Mỹ - Nhật hợp tác chế tạo tên lửa đánh chặn SM-3

Quân đội hai nước Mỹ và Nhật Bản khởi động kế hoạch sản xuất tên lửa đánh chặn SM-3 và đưa vào thử nghiệm năm 2017 để chống lại mối đe dọa của tên lửa đạn đạo Triều Tiên.
Tên lửa SM-3 Block IIA sẽ được đưa vào thử nghiệm năm 2017. Ảnh: PR Newswire
Tên lửa SM-3 Block IIA sẽ được đưa vào thử nghiệm năm 2017. Ảnh: PR Newswire

Theo đài truyền hình NHK, Washington và Tokyo sẽ chế tạo SM-3 Block IIA tại Nhật Bản, sau đó thử nghiệm vào đầu năm 2017 ở Thái Bình Dương gần Hawaii trên các tàu trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis.

Một tên lửa tiêu chuẩn loại này có khả năng đánh chặn các mối đe dọa của tên lửa đạn đạo trên bầu khí quyển của Trái Đất, phá hủy chúng với một đầu đạn động năng ở tốc độ rất cao. SM-3 Block IIA được biết đến là loại tên lửa 3 giai đoạn.

Song song với động thái kể trên, Mỹ cũng đang đàm phán với Hàn Quốc – đồng minh quân sự của mình – để gửi thêm thiết bị quân sự tới bán đảo Triều Tiên. Trước đó, hôm 10-1, Mỹ điều 1 máy bay B-52 tới Hàn Quốc để phản ứng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tuần trước.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết Washington và Seoul đang làm việc chặt chẽ về kế hoạch triển khai thiết bị quân sự chiến lược tới bán đảo. Truyền thông bản địa đưa tin các thiết bị có thể bao gồm máy bay ném bom B-2, tàu ngầm hạt nhân và chiến đấu cơ tàng hình F-22.

Theo Reuters, ngày 11-1, lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc đã được đặt vào tình trạng báo động cao nhất sau khi Tư lệnh Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), Tướng Curtis Scaparrotti thị sát Căn cứ không quân Osan do cả Mỹ và Hàn Quốc cùng điều hành. Tướng Scaparrotti lo ngại Triều Tiên có thể tiếp tục gây hấn.

Mỹ - Nhật hợp tác chế tạo tên lửa đánh chặn SM-3 ảnh 1

Một binh sĩ Mỹ đứng gác tại căn cứ không quân Osan - Hàn Quốc hôm 10-1. Ảnh: Reuters

 Seoul cũng tuyên bố tiếp tục hạn chế công dân nước này tới khu công nghiệp chung Kaesong, phía Bắc biên giới liên Triều, và giữ nhân sự ở đây ở mức "cần thiết tối thiểu" bắt đầu từ ngày 12-1. Hoạt động tuyên truyền chống Triều Tiên bằng loa tại biên giới vẫn diễn ra.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye dự kiến phát biểu vào ngày 13-1, thể hiện ý chí ứng phó mạnh mẽ đối với vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên.

Trong một diễn biến liên quan, Hàn Quốc và Nhật Bản lần đầu tiên sử dụng đường dây quân sự nóng để chia sẻ thông tin giữa 2 bên sau hành vi khiêu khích của Triều Tiên. Dù cùng là đồng minh quân sự của Washington nhưng Seoul và Tokyo lại là đối thủ của nhau và hiện đã phối hợp chặt chẽ hơn nhờ “chất xúc tác” Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên, lên án Mỹ “lái tình hình chính trị tới bờ vực chiến tranh bằng cách gửi máy bay ném bom chiến lược tới Hàn Quốc”.

Hôm 11-1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chụp hình cùng các nhà khoa học và kỹ thuật hạt nhân tham gia vụ thử nghiệm hôm 6-1 và ngỏ lời khen ngợi họ. Ông Kim còn tuyên bố sẽ có thêm nhiều quả bom hạt nhân nữa, theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA).

Theo NLĐ