“Mùa xuân Ảrập”: khi giấc mơ trở thành ác mộng

Tuần trước, lễ kỷ niệm năm năm của phong trào “mùa xuân Ảrập” diễn ra khá lặng lẽ so với sự kiện đã làm rúng động Trung Đông và thế giới cách đây vài năm.
Những cuộc nổi dậy mà ban đầu phương Tây ca ngợi là vì tự do và dân chủ cuối cùng có kết cục trái ngược hoàn toàn: thêm hỗn loạn, đất nước tan rã và sự nổi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Ảnh: INTERNET
Những cuộc nổi dậy mà ban đầu phương Tây ca ngợi là vì tự do và dân chủ cuối cùng có kết cục trái ngược hoàn toàn: thêm hỗn loạn, đất nước tan rã và sự nổi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Ảnh: INTERNET

Tờ Jerusalem Post viết, trong tương lai khi các nhà sử học nhìn lại giai đoạn này của Trung Đông thì họ sẽ thấy “mùa xuân Ảrập” dẫn tới một loạt cuộc nội chiến, tiếp theo đó là sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - một trong những lực lượng khủng bố khát máu, tàn bạo nhất trong lịch sử hiện đại.

Nói cách khác, những cuộc nổi dậy mà ban đầu phương Tây ca ngợi là vì tự do và dân chủ cuối cùng có kết cục trái ngược hoàn toàn: thêm hỗn loạn, đất nước tan rã và sự nổi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Trong nhiều trường hợp, đã có những người muốn mọi thứ trở lại giai đoạn “tiền mùa Xuân”, giai đoạn với chính quyền dẫn dắt bởi những bàn tay sắt để có thể gìn giữ được ổn định và trật tự.

Năm năm trước, Mohamed Bouazizi, một người bán hàng rong ở Tunisia đã từ chối không đóng khoản tiền hối lộ 7 đô la cho một thanh tra của chính quyền.

Với người đàn ông phải nuôi mẹ, năm người em và một người cậu đang ốm, 7 đô la là thu nhập của cả một ngày. Phẫn uất bị thu xe bán hàng, Bouazizi sau đó đã tự thiêu, nguồn cơn dẫn tới một loạt cuộc biểu tình ở Tunisia và rồi nhanh chóng lan ra các nước bên cạnh, tạo nên cơn địa chấn “mùa xuân Ảrập”.

“Đó là sự sỉ nhục diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi trên thế giới - sự bạo tàn không thương tiếc của các chính quyền khước từ phẩm giá cho công dân của mình”, Tổng thống Mỹ Barack Obama sau đó phát biểu. “Chỉ có điều lần này, mọi thứ đã khác. Sau khi quan chức địa phương từ chối không nghe khiếu nại của mình, chàng trai trẻ này, người chưa bao giờ tham gia các hoạt động chính trị, đã tới trung tâm thị chính tỉnh, tẩm dầu và tự thiêu”.

Bouazizi chết hai tuần rưỡi sau đó. Các cuộc biểu tình phản đối bùng nổ để bày tỏ sự cảm thông và nhanh chóng lan khắp Trung Đông, nhắm vào các nhà lãnh đạo độc tài ở đó.

Mười bốn tháng tiếp sau đó, nguyên thủ một loạt nước ở Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen - hầu hết đều nắm quyền trong nhiều thập kỷ - lần lượt bị lật đổ. Tổng thống Syria al Assad thì tuyên chiến với chính người dân của mình để duy trì chính quyền.

Nhưng năm năm sau, tổn thất và hậu quả của các cuộc nổi dậy này đang khiến cả thế giới hãi hùng.

“Có lẽ cộng đồng quốc tế chúng ta, người dân ở ngay đó, đã ngây thơ và hiểu lầm cho rằng những gì Tunisia làm được là rất dễ,” Sarah Leah Whitson, Giám đốc điều hành của Human Rights Watch, nói với tờ The New Yorker. “Người Ai Cập cũng lật đổ một nhà độc tài. Nhưng chúng ta đánh giá thấp những lực lượng cản trở dân chủ và nhân quyền - cũng như là các lực lượng đàn áp và hủy diệt khác nhanh chóng thế chỗ vào các khoảng trống được tạo ra bởi các cuộc nổi dậy”.

