Mỹ, Nhật Bản không ngại khai chiến nếu Trung Quốc làm liều

VietTimes -- Được bảo đảm bởi lời cam kết của Mỹ về quốc phòng của Nhật Bản trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công, Nhật Bản đã tỏ rõ quan điểm cứng rắn hơn trong tranh chấp. Mỹ cũng đã tuyên bố "sẽ hành động" nếu Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không hoặc bồi lấp bãi cạn Scarborough ở Biển Đông...
Lính Mỹ trong một cuộc tập trận đổ bộ
Lính Mỹ trong một cuộc tập trận đổ bộ

National Interest  ghi nhận, hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã khiến người ta lo âu về những ý đồ của nước này và khiến Mỹ quan ngại sâu sắc, đặc biệt là về các hành vi liên quan đến tự do hàng hải, bồi lấp xây đảo và quân sự hóa các vùng biển đang bị Trung Quốc tranh chấp.

Các phân tích tập trung vào luật biển, tính hợp pháp của những tuyên bố bành trướng của Trung Quốc (hiện đang bị thách thức bởi Philippines trong vụ kiện ra tòa Trọng tài thường trực với phán quyết sắp được đưa ra vào ngày 12/7 tới) và những cuộc tranh luận về chính sách của Mỹ cũng như phản ứng của ASEAN. Tuy nhiên có ít phân tích chú trọng vào thế tiến thoái lưỡng nan của liên minh an ninh và sự ảnh hưởng của nó đến hành vi các đồng minh của Mỹ (Nhật Bản và Philippines) trong các tranh chấp với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku và trên Biển Đông

Trong khi Mỹ không có tranh chấp lãnh thổ ở những vùng biển này nhưng thế lưỡng nan về an ninh của liên minh chính trị ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi các nước đồng minh của Mỹ và Trung Quốc. Thực tế thì có hai cuộc chơi đang diễn ra: Cuộc chơi liên minh và cuộc chơi dành cho những địch thủ. Việc xây dựng liên minh đồng nghĩa với việc phải gánh chịu các chi phí cho những lời cam kết bảo vệ đồng minh, điều này đã làm giảm sự tự do hành động của Mỹ và có thể khiến Mỹ vướng vào một cuộc tranh chấp với kẻ thù của các đồng minh, và trong trường hợp này là Trung Quốc.

Theo National Interest, một cam kết mạnh mẽ có thể khiến Mỹ bị cuốn vào cuộc tranh chấp không mong muốn với Trung Quốc. Nếu các đồng minh cảm thấy được bảo đảm rằng Washington cam kết mạnh mẽ với liên minh, họ có thể sẽ trở nên không khoan nhượng với Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp và có nguy cơ sẽ dẫn tới quân sự hóa tranh chấp. Trái lại, một cam kết yếu ớt của Mỹ sẽ khiến các đồng minh lo lắng về sự ủng hộ của Mỹ, khiến các nước này không còn cứng rắn và khuyến khích họ tìm một giải pháp thỏa hiệp với Trung Quốc.

Còn trong cuộc chơi với đối thủ, nếu như Bắc Kinh nhận thức được cam kết yếu ớt của Mỹ đối với các đồng minh, Trung Quốc có thể sẽ không muốn thương lượng để đạt được một thỏa thuận giải quyết tranh chấp hoặc giả có thể sẽ có tâm thế hiếu chiến hơn có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thấy rằng Mỹ cương quyết ủng hộ các đồng minh của mình, điều này có thể dẫn tới việc Bắc Kinh bớt hung hăng hơn.

National Interest nhận định, một cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với các đồng minh chắc chắn sẽ khiến gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng điều đó có thể ngăn chặn Trung Quốc khỏi tâm thế hung hăng hơn và mở ra con đường thỏa hiệp. Bởi thế, thế lưỡng nan của liên minh an ninh do Mỹ lãnh đạo đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng mối tương quan giữa ván bài liên minh và cuộc chơi với địch thủ.

