Mỹ gây sốc khi tính liệt nhà sản xuất chíp lớn nhất Trung Quốc vào danh sách đen

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 4/9 cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét liệu có đưa nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc SMIC vào danh sách đen thương mại hay không. Đáp lại, SMIC đã ra tuyên bố nói họ bị oan và cảm thấy bị sốc.
Mỹ đưa SMIC vào danh sách đen thương mại sẽ là cú đòn chí tử giáng vào Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc (Ảnh: GNews).
Mỹ đưa SMIC vào danh sách đen thương mại sẽ là cú đòn chí tử giáng vào Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc (Ảnh: GNews).

Theo trang tin Đa Chiều ngày 5/9, tài khoản WeChat "SMIC" cùng ngày đã đăng tải “Tuyên bố của Công ty bán dẫn Quốc tế Trung Quốc (Semiconductor Manufacturing International Corporation, SMIC) về việc truyền thông nước ngoài đưa tin Chính phủ Mỹ đang xem xét đưa SMIC vào Danh sách đen thương mại”.

Tuyên bố cho biết SMIC, với tư cách là một công ty sản xuất mạch tích hợp vận hành quốc tế được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông và cổ phiếu A ở Trung Quốc đại lục. Công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định của các quốc gia và khu vực liên quan, đồng thời luôn kinh doanh hợp pháp theo các quy định trên cơ sở này. SMIC đã thiết lập mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều nhà cung cấp thiết bị bán dẫn nổi tiếng của Mỹ và quốc tế trong nhiều năm. Bộ Thương mại Mỹ đã cấp các giấy phép nhập khẩu các thiết bị của SMIC và cũng phê chuẩn cấp phép xuất khẩu quan trọng trong nhiều năm qua.

SMIC là hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc, thứ hai thế giới chỉ sau TSMC của Đài Loan (Ảnh: The Paper).
SMIC là hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc, thứ hai thế giới chỉ sau TSMC của Đài Loan (Ảnh: The Paper).

Tuyên bố cho biết SMIC, với tư cách là một thành viên quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu kể từ khi thành lập, có khách hàng ở khắp nơi trên  toàn thế giới như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đại lục. Sản phẩm và dịch vụ của công ty đều dùng cho dân dụng và thương mại, không hề có hành vi nào liên quan đến ứng dụng quân sự và không có quan hệ gì với quân đội Trung Quốc. Vào năm 2016 và trước đó, SMIC đã được Bộ Thương mại Mỹ chính thức công nhận là “Validated End-User” (Nhà sản xuất dân dụng cuối); nhiều quan chức Bộ Thương mại Mỹ cũng đã đến thăm SMIC và khảo sát thực tế.

Tuyên bố nói rằng bất kỳ thông tin nào về “sự tham gia của SMIC liên quan đến quân sự” đều là tin tức sai sự thật; công ty cảm thấy bị sốc và khó hiểu trước điều này. SMIC sẵn sàng trao đổi với thái độ chân thành, cởi mở và minh bạch với các cơ quan chính phủ có liên quan ở Mỹ để hóa giải những khác biệt và hiểu lầm có thể xảy ra.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc ngày 4/9 cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang hợp tác với các cơ quan khác để xác định xem có hành động chống lại công ty sản xuất chất bán dẫn SMIC hay không. Cách làm này này có thể khiến SMIC phải xin giấy phép cho bất kỳ giao dịch nào liên quan đến Mỹ.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc vẫn đang điều tra mối liên hệ giữa SMIC và quân đội Trung Quốc. Trước đó, Mỹ đã đưa 31 công ty Trung Quốc trong đó có China Mobile, Huawei, China Telecom, CRRC (Trung Quốc Trung xa), Hikvision...vào danh sách các công ty thực sự do quân đội Trung Quốc kiểm soát. Việc này đã đặt nền móng cho các lệnh trừng phạt tiềm tàng.

Theo Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận chính thức Trung Quốc, mặc dù quan chức Lầu Năm Góc không giải thích lý do cụ thể cho hành động này, nhưng một quan chức Mỹ khác và hai nguồn tin cho biết chính phủ Mỹ đang đánh giá mối quan hệ giữa SMIC và quân đội Trung Quốc. Tin cho biết, Lầu Năm Góc đầu tuần này đã đề xuất với Ủy ban Đánh giá người dùng cuối (The End-User Committee) của Mỹ để đưa SMIC vào danh sách các thực thể (Entity List).

SMIC tuyên bố bị sốc khi truyền thông quốc tế đưa tin đang bị chính phủ Mỹ xem xét đưa vào Entity List (Ảnh: VCG).
SMIC tuyên bố bị sốc khi truyền thông quốc tế đưa tin đang bị chính phủ Mỹ xem xét đưa vào Entity List (Ảnh: VCG).

Theo Reuters, SMIC là nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, chỉ đứng sau công ty dẫn đầu thị trường TSMC của Đài Loan. SMIC cũng là một trong những nhà cung cấp chip chính của Huawei. Nếu SMIC bị đưa vào danh sách thực thể thì đây sẽ là cú đòn chí tử giáng vào Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc.

Tin cho biết, các nguồn tin trong ngành cho rằng các công ty Mỹ cung cấp thiết bị sản xuất chip chủ chốt như LAM Research, KLA Corp và Applied Materials cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hành động này.

Reuters cho biết, SMIC và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận của họ.

Thời báo Hoàn cầu ngày 5/9 viết, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã nhiều lần lấy lý do “an ninh quốc gia” để loại bỏ và trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc. Vào giữa tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các quy định mới nhằm "cắt nguồn cung" của Huawei, nhằm ý đồ cắt đứt chuỗi cung ứng chip của Huawei. Ngày 30/6, Ủy ban Thông tin Liên bang Hoa Kỳ (FCC) lại coi Huawei và ZTE là “mối đe dọa an ninh quốc gia”; ngày 13/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo về việc “các quy định mới” có hiệu lực cấm các nhà thầu chính phủ sử dụng các sản phẩm của Huawei và 4 công ty Trung Quốc khác.

Trước việc Mỹ phân loại Huawei và ZTE của Trung Quốc là “mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 1/7 tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao rằng “phía Mỹ quen với việc không cung cấp bằng chứng, với các tội danh bịa đặt, lạm dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các quốc gia cụ thể và các doanh nghiệp cụ thể. Hành động bắt nạt kinh tế này của Mỹ là sự phủ nhận trắng trợn các nguyên tắc kinh tế thị trường mà Mỹ luôn quảng cáo. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Mỹ chấm dứt hạ thấp khái niệm an ninh quốc gia, ngừng cố tình bôi đen làm mất uy tín của Trung Quốc, ngừng đàn áp vô lý các công ty Trung Quốc và cung cấp một môi trường công bằng, công minh và không phân biệt đối xử cho các công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ”.

Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, “việc Mỹ đàn áp Huawei và các công ty Trung Quốc khác càng điên cuồng thì càng chứng tỏ sự thành công của các công ty này cũng như sự đạo đức giả và sự bá đạo của Mỹ. Nhiều công ty thành công ở các quốc gia khác trong lịch sử cũng đã chịu cảnh tương tự. Cách làm đáng hổ thẹn này của Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục bị các nước khác phản đối và chống lại”.