Mỹ cho tàu chiến áp sát Hoàng Sa, Trung Quốc nói đã xua đuổi, phía Mỹ bác bỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Cuộc đối đầu Trung-Mỹ tiếp tục gia tăng; sau khi đi qua eo biển Đài Loan hôm 18/5, PLA nói khu trục hạm Wilbur ngày 20/5 “xâm nhập bất hợp pháp lãnh hải Trung Quốc” bị cảnh báo xua đuổi, Mỹ đã bác bỏ.
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG-54) tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông (Ảnh: HĐ7).
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG-54) tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông (Ảnh: HĐ7).

Trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 20/5 đưa tin, Đại tá Không quân Điền Quân Lý, người phát ngôn của Chiến khu Miền Nam PLA tuyên bố rằng tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur (DDG-54) sáng thứ Năm 20/5 đã “xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải của Trung Quốc ở Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ tay chính quyền Sài Gòn năm 1974) mà không có sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc. Chiến khu Miền Nam của PLA đã tổ chức các lực lượng hải quân và không quân tiến hành theo dõi và giám sát, đồng thời cảnh cáo xua đuổi.

Điền Quân Lý lặp lại luận điệu sai trái cũ rích nói rằng quần đảo Hoàng Sa là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc” và chỉ trích hành động của quân đội Mỹ là một “hành động bá quyền và thao túng hỗn hợp gây hiểu lầm cho dư luận, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở Biển Đông, Trung Quốc bày tỏ kiên quyết phản đối”.

Tàu USS Curtis Wilbur (DDG-54) đi vào vùng biển Hoàng Sa sáng sớm ngày 20/5 (Ảnh: HĐ 7).

Tàu USS Curtis Wilbur (DDG-54) đi vào vùng biển Hoàng Sa sáng sớm ngày 20/5 (Ảnh: HĐ 7).

Điền Quân Lý cũng chỉ trích hành động của Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, làm gia tăng rủi ro an ninh khu vực, dễ gây hiểu lầm, đánh giá sai và sự kiện bất trắc trên biển, thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm, chứng minh đầy đủ rằng Mỹ là bên tạo ra nguy cơ an ninh trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh, lực lượng Chiến khu Miền Nam luôn duy trì cảnh giác cao, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

Trước những lời lẽ của người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Nam PLA, phía Mỹ đã lên tiếng bác bỏ.

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews), trang web chính thức của Hạm đội 7 Mỹ ngày 20 tháng 5 đã đưa ra một tuyên bố cho biết tàu khu trục Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động hàng hải tự do gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông vào ngày 20 tháng 5 theo luật pháp quốc tế.

Tuyên bố nêu rõ hành động tự do hàng hải này thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và bảo vệ quyền sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận. Các yêu sách hàng hải rộng lớn và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa nghiêm trọng đến tự do hàng hải.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng tuyên bố của PLA về sứ mệnh này của tàu chiến Mỹ là sai trái. Tàu khu trục USS Curtis Wilbur không bị "xua đuổi" khỏi lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào. Tàu khu trục USS Curtis Wilbur đã thực hiện hành trình này phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế. Hành động này phản ánh việc Mỹ kiên trì các nguyên tắc tự do hàng hải và sử dụng đại dương hợp pháp. Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, giống như tàu khu trục USS Curtis Wilbur đã làm ở đây.

Hạm đội 7 cũng nói rằng tuyên bố của PLA là tuyên bố mới nhất trong một loạt các hành động Trung Quốc xuyên tạc bóp méo hoạt động hàng hải hợp pháp của Mỹ. Tuyên bố cũng nhấn mạnh các yêu sách hàng hải quá mức và phi pháp của nước Trung Quốc đã gây tổn hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. Các hành vi của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Mỹ trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tầm nhìn của Mỹ về việc thiết lập một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải được hưởng chủ quyền an ninh, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế đã được thừa nhận.

Binh sĩ trên tàu USS Curtis Wilbur (DDG-54) quan sát trên biển (Ảnh: HĐ7).

Binh sĩ trên tàu USS Curtis Wilbur (DDG-54) quan sát trên biển (Ảnh: HĐ7).

Hai ngày trước, tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG-54) đã đi qua eo biển Đài Loan. Hạm đội 7 của Mỹ sau đó cho biết trong một tuyên bố: "Việc tàu chiến này đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ đâu theo luật pháp quốc tế cho phép".

Quân đội Trung Quốc cho rằng các tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan “truyền đi tín hiệu sai tới chính quyền của Đảng Dân Tiến Đài Loan, cố tình gây rối tình hình khu vực và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan”.

Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1 năm nay, các tàu chiến của Mỹ đã nhiều lần đi qua eo biển Đài Loan và thực hiện nhiều hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) ở Biển Đông.

Ngoài ra, liên quan đến tranh chấp Biển Đông, ngày 20/5, ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Philippines sẽ tổ chức hội nghị lần thứ 6 về cơ chế tham vấn song phương dưới hình thức họp trực tuyến vào thứ Sáu (21/5). Đại diện của các ngành ngoại giao, quốc phòng, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, môi trường sinh thái sẽ tham dự cuộc họp. Hai bên sẽ trao đổi về tình hình Biển Đông hiện nay và các vấn đề trên biển giữa hai nước, thảo luận về việc mở rộng giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn hàng hải, nghề cá, sinh thái biển, bảo vệ môi trường, và nghiên cứu khoa học.

Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh hai bên đấu khẩu gay gắt xung quanh việc Trung Quốc triển khai hàng trăm tàu dân quân biển tới khu vực biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền và Philippines đưa tàu hải quân, cảnh sát biển tới vùng biển bãi Scaborough tranh chấp giữa hai nước nhưng đã bị Trung Quốc kiểm soát trên thực tế từ năm 2012.