Mỹ “hạ độc thủ” với Syria, quyết giành lại quyền chủ đạo ở Trung Đông

VietTimes -- Trong khi Nga đang phải đối mặt với những vấn đề nội bộ của mình thì Mỹ tiến hành "hạ độc thủ" Syria, mục đích là giành lại quyền chủ đạo khu vực Trung Đông, xác lập uy quyền của Tổng thống Mỹ.
Ngày 7/4/2017, hai tàu khu trục Mỹ gồm USS Porter DDG-78 và USS Ross DDG-71 của Hải quân Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa tấn công căn cứ không quân Shayrat ở miền trung Syria. Ảnh: QQ
Ngày 7/4/2017, hai tàu khu trục Mỹ gồm USS Porter DDG-78 và USS Ross DDG-71 của Hải quân Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa tấn công căn cứ không quân Shayrat ở miền trung Syria. Ảnh: QQ

Trang tin Trung Quốc ngày 7/4 cho hay ngày 7/4, 2 tàu khu trục Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải đã tiến hành phóng vài chục quả tên lửa hành trình Tomahawk tấn công căn cứ quân sự Shayrat, Syria, bất ngờ mở ra một cuộc can thiệp quân sự mới của Mỹ đối với Syria.
Ngay từ khi Syria xuất hiện khủng hoảng vũ khí hóa học vào năm 2013, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đã từng có kế hoạch không kích đối với quân chính phủ Syria, nhưng cuối cùng đã được hóa giải do các hoạt động ngoại giao tích cực của Nga.
Lần này, hành động quân sự của quân đội Mỹ đối với Syria là cuộc tấn công quân sự đầu tiên của Mỹ nhằm vào chính quyền Bashar al-Assad sau khi nổ ra cuộc nội chiến Syria; cũng là hành động quân sự đầu tiên của Mỹ trong vấn đề Syria sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống.
Trong bối cảnh lớn vấn đề Syria vô cùng phức tạp hiện nay, Mỹ tấn công quân sự đối với Syria có thể coi là "hạ độc thủ", thực ra là họ không thể kiềm chế được sự nóng lòng đoạt lại quyền "chủ đạo" ở khu vực Trung Đông.
Mặc dù sự việc xảy ra bất ngờ, nhưng hành động quân sự lần này của quân đội Mỹ rõ ràng đã được chuẩn bị từ lâu. Trong đối đầu chiến lược với Nga trước đó, Mỹ đã nhận thức sâu sắc rằng, không nên xảy ra đối đầu trực tiếp với Nga ở Syria.
Trực tiếp không được, chỉ có thể "hạ độc thủ" ở phía sau. Cách đây không lâu, ở Nga đã xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình lớn phản đối chính quyền, mục tiêu là Thủ tướng Dmitry Medvedev và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau đó tại nước Nga còn xảy ra một vụ khủng bố nổ bom đường tàu điện ngầm báo hiệu một thời kỳ không yên tĩnh. 
Đây chính là lúc mà bản thân nước Nga còn chưa lo xong vấn đề nội bộ của mình. Mỹ nắm lấy cơ hội hiếm có này để phóng tên lửa hành trình Tomahawk tiến hành "hạ độc thủ" ở Syria.

Ngày 7/4/2017, hai tàu khu trục Mỹ gồm USS Porter DDG-78 và USS Ross DDG-71 của Hải quân Mỹ đã tiến hành phóng khoảng 60 quả tên lửa tấn công căn cứ không quân Shayrat ở miền trung Syria. Ảnh: VOA
Ngày 7/4/2017, hai tàu khu trục Mỹ gồm USS Porter DDG-78 và USS Ross DDG-71 của Hải quân Mỹ đã tiến hành phóng khoảng 60 quả tên lửa tấn công căn cứ không quân Shayrat ở miền trung Syria. Ảnh: VOA

Trên thực tế, sau khi Mỹ định vị lại Trung Đông là trọng tâm địa - chiến lược của mình, chính quyền Donald Trump muốn đoạt lại quyền chủ đạo khu vực.
Điều đáng chú ý là, lần này Mỹ phát động tấn công quân sự đối với Syria diễn ra trong trường hợp không có tổ chức quốc tế nào tiến hành điều tra và xác định trách nhiệm đối với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở phía Tây Bắc Syria, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng chưa có nghị quyết liên quan. Do đó, đây là hành động trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với việc "sử dụng vũ khí hóa học".
Mặc dù vụ tấn công bằng vũ khí hóa học lần này đã gây ra thương vong lớn cho dân thường, nhưng khi còn chưa tiến hành điều tra toàn diện, công bằng và khách quan, các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp đã đồng loạt chỉ trích hành vi của quân đội chính phủ Syria, sau đó Mỹ đã vội vã tiến hành tấn công quân sự.
Cớ và lập trường tấn công quân sự của Mỹ không đứng vững, thậm chí gây nghi ngờ lớn hơn về nguyên nhân tấn công.
Trên thực tế, vấn đề Syria phát triển đến bước này, Mỹ và những nước ủng hộ họ đã mất mát rất nhiều. Trước năm 2014, Mỹ đóng vai trò chủ đạo đối với tình hình Syria, có ý đồ lật đổ chính quyền Bashar al-Assad. Đến nay, Bashar al-Assad đã cùng với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành "người chơi" chính, Mỹ ngày càng bị gạt ra khỏi vấn đề Syria.
Mỹ vốn có ý đồ dựa vào "lật đổ chính quyền" ở Syria, để đưa Syria vào vòng tay của mình, tiếp tục tăng cường lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Nhưng, hiện nay, tình hình không thể "làm chủ" tương lai của Syria đã làm cho Mỹ không cam tâm.

