Dailymail (Anh) đưa tin tàu ngầm hạt nhân khổng lồ lớp Typhoon mang tên Dmitry Donskoy của Nga theo kế hoạch sẽ rời Bạch Hải và tuần tiễu vòng quanh Na Uy và Đan Mạch. Con tàu này dài 574 foot và là một trong những vũ khí đáng sợ nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Việc triển khai tàu ngầm Typhoon được mệnh danh là “quái vật biển” tới Biển Baltic được coi là động thái phô trương sức mạnh của Nga vì đây là tàu ngầm lớn nhất thế giới với 200 vũ khí chết chóc, trong đó bao gồm cả 20 tên lửa hạt nhân.
Tàu ngầm Dmitry Donskoy khổng lồ được cho là sẽ rời Bạch Hải và tuần tiễu quanh Na Uy và Đan Mạch, tiến vào nơi mà ông Putin gọi là “bể bơi” của NATO.
Điện Kremlin đã lên kế hoạch duyệt binh hạm đội tàu ngầm ở cảng St Petersburg, nhưng đây sẽ là lời nhắc nhở ớn lạnh sống lưng với cả thế giới về khả năng hạt nhân ngày càng mạnh của Nga.
Tàu Dmitry Donskoy được đặt tên theo hoàng tử Nga trị vì từ năm 1359 đến 1389. Con tàu này có thể lặn trong 120 ngày và được trang bị 6 ống phóng ngư lôi.
Tàu ngầm khổng lồ này của Nga có đặc điểm là vỏ tàu chịu đươc áp suất lớn, đơn giản hóa thiết kế bên trong, trong khi con tàu này còn rộng hơn các tàu ngầm thông thường. Ở thân tàu, hai lớp vỏ tàu chịu áp lực và còn lớp vỏ tàu mỏng hơn thứ ba.
Thiết kế này làm gia tăng đáng kể cơ hội sống sót, thậm chí nếu một lớp vỏ tàu bị vỡ, các thành viên thủy thủ đoàn ở bên trong vỏ tàu khác vẫn an toàn và ít có khả năng bị ngập nước. Dailymail nhấn mạnh con tàu này đủ sức chứa tới 160 binh sĩ và sĩ quan.
Tàu ngầm Dmitry Donskoy đã được quân đội Liên Xô triển khai vào những năm 1980 sau khi được phát triển theo Dự án 941 như tàu lớp Akula của Nga.
Lý do xây dựng cỗ máy chiến đấu khổng lồ này là để đối phó với các tàu ngầm lớp Ohio có khả năng tương đương của Mỹ. Tàu ngầm lớp Ohio có khả năng mang theo 192 đầu đạn. Về cơ bản, thiết kế tàu của Nga lớn hơn và nặng hơn tàu ngầm Mỹ.
Tàu Dmitry Donskoy là tàu ngầm lớp Typhoon duy nhất vẫn đang hoạt động trong hải quân Nga, nhưng các nhiệm vụ hoạt động đã được mở rộng hơn để hoạt động như một bệ phóng thử nghiệm cho tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava.
Theo giới quan sát, có vẻ như hiện diện của tàu ngầm hạt nhân Nga trên Biển Baltic thuần túy là để phô diễn vì vùng biển mà tàu đi qua khá nông. Tàu ngầm lớp Typhoon được xây dựng để ẩn náu dưới đại dương sâu nhất và tiếp tục ở dưới độ sâu đó mà không bị phát hiện, trong khi vùng nước giữa Scandinavia và phía bắc châu Âu có độ sâu trung bình chỉ 180 feet.
Điều này có nghĩa là tàu ngầm này sẽ buộc phải nổi để tránh bị va chạm với đáy biển, khiến các bên có thể chụp được hình ảnh về “quái thú” này.
Theo thông tin tình báo mà Dailymail thu thập được, mới đây Lithuania đã cảnh báo NATO rằng Nga có thể tấn công các nước Baltic chỉ trong vòng 24 giờ. Một cuộc tấn công bất ngờ như vậy có thể buộc NATO phải đáp trả bằng số vũ khí hạn chế hiện có
Lithuania, Latvia và Estonia những năm 1940 thuộc Liên Xô, nhưng hiện nay đã trở thành một phần của NATO và Liên minh châu Âu. Những nước này đang ngày càng lo lắng trước động thái của Nga kể từ sau sáp nhập Crimea năm 2014.
Trong bản đánh giá các mối đe dọa hàng năm, Cục tình báo Lithuania cho biết Nga đã nâng cấp quân đội ở Kaliningrad hồi năm ngoái, điều này giúp rút ngắn thời gian phát động tấn công các nước Baltic nếu có chiến tranh và có thể ngăn chặn được sự hỗ trợ từ NATO.
Chương trình nâng cấp quân đội của Nga bao gồm cả máy bay chiến đấu Su-30 và hệ thống tên lửa cho phép tấn công tàu bè ở bất kỳ đâu trên Biển Baltic.
Bộ trưởng Bộ quốc phòng Lithuania, Raimundas Karoblis, cho rằng: “Đây là tín hiệu cho thấy NATO cần đẩy nhanh tốc độ ra quyết sách. Thời gian phản ứng của NATO hiện nay không nhanh như chúng ta mong đợi.”
Trước động thái này của Lithuania, người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov, đã bác bỏ những lo ngại rằng đây là sự thể hiện tư tưởng chống Nga ở Lithuania. Ông đáp lại rằng: “Hội chứng thù ghét Nga đang diễn ra. Mátxcơva luôn cố gắng ủng hộ quan hệ hòa hảo với các nước Baltic.”
Năm nay, NATO đã triển khai 1.000 quân ở mỗi nước Baltic và Ba Lan, ngoài ra còn có một số lượng quân lính Mỹ hiện đang đóng trong khu vực.
Ông Karoblis tiếp tục cho rằng: “Lực lượng này đủ để triển khai trong ngắn hạn, nhưng về trung hạn, chúng ta cần phải xây dựng năng lực mạnh hơn, không chỉ là lính bộ mà còn cả hệ thống phòng không và các khả năng chống phong tỏa".
Nga đang giám sát các tần số vô tuyến điện của các phi công NATO ở Biển Baltic và đang sử dụng các tàu thương mại và khoa học vào thực hiện nhiệm vụ trinh sát, báo cáo cho hay. Cục tình báo cũng cho biết có nguy cơ xảy ra các sự cố vô tình hoặc hữu ý, liên quan đến lính Nga và Belarus, lực lượng tham gia tập trận quân sự vào tháng 3.
Các nước Baltic mong muốn thúc đẩy Mỹ và NATO thực hiện các biện pháp an ninh bổ sung trong khu vực trước khi diễn tập. Các quan chức tình báo cho rằng việc thông tin sai chủ yếu nhằm làm mất uy tín của lính NATO đóng ở Lithuania, ví dụ như một báo cáo sai gần đây về vụ hiếp dâm của lính Đức. Giám đốc cục tình báo quân đội Lithuania Remigijus Baltrenas bổ sung rằng: “Sự kích động chống lại các đơn vị NATO ở Lithuania sẽ tiếp diễn và thậm chí còn mạnh hơn.”