Mỹ-Nhật đại chiến Trung Quốc ở Senkaku và kịch bản khủng khiếp nhất

VietTimes -- Hiện nay chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi quân đội Trung Quốc (PLA) ngày càng được trang bị hiện đại cố gắng chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng vũ lực, đó là nhận định của giáo sư Peter Navarro ở Đại học California-Irvine (Mỹ) trên Strategist.
Hải quân Mỹ-Nhật thường xuyên tập trận chung theo nhiều kịch bản khác nhau
Hải quân Mỹ-Nhật thường xuyên tập trận chung theo nhiều kịch bản khác nhau

Strategist đặt câu hỏi Mỹ và Nhật Bản sẽ đáp trả ra sao trước cuộc tấn công của Trung Quốc: Rút lui, không kích hay cấm vận? Liệu có một sự đáp trả quân sự kiểu Sarajevo, một cuộc chiến thế giới giữa ba nền kinh tế lớn nhất thế giới và hai siêu cường tranh ngôi bá chủ?

Ông Navarro đã nhìn thấy viễn cảnh tương lai ở phía nam California, tại căn cứ pendleton, nơi lực lượng phòng vệ Nhật Bản thường xuyên tập trận với lính thủy đánh bộ Mỹ. Một trong những kịch bản là bảo vệ Senkaku trước một cuộc tấn công xâm lược ồ ạt của Trung Quốc.

Theo Navarro, có hai vấn đề lớn đối với quần đảo Senkaku, một về kinh tế và một về phương diện chiến lược. Về kinh tế, theo Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc, Senkaku có thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh nó, không chỉ về nguồn hải sản giàu có mà còn cả trữ lượng dầu khí bên dưới lòng biển xung quanh quần đảo.

Về mặt chiến lược, quần đảo Senkaku nằm cách đại lục Trung Quốc 200 dặm, cách Keelung (Đài Loan) 110 dặm và cách đảo Ishigaki thuộc tỉnh Okinawa của Nhật Bản khoảng 100 dặm.

Trung Quốc đã trơ tráo bồi lấp trái phép, biến những bãi đá và bãi cạn ở Biển Đông thành những pháo đài trang bị tên lửa hành trình và vũ khí hạng nặng, với trung tâm chỉ huy và các sân bay dài 3.000m. Nếu rơi vào tay Bắc Kinh, Senkaku sẽ gây ra một mối đe dọa lớn cho cả Đài Loan và lãnh thổ Okinawa của Nhật Bản

Kịch bản tấn công

 Theo kịch bản tấn công kiểu Clausewitz, quân đội Trung Quốc ngày càng lớn mạnh trong bối cảnh hạm đội hải quân Mỹ thu hẹp và kinh tế Nhật bản suy thoái. Theo Navarrro, vào một thời điểm nào đó, có thể trước năm 2020, Trung Quốc có thể sẽ nắm lấy thời cơ phát động chiến tranh và đơn giản là cảm thấy đã vượt sức mạnh Mỹ.

Theo một kịch bản, ông Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Quốc bị sức ép lớn bởi những sự bất mãn trong nước về kinh tế trì trệ hay tình trạng ô nhiễm môi trường và sự trấn áp. Nhằm tập hợp sự ủng hộ, ông Tập ra lệnh phát động một cuộc tấn công quy mô. Hãy nhớ lại vụ Argentina đánh chiếm quần đảo Falklands của Anh năm 1982, để thấy cơ hội thành công của Trung Quốc.

Trong kịch bản “chiến tranh nhân dân” trên biển, Bắc Kinh sẽ tuyển mộ các tàu cá tiến sát quần đảo Senkaku và đặt những chuỗi bãi mìn. Trung Quốc là một trong những nước có kho mìn lớn nhất thế giới và thường xuyên huấn luyện các ngư dân rải mìn.