Nga không kích IS ở Syria (ảnh tư liệu)
Nga không kích IS ở Syria (ảnh tư liệu)

Những năm qua, thông qua can thiệp mạnh mẽ vào chiến sự ở Syria, Nga không chỉ kịp thời vãn hồi lợi ích chiến lược và hình tượng nước lớn của mình ở khu vực Trung Đông, mà còn đã bảo vệ điểm tựa chiến lược quan trọng ở khu vực Trung Đông, tiếp tục nâng cao vai trò ảnh hưởng khu vực. Việc Nga thể hiện sức mạnh quân sự cứng rắn cũng gây cảnh giác cho các nước phương Tây.
Trong khi đó, hiện nay, ngay cả nước đồng minh của mình là Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt tay với Nga, Mỹ thực sự sớm đã không thể kiềm chế được tham vọng quay trở lại Syria.
Trải qua nhiều năm, điều mà Syria đối mặt hiện nay không phải là một cuộc nội chiến đơn giản, các mục tiêu lợi ích và xung đột mâu thuẫn vô cùng phức tạp không thể giải quyết được chỉ bằng vài đợt phóng tên lửa hành trình của quân đội Mỹ.
Lần này, ông Donald Trump mạnh mẽ can thiệp vào Syria thực ra là để "lập uy" cho mình. Từ khi nhậm chức Tổng thống đến nay, ông Donald Trump bị ép phải thay đổi nhiều lần về các vấn đề như chính sách nhập cư, các bước tiến hành cải cách gặp khó khăn. Trong khi đó, tin đồn "thân Nga" của ông cũng nhiều lần trở thành điểm yếu để truyền thông và phe đối lập tấn công.
Đến nay, thông quan tấn công quân sự đối với quân chính phủ Syria, ông Donald Trump không chỉ có thể "làm rõ ranh giới" với Nga, mà còn cho thấy ông giữ lập trường cứng rắn trong vấn đề vũ khí hóa học ở Syria, tránh bị dư luận phê phán là Tổng thống "yếu" như Barack Obama.
Cách đây không lâu, ông Donald Trump từng cho biết, đồng thời tấn công cả tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) và chính quyền Syria là "ngu xuẩn", nhưng trong chớp mắt ông lại đưa ra một quyết định trái ngược và quan trọng đầu tiên đối với vấn đề quốc tế dựa trên sức mạnh quân sự.
Với hành động này, ông Donald Trump không chỉ đã chứng minh ông dám làm những việc mà người tiền nhiệm không dám làm, đồng thời cũng đã dập tắt có hiệu quả những chỉ trích ở trong nước rằng ông là "Tổng thống thương nhân", từ đó quét sạch rất nhiều trở ngại để ông tiếp tục phát huy quyền lực của Tổng thống.

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thể hiện quyền lực Tổng thống (ảnh tư liệu)
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thể hiện quyền lực Tổng thống (ảnh tư liệu)

Thực ra, từ khi tên lửa hành trình nhận lệnh phóng tiến hành "hạ độc thủ" Syria, Mỹ đã mở ra một cuộc đối đầu địa - chính trị giữa Mỹ và Nga ở Trung Đông. Mục đích ra tay lần này của Mỹ chính là đoạt lại quyền chủ đạo khu vực Trung Đông.
Sử dụng máy bay chiến đấu tiên tiến và tên lửa hành trình để phát động tập kích đối với nước khác, đồng thời qua đó truyền đi thông điệp chính trị cứng rắn là thói quen của Mỹ.
Lần này, Mỹ sử dụng tên lửa hành trình để tấn công sân bay quân sự Shayrat của Syria, không chỉ có thể làm giảm ưu thế đường không của quân chính phủ Syria, mà còn giúp cho phe chống chính phủ có thời gian "thở dốc" tạm thời, đã khéo léo tránh được thiệt hại của các mục tiêu dân dụng ở xung quanh, sẽ không bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Đây là cách làm có tính toán kỹ lưỡng của chính quyền Donald Trump.
Mặc dù Mỹ đã thông báo trước cho Nga về hành động này, nhưng giữa Mỹ và Nga rất có thể tiếp tục "lật mặt" với nhau, quay trở lại vòng luân hồi đối đầu nghiêm trọng.
Hiện nay, tình hình Syria vô cùng phức tạp, lợi ích của các bên, các phe phái đan xen rối rắm. Hành động quân sự của Mỹ không chỉ không có lợi cho giải quyết vấn đề Syria, mà sẽ còn "mở ra cánh cửa" lực lượng quân sự nước ngoài trực tiếp tấn công chính phủ Syria, sẽ làm cho tình hình Syria phát triển theo hướng phức tạp và nguy hiểm hơn.
Đương nhiên, để cho người khác nhân dịp Mỹ can thiệp, đục nước béo cò cũng có thể là ý đồ thực sự của Mỹ khi tiến hành "hạ độc thủ" đối với Syria - báo Trung Quốc kết luận.