Mỹ phát triển tên lửa đối hạm cho tiêm kích F/A-18

Hải quân Mỹ ngày 18/5 cho biết lực lượng này đang hợp tác với Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin để phát triển loại tên lửa đối hạm tự hành tầm xa mới (LRASM) cho các máy bay tiêm kích F/A-18 Super Hornet.
Tiêm kích F/A-18 Super Hornet.
Tiêm kích F/A-18 Super Hornet.

Nguồn tin trên cho biết trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu vũ khí của Hải quân và Bộ Quốc phòng Mỹ, Cơ quan Các dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tối tân (DARPA) đang nghiên cứu phát triển loại tên lửa tầm xa có thể phóng từ tàu ngầm, tàu chiến và máy bay này. Tên lửa LRASM có tính năng hoạt động tự hành hoặc bán tự hành để truy tìm và tiêu diệt mục tiêu.

Lockheed Martin cho biết các tên lửa LRASM sẽ được trang bị công nghệ dẫn đường tự động nhằm giúp tên lửa loại bỏ vật cản trong không gian khi đang bay. Theo Hải quân Mỹ, tên lửa LRASM sẽ giúp các máy bay tiêm kích F/A-18 Super Hornet tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hơn.

Hiện Hải quân Mỹ hiện chưa công bố nhiều thông tin về hệ thống dẫn đường, tầm bắn hay công nghệ phát triển tên lửa LRASM. Tuy nhiên, Lockheed Martin cho hay tên lửa này có tầm bắn khoảng 200 hải lý. 

Quân đội Mỹ dự kiến trang bị các tên lửa LRASM cho Hải quân trước năm 2019. Trong tương lai, các máy bay tiêm kích đa năng như F-15, F-35 cũng có thể được trang bị tên lửa LRASM.

Mỹ hạn chế cảnh sát sử dụng thiết bị quân sự

Sau khi xuất hiện hàng loạt cáo buộc cho rằng lực lượng thực thi pháp luật của Mỹ quá lạm quyền trong việc sử dụng các thiết bị-khí tài quân sự, Nhà Trắng ngày 18/5 đã thông báo về kế hoạch trên, theo đó cảnh sát nước này sẽ không được sử dụng các xe bọc thép, lưỡi lê, súng phóng lựu và các loại súng có nòng cỡ lớn khi thực thi công vụ.

Theo báo cáo của Nhà Trắng, đây là quyết định của Chính quyền của Tổng thống Barack Obama nhằm giải tỏa những bức xúc trong xã hội liên quan tới cách hành xử của lực lượng cảnh sát nước này trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc đối phó với làn sóng biểu tình tại thành phố Baltimore, bang miền Đông Maryland và tại thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri. 

Báo cáo dài 50 trang trình lên Tổng thống Obama cùng ngày này nêu rõ: “Tại nhiều thời điểm, các lực lượng thực thi luật pháp đã đáp trả các cuộc biểu tình với kiểu hành xử như quân đội. Do đó, Tổng thống Obama sẽ hạn chế lực lượng cảnh sát tiếp cận các thiết bị-khí tài quân sự”.

Theo qui định mới, các nhân viên thực thi pháp luật Mỹ sẽ bị cấm mặc một số loại quân phục, sử dụng các loại súng có cỡ nòng lớn hơn 50mm, súng phóng lựu và lưỡi lê. Chính phủ Mỹ cũng sẽ không cho phép cảnh sát sử dụng các xe bọc thép có thiết kế bánh giống xe tăng của quân đội và những phương tiện chống mìn khác (MRAP).

Tuy nhiên, trong một số tình huống cụ thể, cảnh sát Mỹ vẫn có thể dùng các xe bọc thép bánh lốp như loại "Humvees", thiết bị bay không người lái và dùi cui chống bạo động. 

Nhà Trắng hy vọng biện pháp này sẽ góp phần “xây dựng niềm tin của dân chúng đối với lực lượng thực thi pháp luật, những người hàng ngày đang phải mạo hiểm tính mạng của họ, cũng như tạo niềm tin nơi các động đồng sắc tộc rằng họ được bảo vệ”.

Theo: Báo Tin Tức