Mỹ phóng lên thành công tên lửa vũ trụ đầu tiên chế tạo bằng phương pháp in 3D

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tên lửa vũ trụ "Terran 1" với các bộ phận được làm gần như hoàn toàn bằng phương pháp in 3D, đã được một công ty Mỹ phóng lên thành công vào tối 22/3, dù không đạt được quỹ đạo như dự kiến.
Quỹ tích của tên lửa Terran 1 trong vụ phóng tối 23/3 (Ảnh: spaceflightnow).
Quỹ tích của tên lửa Terran 1 trong vụ phóng tối 23/3 (Ảnh: spaceflightnow).

Tên lửa này do công ty khởi nghiệp hàng không vũ trụ tư nhân Relativity Space trụ sở tại California (Mỹ) phát triển, được phóng lên lúc 23h25 ngày 22/3 từ mũi Canaveral (10h25 sáng 23/3, giờ Hà Nội). Sự mất ổn định của động cơ đẩy khiến đường bay của tên lửa bị lệch và vụ phóng được tuyên bố là thất bại. Tuy nhiên, Relativity Space vẫn rất vui mừng nói rằng họ đã thu được nhiều kinh nghiệm thành công và đã thu hoạch được nhiều điều.

Trang mạng Space flight now đưa tin rằng Terran 1 là một tên lửa hai tầng có thể bay đến khoảng cách không gian thấp cao 185 km. Nó đã giành được nhiều danh hiệu "đầu tiên": là "tên lửa in 3D đầu tiên" và "tên lửa mang hai tầng đầu tiên sử dụng nhiên liệu khí mê-tan”. Đêm thứ Tư 22/3 là lần thứ ba nó được đưa lên bệ phóng.

Tên lửa Terran 1 trên bệ phóng (Ảnh: spaceflightnow).

Tên lửa Terran 1 trên bệ phóng (Ảnh: spaceflightnow).

Trong giai đoạn đánh lửa và phóng ban đầu, Terran 1 đã hoạt động rất tốt và dường như diễn ra theo đúng kế hoạch, sau 3 phút, tầng 1 tên lửa đã cháy hết và tách ra thành công, động cơ tên lửa tầng 2 đã được kích hoạt thành công và dự kiến ​​sẽ bốc cháy hết trong 5 phút để tăng tốc đẩy tên lửa lên tốc độ quỹ đạo, tức khoảng 7,5 kilômét một giây (27.360 km/h). Nhưng các camera gắn trên tên lửa cho thấy động cơ tên lửa hoạt động không liên tục, dường như không đạt được lực đẩy tối đa. Tốc độ tối đa chỉ đạt 2,5 km/s (7.400 km/h), sau khi vào được không gian một thời gian ngắn, lực đẩy không đủ khiến tên lửa bị giảm dần tốc độ rồi rơi xuống.

Tên lửa Terran 1 bay lên với động cơ tầng 1 hoạt động đúng như dự kiến (Ảnh: spaceflightnow).

Tên lửa Terran 1 bay lên với động cơ tầng 1 hoạt động đúng như dự kiến

(Ảnh: spaceflightnow).

Ông Clay Walker, người chủ trì vụ phóng của Relativity Space, đã xác nhận có sự bất thường trong giai đoạn thứ hai sau 5 phút thực hiện nhiệm vụ.

Tên lửa Terran 1 không mang theo vệ tinh, chỉ mang theo một vật kỉ niệm của công ty, sau khi không đi vào quỹ đạo, các mảnh vỡ tên lửa đã rơi xuống biển cách mũi Canaveral 640 km về phía đông.

Công ty Relativity Space tuyên bố rằng mặc dù rất tiếc khi Terran 1 không đi vào quỹ đạo được, nhưng mục tiêu chính của chuyến bay thử nghiệm này là chứng minh độ cứng rắn của tên lửa được chế tạo bằng máy in 3D và liệu nó có thể chịu được độ rung động cực lớn và lực phóng hay không, vì vậy phần này là một thành công. Các dữ liệu từ chuyến bay thử nghiệm của Terran 1 đều rất quan trọng và sẽ giúp phát triển các tên lửa trong tương lai. Mục tiêu thực sự của công ty là tạo ra một tên lửa hoàn toàn có thể tái sử dụng được gọi là Terran R.

Ông Tim Ellis, người sáng lập và giám đốc Công ty Relativity Space (Ảnh: spaceflightnow).

Ông Tim Ellis, người sáng lập và giám đốc Công ty Relativity Space

(Ảnh: spaceflightnow).

Terran 1 nặng tổng cộng 9.280 kg và 85% thành phần của nó được chế tạo bằng công nghệ in 3D, bao gồm cả động cơ tên lửa Aeon. Tên lửa hoạt động nhờ động cơ Aeon, sử dụng khí oxy lỏng và khí mê-tan tự nhiên hóa lỏng - được kỳ vọng là "chất đẩy tên lửa trong tương lai" - có khả năng cấp nhiên liệu cho tên lửa đi đến tận sao Hỏa. Nhiều vật liệu truyền thống đã được sử dụng, chẳng hạn như nhôm, sợi carbon và thép không gỉ, có độ bền tốt và có thể chịu được lực rung cực lớn của tên lửa mang khi phóng.

Máy in 3D được Relativity Space sử dụng để chế tạo phần lớn các bộ phận của tên lửa Terran 1 (Ảnh: spaceflightnow).

Máy in 3D được Relativity Space sử dụng để chế tạo phần lớn các bộ phận của tên lửa Terran 1 (Ảnh: spaceflightnow).

Theo Relativity Space, Terran 1 là vật thể in 3D lớn nhất từ trước đến nay và được sản xuất bằng máy in kim loại 3D lớn nhất thế giới. Nó có số bộ phận ít hơn 100 lần so với loại tên lửa truyền thống. Chi phí và thời gian chế tạo tên lửa cũng ngắn hơn rất nhiều, chỉ mất khoảng 60 ngày.

Tên lửa được thiết kế để có thể đưa khối lượng nặng tới 1.250kg vào quỹ đạo thấp của Trái đất. Phiên bản cải tiến Terran R của nó dự kiến sẽ cao gấp đôi (66m) và chở được 20 tấn.

Cấu tạo của tên lửa Terran 1 (Ảnh: spaceflightnow).

Cấu tạo của tên lửa Terran 1 (Ảnh: spaceflightnow).

Theo thông tin từ Relativity Space, chi phí cho mỗi lần phóng tên lửa vào khoảng 12 triệu USD, trong khi tên lửa Falcon 9 của SpaceX có thể chở 22 tấn và chi phí mất khoảng 67 triệu USD.

Ông Tim Ellis, người sáng lập và điều hành Công ty Relativity Space cho biết: "Hôm nay là một thắng lợi to lớn, tạo ra nhiều ‘lần đầu tiên’ trong lịch sử; tất nhiên, đây không thể được coi là một thành công của công ty. Chúng tôi tới đây phải khắc phục công nghệ phân tách và đánh lửa giai đoạn hai của tên lửa."

Nguồn gốc của tên gọi "Terran" bắt nguồn từ tiếng Latinh “Terra” nguyên nghĩa ban đầu là “Mặt đất”, sau được mở rộng ra là “Trái đất”, do đó, "Terran" có nghĩa là "cư dân sống trên mặt đất”, hay là “nhân loại”. Tên gọi "Terran" đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm phim khoa học viễn tưởng như Star Trek, Star Craft, Wing Commander, v.v.