Theo The Drive, khi cân nhắc thực hiện hành động quân sự, một bên phải đong đếm cái được, cái mất, cả trong tương lai gần và trong ngắn hạn. Những câu hỏi đơn giản như liệu hành động này có mục đích quân sự thực sự không? Liệu hành động này có giúp Mỹ an toàn hơn không? Liệu động thái này có giúp Mỹ tiến thêm một bước đến mục tiêu chung mà nước này mong muốn đạt được trong khu vực hay không? Liệu sự việc này có khiến binh lính Mỹ thêm nguy hiểm hay không? chỉ là một số trong rất nhiều những câu hỏi cần phải được cân nhắc cẩn trọng. Tuy nhiên cuộc tấn công của Mỹ vào căn cứ Shayrat đã không tính đến phần lớn những câu hỏi trên.
Thực chất, cuộc tấn công đêm 6/4 của Mỹ chẳng gây thiệt hại lớn đến khả năng chiến đấu của Assad, The Drive nhận định. Chỉ một số hầm chứa máy bay bị hư hỏng, cùng với một số máy bay chiến thuật cũ, các tòa nhà nhỏ và một số thiết bị khác bị hư hại. Cuộc tấn công này thậm chí còn không làm hỏng đường băng của căn cứ không quân này, do đó căn cứ Shayrat có thể sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ bay chỉ sau một thời gian ngắn. Và hệ thống phòng không của căn cứ này còn không bị ảnh hưởng chút nào.
Điều này một phần là do Nga- nước duy trì sự hiện diện quân sự ở căn cứ này trong những năm gần đây- đã được cảnh báo trước cuộc tấn công, và hiển nhiên Syria cũng nhận được thông tin. Phần lớn máy bay và các thiết bị cao cấp, cũng như quân đội của hai nước này đã được chuyển tới các vị trí khác. Việc sát hại lính Nga cũng không phải là điều có lợi cho Mỹ. Nhưng nếu đây là một tín hiệu cảnh báo có ý nghĩa chiến lược thì tại sao Mỹ lại phải để nguyên một số thiết bị trên phi trường, sau khi đã đưa ra lời cảnh báo? Đáp án cho câu hỏi này quả thực hết sức thất vọng.
The Drive cho biết các tên lửa Tomahawk theo thiết kế không hoàn toàn phù hợp với mục tiêu tấn công Shayrat. Những đầu đạn tiêu chuẩn của tên lửa này có khả năng phá hủy những thiết bị và cấu trúc không được tăng cường, nhưng lại không thể tấn công một phi trường kiên cố. Mặt khác, việc sử dụng những tên lửa này lại không quá nguy hiểm, khiến cho các chính trị gia rất thích dùng các tên lửa này vì không phi công nào bị thương trong cuộc tấn công.
Nhưng liệu mục tiêu như căn cứ không quân Shayrat có xứng đáng để tấn công nếu Mỹ không sẵn sàng sử dụng hệ thống vũ khí phù hợp, hoặc kết hợp sử dụng các hệ thống vũ khí để tấn công? Rõ ràng việc đưa một loạt tên lửa Tomahawk tấn công các hầm chứa máy bay kiên cố chỉ là một động thái mang tính biểu tượng và thiệt hại gây ra rất hạn chế.
Thực chất chỉ cần ba máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit có khả năng mang 16 bom chuyên phá boongke JDAM (vũ khí có dẫn đường) 2000 LB hoặc 80 quả bom JDAM 5000 LB là đủ sức phá hủy sân bay, hầm chứa máy bay và hệ thống phòng không ở căn cứ Shayrat. Đó là lí do vì sao B-2 được sử dụng trong chiến dịch Bình minh Odyssey ở Libya chứ không phải là 200 tên lửa Tomahawk.