Trong trường hợp của Nhật Bản, Mỹ có lập trường rõ ràng về những giao ước sẽ giúp Nhật bảo vệ lãnh thổ mà Tokyo kiểm soát về mặt hành chính. Nhưng trong trường hợp của Philippines, Mỹ ở trong tình thế phức tạp hơn. Câu hỏi trọng tâm là liệu hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật có áp dụng trong trường hợp xung đột quân sự trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay không. Tại thời điểm vụ đòi quyền pháp lý Okinawa năm 1972, quần đảo Senkaku cũng bao gồm trong đó.

Vào thời điểm Mỹ tuyên bố tranh chấp chủ quyền là vấn đề giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Mỹ đã duy trì sự trung lập của mình. Mỹ chỉ đơn giản là chuyển quyền quản lí quần đảo này sang Nhật Bản mà không hề công nhận nó thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Điều này đã khiến câu hỏi về giao ước giúp bảo vệ quần đảo của Mỹ trở nên mơ hồ.

Chiến hạm hải quân Nhật Bản diễn tập trên biển
Chiến hạm hải quân Nhật Bản diễn tập trên biển

Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố rõ lập trường của Mỹ vào hồi tháng 10/2010. Đáp lại một câu hỏi từ phía nhà báo, bà Clinton khẳng định rằng: “Vâng, trước tiên để tôi nói rõ lại rằng, quần đảo Senkaku thuộc phạm vi của Điều 5, Hiệp ước  an ninh Mỹ- Nhật về hợp tác và an ninh chung năm 1960. Đây là một phần của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật”.

Trong khi các quan chức chính phủ khẳng định trong nhiều sự kiện rằng Mỹ hi vọng các bên yêu sách có thể giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, Richard Armitage, nguyên Phó Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đã hiểu nhầm vị thế trung lập của Mỹ với các vấn đề chủ quyền và ông đã làm rõ rằng “Mỹ không trung lập khi một trong các đồng minh bị ép buộc, đe dọa hoặc bị xâm lược”.

Ông Richard nhấn mạnh rằng Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật ngụ ý rằng Mỹ có trách nhiệm bảo vệ quần đảo Senkaku, và điều đó thì không thể khiến quốc gia này trung lập được”. Mỹ đã có những bước đi ủng hộ cam kết bảo vệ quần đảo Senkaku của Nhật Bản.

Trong chuyến thăm tới Washington DC hồi tháng 1/2013, Bộ trưởng ngoại giao Fumio Kishida đã bày tỏ sự đánh giá cao những hỗ trợ của Mỹ: “Tôi chuyển tới Ngoại trưởng Clinton rằng Nhật Bản đánh giá rất cao lời cam kết của Mỹ với quần đảo Senkaku dựa trên Hiệp ước an ninh  Mỹ - Nhật và cam kết mà Mỹ sẽ chống lại bất kỳ hành động đơn phương nào xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản”. Tetsuo Kotani thuộc Viện quan hệ quốc tế Nhật Bản nêu rõ : “Đây là một bước đi quan trọng của liên minh  này và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ chắc chắn đứng về phía Nhật Bản. Đây là sự đảm bảo của Mỹ với Nhật Bản”.

Hải quân Mỹ và hải quân Nhật Bản tập trận trên biển
Hải quân Mỹ và hải quân Nhật Bản tập trận trên biển

Thực tế, được bảo đảm bởi lời cam kết của Mỹ về quốc phòng của Nhật Bản trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công, Nhật Bản đã tỏ rõ quan điểm cứng rắn hơn trong tranh chấp. Vào những năm 1970, khi Nhật và Trung thiết lập quan hệ ngoại giao và ký kết hiệp ước hòa bình, xung đột trên quần đảo Senkaku từng là điểm gắn kết hai nước.

Hai bên đồng ý đặt vấn đề chủ quyền sang một bên. Nhưng gần đây, Tokyo đã khẳng định: “Nhật Bản không bao giờ công nhận sự tồn tại việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Senkaku” và không đồng ý về việc “duy trì nguyên trạng” ở quần đảo này.

(còn nữa)