Ngày 24/9, Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa đã phát bản tin lũ khẩn cấp trên sông Bưởi, sông Lèn và thông tin nước lũ các sông trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mực nước lũ các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt đỉnh và đang rút chậm. Riêng hạ lưu sông Bưởi tại Kim Tân mực nước là 12,19m, trên mức báo động 3 là 0,19m. Các sông khác xuống thấp dần.
Mực nước đo vào 13h ngày 24/9, trên sông Mã tại Lý Nhân là 9,88m, trên mức báo động 1 0,38m. Tại Trạm thủy văn Giàng là 5,43m, trên mức báo động 2 là 0,07m.
Trên sông Bưởi tại Kim Tân là 12,14m, trên mức báo động 3 là 0,14.
Trên sông Chu tại Bái Thượng là 15,14m, trên mức báo động 1 là 0,14m. Tại Xuân Khánh là 8,13m, dưới báo động 1 là 0,87m.
Trên sông Lèn là 5,78m, dưới báo động 3 là 0,22m.
Trên sông Cầu Chày tại Xuân Vinh là 9,68m, dưới báo động 3 là 0,32m.
Dự báo trong 24h tới mực nước tiếp tục xuống thấp dần, riêng hạ lưu sông Bưởi, sông Cầu Chảy xuống chậm và còn ở mức cao.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, để chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở đất, đá và ngập lụt, UBND các huyện, thành phố đã chủ động sơ tán 2.873 hộ dân.
Tính đến 17h ngày 23/9, mưa lũ khiến 169 nhà bị thiệt hại, trong đó 168 nhà thiệt hại do lở đất, 1 nhà thiệt hại do tốc mái. Hơn 354ha lúa bị ngập, 232ha ao cá bị ngập...
Tại huyện Thạch Thành, tính đến 8h ngày 24/9, số hộ dân hiện đang bị ngập là 311 hộ tại 7 xã; trong đó đã sơ tán 210 hộ/706 khẩu. Số hộ có nguy cơ sạt lở đất là 158 hộ/649 khẩu tại 9 xã, thị trấn.
Tại huyện Lang Chánh, mưa lớn đã làm 72 ngôi nhà bị sạt lở đất, 1 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 32 hộ dân phải sơ tán khẩn cấp ra khỏi nơi nguy hiểm, 4,5 ha lúa bị ngập hoàn toàn...
Căn cứ vào khoản 2, Điều 3 của Quyết định 05/2020, cấp báo động lũ được phân chia thành ba cấp, dựa trên đặc điểm, độ lớn của mực nước lũ và mức độ tác động của nó đến an toàn đê điều, bờ sông, công trình và đời sống kinh tế - xã hội của khu vực.
+ Cấp báo động 1: Mực nước sông, suối dâng cao, bắt đầu gây ngập lụt nhẹ tại các vùng đất thấp. Nguy cơ đe dọa an toàn của một số khu vực, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng.
+ Cấp báo động 2: Lũ tiếp tục dâng cao, gây ngập lụt diện rộng, ảnh hưởng đến các vùng bằng phẳng, ngoại trừ những thị trấn và thành phố được bảo vệ bởi đê điều. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ xói lở đê, cầu và bờ sông.
+ Cấp báo động 3: Đây là mức lũ nguy hiểm nhất, khi mực nước đã rất cao, gây ngập lụt toàn diện, kể cả trong các thành phố. Nguy cơ thiệt hại về cơ sở hạ tầng và an toàn của hệ thống đê điều ven sông trở nên rất nghiêm trọng.