nước Trung-Mỹ đã nhất trí sẽ có cuộc họp về an ninh biển vào tuần tới.
Xét trong bối cảnh hai nước có các tính toán lợi ích như trên thì kết quả của cuộc Đối thoại Trung-Mỹ vừa qua là hoàn toàn hiểu được và không đến nỗi quá “bất ngờ”.
Bài viết của Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao)
Theo: VietnamNet