Càng gần đến ngày nhậm chức, những đồn đoán về điều chỉnh chính sách của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đối với Nga càng thu hút sự quan tâm của dư luận, không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi toàn thế giới.
Nếu xoay trục sang Nga thì đây là lần đầu tiên Mỹ có điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại kể từ năm 1971 dưới thời Tổng thống Richard Nixon.
Một tuần trước lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ thứ 45, giới chức Mỹ và Nga liên tục có những tuyên bố mang tính xây dựng, để ngỏ cánh cửa hợp tác trong tương lai. Ngày 17/1, bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, cố vấn của ông Trump về hợp tác doanh nghiệp Anthony Scaramucci cho rằng Mỹ và Nga có thể cải thiện quan hệ trong vòng một năm do lãnh đạo hai nước đồng quan điểm về nhiều vấn đề lợi ích chung.
Ngày 15/1, trả lời phỏng vấn báo giới quốc tế, ông Trump cũng gợi ý sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga để đổi lấy một thỏa thuận cắt giảm mạnh mẽ vũ khí hạt nhân.
Trước đó, nhiều quan chức Nga, kể cả Tổng thống Putin cũng khẳng định sẵn sàng khôi phục quan hệ với Mỹ. Thậm chí, giới chức hai nước còn lấp lửng về khả năng lãnh đạo hai nước có thể gặp nhau sớm nhất.
Đối với trong nước, mặc dù vấp phải sự phản đối quyết liệt từ đảng Cộng hòa, ông Trump năm lần bảy lượt tỏ rõ ý định bênh vực người Nga trước những cáo buộc từ các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử vừa qua.
Trong nội các của chính quyền mới, hai gương mặt sáng giá đề cử vị trí Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh quốc gia tướng nghỉ hưu Michael Flynn đều là những người có quan điểm thân Nga và có mối liên hệ khá chặt chẽ với Chính quyền của Tổng thống Putin.
Những động thái trên cho thấy phần nào đang có sự lặp lại những gì mà Tổng thống Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã thực hiện nhằm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc vào năm 1971.
Trên thực tế, Nga đã nhiều lần hợp tác tốt hơn với tổng thống thuộc phe Cộng hòa. Ngoài ra, ông Trump và ông Putin có quan điểm giống nhau về tình hình chính trị thế giới, cả hai đều được coi là những nhà dân tộc chủ nghĩa, đều nhấn mạnh tính thực dụng và những điều cụ thể.
Chính vì thế, những đồn đoán về khả năng Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump xoay trục sang Nga là hoàn toàn có căn cứ. Nếu Mỹ xoay trục thì đây là lần đầu tiên Washington có thay đổi lớn về chính sách đối ngoại của mình trong gần 50 năm qua. Xoay trục sang Nga, ông Trump cũng có những thuận lợi nhất định khi cả hai bên đều đang thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ.
Về mặt kinh tế, Nga không phải là đối thủ cạnh tranh của Mỹ mà có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đặc biệt là quan hệ giữa đề cử ngoại trưởng Rex Tillerson, nguyên Chủ tịch điều hành tập đoàn Exxon Mobil, doanh nghiệp đang có hợp đồng 500 tỷ USD với Nga.
Tương lai quan hệ Nga - Mỹ khiến Trung Quốc phải bày tỏ lo ngại về việc cải thiện quan hệ Mỹ - Nga sẽ gây bất lợi cho quan hệ Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, bỏ Trung Quốc để quay sang Nga là bài toán không hề dễ dàng đối với ông Trump. Với mối quan hệ chặt chẽ về thương mại và kinh tế hiện nay, rất khó có thể hình dung ra cách thức mà chính quyền mới của Mỹ có thể đảo ngược chính sách đối với Trung Quốc trong gần nửa thế kỷ qua.
Chính sách của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh được hoạch định bởi những doanh nghiệp theo chủ nghĩa toàn cầu, trong khi đó ông Trump là doanh nhân theo chủ nghĩa dân túy. Ông Trump đang thể hiện là người theo đuổi lợi ích của Mỹ và người dân Mỹ.
Những tuyên bố cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc không ngoài mục đích tìm kiếm những mặc cả có lợi cho Mỹ. Chính vì thế, căng thẳng trong quan hệ với Nga dưới thời Tổng thống Trump có thể giảm bớt nhưng chỉ là bề nổi.
Để đi vào thiết lập quan hệ hợp tác thực chất, hai nước sẽ cần thời gian dài và chỉ sau khi ông Trump xác định được các lợi ích của Mỹ trùng với lợi ích của Nga, điều hiện nay vẫn còn khá mờ nhạt./.
Nguồn: VOV