Còn một kịch bản khác là các công dân Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc đổ bộ trên một hạm đội tàu dân sự lên quần đảo Senkaku và cắm cờ Trung Quốc. Hãy nhớ vào năm 2012, bạo lực đã bùng phát tai hàng trăm thành phố của Trung Quốc khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa Senkaku. Một người biểu tình Trung Quốc đã hô hào rằng: “Thậm chí nếu Trung Quốc bị biến thành bãi tha ma, vẫn cần giết chết tất cả người Nhật Bản. Thậm chí nếu như cây cỏ không mọc nổi tại Trung Quốc, vẫn cần chiếm lại quần đảo Điếu Ngư”.

Mỹ bị lôi vào cuộc chiến

Liệu Mỹ có hậu thuẫn Nhật Bản trong một kịch bản tự sát tại Senkaku theo Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật? Ngoại trưởng Hyllary Clinton đã khẳng định hồi năm 2010 rằng quần đảo Senkaku là một phần trong hiệp định này. Sau đó bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel và ngoại trưởng John Kerry cũng nhắc lại cam kết này.

Tuy nhiên, giáo sư Lyle Goldstein thuộc trường hải chiến Mỹ lại cho rằng Mỹ tuyệt đối không nên làm gì. “Đó chỉ là những mỏm đá chẳng quan trọng với bất cứ ai. Chúng không quan trọng với Nhật Bản. Chúng không quan trọng với Trung Quốc và chúng chắc chắn cũng chẳng quan trọng gì với Mỹ cả”.

Lính thủy đánh bộ Mỹ và Nhật Bản tập trận đổ bộ chiếm đảo
Lính thủy đánh bộ Mỹ và Nhật Bản tập trận đổ bộ chiếm đảo

Nhưng theo chuyên gia Navarro, nếu như Mỹ đứng ngoài, một cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ nhanh chóng biến thành chiến tranh hạt nhân. Quân đội Nhật Bản dù bị áp đảo về số lượng nhưng có năng lực tác chiến rất tốt có thể chiếm thế thượng phong trong giai đoạn đầu của bất kỳ cuộc chiến nào. Song chính vì điểm này, tinh thần tự hào dân tộc và có thể là sự tồn vong của đảng cộng sản Trung Quốc có thể sẽ khiến Trung Quốc quyết định tấn công Tokyo.

Trong kịch bản thứ hai, đại tá T.X. Hammes ở Đại học quốc phòng quốc gia Mỹ gợi ý sử dụng loại vũ khí nhiệt áp như Nga đã từng dùng rất hiệu quả trong cả hai cuộc chiến tại Chechnya và Syria. Song vấn đề là khi Mỹ-Nhật quét sạch mọi lính Trung Quốc trên quần đảo, điều gì sẽ xảy ra tại một Trung Quốc sôi sục chủ nghĩa dân tộc cực đoan?

Vẫn còn lựa chọn thứ ba là “cấm vận” do học giả Viện Brookings là Michael O’Hanlon đề xuất: Hải quân và không quân Nhật Bản và Mỹ thiết lập một vòng vây và bỏ đói kẻ xâm lược. Giáo sư Navarro cũng lưu ý rằng, nền thương mại khổng lồ đã giúp Bắc Kinh nhanh chóng xây dựng cỗ máy chiến tranh, đồng thời giúp đảng cộng sản Trung Quốc nắm giữ được quyền lực.

Nhưng liệu ngày nay Trung Quốc có cho phép để bị hăm dọa đến thế hay không? Câu trả lời dường như là một dạng leo thang. Rất có thể là các trận mưa tên lửa đạn đạo chống hạm trút xuống các tàu Mỹ và Nhật Bản hoặc các tàu ngầm cực kỳ êm Trung Quốc mua của Nga sẽ phát động đòn tấn công ngư lôi và tên lửa hành trình.

Có nhiều kịch bản Trung Quốc có thể tấn công Senkaku và một cuộc tấn công như vậy sẽ nhanh chóng leo thang thành một sự kiện nghiêm trọng hơn nhiều.

T.N