Mỹ điều 2 cụm tàu sân bay tới Biển Đông đề phòng Trung Quốc

VietTimes -- Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 11/6 dẫn tờ Chosun Ilbo Hàn Quốc ngày 9/6 đăng bài viết "Mỹ khởi động 4 cụm chiến đấu tàu sân bay ứng phó tình hình Biển Đông và cuộc chiến IS".
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan, Hải quân Mỹ.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan, Hải quân Mỹ.

Bài viết bình luận rằng Quân đội Mỹ gia tăng các hành động quân sự ở Biển Đông, triển khai hai cụm chiến đấu tàu sân bay, ý nghĩa chống lưng cho Philippines rất rõ ràng.

Trước đó, trang Defense News Mỹ ngày 7/6 cho hay, sau 4 năm, Mỹ đã đồng thời khởi động 4 cụm chiến đấu tàu sân bay ở trên các vùng biển thế giới.

Mỹ lần lượt điều 2 cụm tấn công tàu sân bay tới Biển Đông - một khu vực Trung Quốc gây ra tranh chấp; và 2 cụm tấn công tàu sân bay tới Địa Trung Hải - một khu vực Mỹ đang tấn công IS. 4 tàu sân bay này sẽ duy trì hoạt động trong một thời gian.

Do các nguyên nhân như cắt giảm ngân sách, sau tháng 11/2012, Mỹ chỉ đồng thời khởi động dưới 3 cụm tấn công tàu sân bay.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan bỏ neo ở cảng Yokosuka Nhật Bản đã khởi hành từ ngày 4/6. Mỹ cho biết, để bảo vệ lợi ích trên biển tập thể của Mỹ và đồng minh ở Ấn Độ Dương, châu Á và Thái Bình Dương, sẽ đưa tàu sân bay này vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Tờ Sankei Shimbun Nhật Bản cho hay, từ ngày 10/6, Mỹ sẽ cùng với Nhật Bản và Ấn Độ tiến hành một cuộc tập trận chung ở vùng biển Okinawa, Nhật Bản. 

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ tham gia cuộc tập trận chung Malabar của Mỹ-Ấn. Đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng được đưa vào khu vực diễn tập.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C Stennis, Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Hãng tin AP Mỹ.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C Stennis, Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Hãng tin AP Mỹ.

Tờ Thời báo Hải quân Mỹ gần đây cho hay, từ trung tuần tháng 1/2016, cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis đã triển khai ở khu vực Tây Thái Bình Dương, đồng thời đã tăng cường hiện diện ở Biển Đông, dành nhiều thời gian hơn so với các khu vực khác, mục đích là đáp trả vai trò ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Bài báo này cũng cho biết, cụm chiến đấu tàu sân bay USS Ronald Reagan đã rời khỏi cảng Yokosuka Nhật Bản, bắt đầu tuần tra mùa hè, có thể sẽ cùng với tàu sân bay USS John C. Stennis cùng tuần tra ở Biển Đông trong một khoảng thời gian. 

Hai cụm chiến đấu tàu sân bay này sẽ triển khai ở Biển Đông kéo dài đến đầu tháng 7/2016, cho đến khi tàu sân bay USS John C. Stennis kết thúc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương.

Tờ Liên hợp buổi sáng Singapore ngày 9/6 cho biết Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ vừa kết thúc, Mỹ đã cho biết sẽ điều thêm 1 tàu sân bay đến Biển Đông tham gia tuần tra. 

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Roosevelt, Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Roosevelt, Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố tái khẳng định Trung Quốc sẽ từ chối chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc, thúc giục Philippines giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng đàm phán song phương. 

Tức là, Trung Quốc không muốn giải quyết bằng con đường pháp lý, công khai, minh bạch; chỉ muốn giải quyết bằng con đường đàm phán tay đôi với sự "trên cơ" của Bắc Kinh.

Báo Singapore cho rằng Mỹ điều thêm 1 tàu sân bay tới Biển Đông trong thời điểm này được cho là lời cảnh cáo đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Hải quân Trung Quốc dẫn lời một quan chức Hải quân Mỹ cho hay, Mỹ lần này điều tàu sân bay đến các khu vực là một phần của kế hoạch quản lý lực lượng quân sự toàn cầu trong nhiều tháng, hoàn toàn không phải là phản ứng đối với bất cứ một sự kiện khủng hoảng nào hiện nay.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C Stennis, Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C Stennis, Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Đối với vấn đề này, giáo sư Tôn Triết, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc cho rằng, mấy tháng qua, Trung-Mỹ đã rơi vào "vòng xoáy đi xuống" về vấn đề Biển Đông. 

Còn giáo sư Bàng Trung Anh, Đại học Nhân Dân Trung Quốc nhận định: "đấu mà không phá" vẫn thích hợp với quan hệ Trung-Mỹ hiện đại: Hai bên vừa thừa nhận tồn tại bất đồng, nhưng cũng hiểu được tầm quan trọng của hợp tác.