Mỹ, Philippines quyết nêu vấn đề Biển Đông tại ASEAN

Mỹ và Philippines sẽ kêu gọi dừng xây đảo, điều động quân sự và các hành động mang tính gây hấn làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông trong cuộc gặp của các ngoại trưởng ở Malaysia, bất chấp Trung Quốc phản đối điều này.
Đại diện từ các quốc gia thuộc ASEAN chụp ảnh chung trong phiên họp toàn thể Hội nghị Các ngoại trưởng ASEAN (AMM) tổ chức tại Trung tâm Thương mại Thế giới Putra, Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 4/8. Ảnh: EPA.
Đại diện từ các quốc gia thuộc ASEAN chụp ảnh chung trong phiên họp toàn thể Hội nghị Các ngoại trưởng ASEAN (AMM) tổ chức tại Trung tâm Thương mại Thế giới Putra, Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 4/8. Ảnh: EPA.

Bắc Kinh hôm qua phản đối nhắc đến vấn đề tranh chấp Biển Đông trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với những người đồng cấp từ châu Á và phương Tây. Trong khi đó, Washington tuyên bố sẽ kêu gọi Trung Quốc cùng các nước liên quan chấm dứt hành động gây hấn để mở đường cho một giải pháp ngoại giao, giải quyết bất đồng đang đe dọa ổn định khu vực.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm nay cho biết Manila sẽ hối thúc Mỹ đưa ra lời kêu gọi "ba dừng" ở Biển Đông.

"Philippines hoàn toàn ủng hộ và sẽ tích cực thúc đẩy lời kêu gọi 'ba dừng' của Mỹ gồm dừng cải tạo, dừng xây dựng và dừng các hành động gây hấn có thể làm tăng căng thẳng", Guardian dẫn lời ông del Rosario nói.

"Các bên cần nhấn mạnh điều này không thể mang lại trạng thái hợp pháp cho những thực thể bị Trung Quốc cải tạo", ngoại trưởng Philippines cho biết thêm, nhắc đến những đảo nhân tạo Trung Quốc đẩy mạnh xây tại 7 bãi đá trên Biển Đông từ năm ngoái.

Mark Toner, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm qua nói Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thảo luận vấn đề lãnh thổ trong cuộc gặp với những người đồng cấp ASEAN ở Malaysia.

"Đây là một diễn đàn mà các vấn đề an ninh quan trọng cần được đưa ra và thảo luận", Toner phát biểu trước báo giới, cho biết thêm Washington sẽ coi việc "gia tăng đáng kể kích thước hoặc chức năng của các thực thể có tranh chấp, quân sự hóa chúng" là những động thái "có tính khiêu khích".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Căng thẳng càng gia tăng khi Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh xây đảo nhân tạo trên 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm ngoái, làm dấy lên lo ngại tự do đi lại trên không và trên biển bị ảnh hưởng.

Washington không phải là một bên trong tranh chấp và có chính sách không đứng về bên nào. Tuy nhiên, Mỹ coi một giải pháp hòa bình và tự do đi lại ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của nước này. Trung Quốc luôn phản đối Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông.

Như Tâm theo VnExpress