Nếu Mỹ định tấn công mục tiêu như sân bay, ít nhất Mỹ cũng thừa sức để làm điều đó. Không chỉ vậy, B-2 cũng có thể thực hiện nhiệm vụ này mà không gây nhiều thiệt hại cho Mỹ, và có thể vươn tới mục tiêu từ phía đông Syria chứ không cần phải bay qua hệ thống phòng không của Nga ở dọc bờ biển Syria.
Thậm chí một cuộc tấn công kết hợp nhiều máy bay chiến đấu cũng như máy bay tác chiến điện tử, máy bay ném bom và máy bay hỗ trợ giám sát trên không như B-1B có thể đã biến căn cứ Shayrat thành tro bụi, cho dù mức độ rủi ro cao hơn và nhiệm vụ phức tạp hơn sử dụng máy bay B-2.
The Drive cho rằng hành động này của Mỹ có tác động rất lớn đến uy tín của nước này. Giới lãnh đạo trên thế giới sẽ không còn sợ hãi Mỹ nữa vì ông Trump đã quyết định không kích vào một mục tiêu hoàn toàn bỏ đi. Họ không dễ bị lừa phỉnh như các học giả khác. Những lãnh đạo này đánh giá sát hơn mối đe dọa mà Mỹ có thể gây ra cho họ và khả năng quân sự của họ, đồng thời coi việc Mỹ bỏ ra 59 quả tên lửa Tomahawk trị giá 1,5 triệu USD/quả vào một sân bay cũ kỹ của Syria mà không đem lại hiệu quả gì khiến Mỹ thật ngớ ngẩn và yếu kém.
Nếu Nga và Assad có khả năng tên lửa mà thậm chí B-2 và tất cả các khả năng tác chiến điện tử, khả năng chế áp hệ thống phòng không của kẻ thù và khả năng xâm nhập vào không gian mạng cũng không thể đối phó được, vậy những thiết bị này có thể làm gì để chống lại một đối thủ lớn? Như vậy việc lựa chọn cách phá hủy mục tiêu một lần nữa lại làm tổn hại đến uy thế quân sự của Mỹ.
Cuối cùng, Mỹ không gây thiệt hại lớn đến không lực hay khả năng phòng không của Assad, mà quả thực Mỹ chỉ trả đũa vụ tấn công hóa học mà Mỹ cho là chính quyền Syria thực hiện. Do đó chẳng có sự thay đổi nào về mặt quân sự cả. Còn Mỹ vẫn phải mang tiếng xấu cho cuộc tấn công vào căn cứ Shayrat.
Đúng như dự đoán, Nga đã rút khỏi thỏa thuận Nga-Mỹ về việc giảm xung đột trong không phận Syria. Không chỉ vậy, Mỹ hiện nay không có cách nào liên lạc với chỉ huy Nga nếu máy bay Nga và Syria ném bom vào quân Mỹ hay liên quân do Mỹ dẫn đầu. Và đường dây nóng thiết lập theo thỏa thuận nhằm tránh va chạm trên không giữa hai bên bỗng nhiên thành giấy lộn.
Thực tế đường dây liên lạc này đã được sử dụng rất nhiều lần trước đó. Hiện nay nó không còn tồn tại nữa, binh lính và phi công Mỹ đang gặp phải mối nguy hiểm lớn hơn bao giờ hết. Không chỉ vậy, còn có khả năng các sự cố nhỏ (vốn có thể được ngăn chặn chỉ bằng một cuộc điện đàm) có thể dẫn tới một cuộc đụng độ lớn hơn.
Điện Kremlin còn tuyên bố sau cuộc tấn công trên, họ sẽ tăng cường trang bị cho quân đội của Assad những hệ thống phòng không cao cấp. Hiện nay, Nga mới chỉ đặt khẩu đội S-300 ở Tartus và khẩu đội S-400 ở phi trường phía nam Latakia. Những khẩu đội phòng không này là những hệ thống có uy lực nhưng Nga đã không hướng vào máy bay của Mỹ hoặc liên quân vì chúng chỉ để phục vụ cho cuộc chiến chống IS và các nhóm phiến quân cực đoan ở Syria. Nga hiện đã tuyên bố sẽ sử dụng những vũ khí này để bảo vệ không phận và quân đội của chính quyền Assad.
Theo The Drive, quân đội Assad, thậm chí với các hệ thống phòng không cũ kỹ cũng đã có thỏa thuận ngầm với Mỹ không tấn công máy bay của liên minh nếu Mỹ không ném bom vào quân đội Syria, và đặc biệt là không ném bom vào hệ thống phòng không và hệ thống chiến đấu của chính phủ. Thỏa thuận này giờ cũng theo đó mà chấm dứt. Rất nhiều máy bay của Mỹ không có khả năng chống lại tên lửa đất đối không radar dẫn đường, và hiện nay máy bay Mỹ sẽ phải chịu rủi ro rất lớn trên bầu trời Syria.
Ngoài ra Nga còn có thể triển khai các hệ thống phòng không tầm xa hiện đại tới Syria và điều này có thể thay đổi cân bằng về không lực trên chiến trường. Sự thay đổi này sẽ làm tăng đáng kể mức độ phức tạp và nguy hiểm trong cuộc chiến của Mỹ chống lại IS trong khu vực. Điều này cũng sẽ khiến các cuộc tấn công trong tương lai vào quân đội Assad trở nên nguy hiểm hơn.
Những điều này trở thành vấn đề nghiêm trọng vì Mỹ được cho là đang tập trung chống IS và về cơ bản là tấn công thủ đô tự xưng Raqqa của lực lượng này. Mỹ đã luôn cố đàm phán để mở không phận Syria cho máy bay không người lái, máy bay trực thăng, máy bay giám sát và tấn công của liên quân bằng cách không bị cuốn vào cuộc nội chiến Syria. Hiện nay, một số máy bay này đang gặp phải nguy cơ lớn chỉ vì một cuộc tấn công trả thù vô ích. Do đó cuộc chiến chống IS sẽ trở nên khó khăn hơn. Và sự thay đổi lại diễn ra giữa lúc Mỹ đang quyết tâm chiếm được Raqqa.
Cuối cùng, The Drive cho rằng hành động trả đũa vô ích của Mỹ chỉ gây tổn hại đến mục tiêu chung và lợi ích quốc gia của nước này. Hiện nay, binh lính Mỹ đang ở trong mối đe dọa lớn hơn nhiều so với trước đêm 6/4, đổi lại Mỹ chẳng đạt được điều gì. Quân đội và hệ thống phòng không của Assad vẫn chẳng hề bị tổn hại, và thậm chí vẫn sân bay mà Mỹ đã ném bom vẫn hầu như còn nguyên (bằng chứng là ngay sau đó các chiến đấu cơ Nga và Syri lại xuất kích từ sân bay này để tấn công phiến quân). Và đáng ngại hơn là Nga sẽ bảo vệ không phận của chính phủ Syria với các khẩu đội tên lửa tối tân đáng sợ hơn. Và giới lãnh đạo trên toàn cầu sẽ không còn lo sợ Mỹ như trước đây nữa.
Cuộc tấn công của Mỹ đã thể hiện tầm nhìn hạn hẹp, sự kém hiểu biết về giới hạn năng lực quân sự và thiếu tầm tư duy chiến lược của chính quyền ông Trump. Đôi khi chẳng làm gì lại là quyết định sáng suốt hơn là “làm điều gì đó vô ích.” Trong trường hợp này, trí khôn rõ ràng đã bị bỏ quên trước tư duy quá khích của các lãnh đạo không có tư duy chiến lược lâu dài và chính quyền Assad rốt cuộc lại là bên hưởng lợi nhiều nhất, The Drive nhận xét.
Cuối cùng, nếu được hỏi liệu Mỹ có đạt thêm nhiều lợi ích ở Trung Đông sau vụ tấn công hay không, câu trả lời rõ ràng là không.