Sau “mùa xuân Ảrập”, địa chính trị ở Trung Đông đã hoàn toàn thay đổi. Xu hướng Hồi giáo cực đoan giờ hiện diện cả ở Tunisia, Libya, Ai Cập, Li-băng, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cộng thêm với đó là sự thù địch không đội trời chung giữa Israel và Iran, điều càng đẩy căng thẳng ở đây lên cao.

Tunisia cho đến nay được coi là thành công nhất trong việc chuyển giao quyền lực. Nhưng đây cũng là nơi góp số lượng đông đảo nhất các chiến binh cho lực lượng IS - khoảng 3.000 người. Những kẻ khủng bố đã tiến hành ba vụ khủng bố đặc biệt nghiêm trọng trong năm nay. Tháng trước, một kẻ đánh bom tự sát đã sát hại 12 thành viên trong lực lượng bảo vệ tổng thống. Các du khách châu Âu cũng bị tấn công trong hai vụ khủng bố khác - du lịch, xương sống của nền kinh tế nước này, nhanh chóng suy sụp.

Libya, đất nước giàu có hơn, và được cho là có đủ tài nguyên dầu mỏ cho đất nước với 6 triệu dân này để có thể tiến tới nền dân chủ mà không cần trợ giúp từ nước ngoài. Nhưng thay vào đó, đất nước này rơi vào nội chiến giữa nhiều nhóm tay súng khác nhau, những người từng lật đổ Muammar Gaddafi. Hai chính phủ đối lập được dựng lên và cả hai đều thi nhau tranh giành quyền lực và dầu mỏ.

Bộ trưởng dầu mỏ của một trong hai chính quyền hồi đầu năm nay cảnh báo là trong một năm tới, nếu tình hình không cải thiện, Libya có thể phá sản và trở thành “Somalia thứ hai”. Tuần trước, các chính quyền này ký thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc, nhưng các tay súng lại không được tham gia đàm phán. Còn trên thực địa, lực lượng IS giờ đã chiếm được vùng đất đủ lớn ở Libya để biến vùng đất này trở thành thuộc địa đầu tiên của họ.

Ở Yemen, các mâu thuẫn chính trị, tôn giáo và sắc tộc biến thành cuộc xung đột đa tầng lớp của các lãnh chúa khu vực khác nhau. Trong lúc này, khoảng 80% trong 26 triệu dân Yemen không được tiếp cận với nước sạch và đang sống nhờ vào viện trợ từ nước ngoài. Tình cảnh của họ đang tiệm cận ngưỡng đói nghèo.

Ở Syria, cuộc chiến giữa chính quyền và hàng loạt nhóm tay súng khác nhau - vốn bắt đầu từ các cuộc biểu tình hòa bình của vài thanh thiếu niên viết một số graffiti chống chính quyền ở một thị trấn nhỏ - đã khiến hơn 250.000 người thiệt mạng. Cuộc nội chiến tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tệ hại nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, với hàng triệu người tràn sang các nước xung quanh và chạy tới châu Âu.

Lực lượng IS đã nhân khoảng trống này để chiếm một phần ba lãnh thổ Syria với thủ đô của chính quyền Hồi giáo mới ở Raqqa. Tổn thất của việc hủy hoại các di sản ở nước này ước tính lên tới hơn 200 tỉ đô la Mỹ.
IMF dự đoán, Syria sẽ cần ít nhất 20 năm với mức tăng trưởng 3%/năm để có thể trở lại với mức thu nhập thấp họ từng có trước chiến tranh. Và điều này chỉ có thể diễn ra nếu chiến tranh chấm dứt.

Với những thay đổi nhanh chóng này, các tuyên bố của Tổng thống Mỹ đã chuyển từ ca ngợi mục đích của phong trào “mùa xuân Ảrập” sang trấn an người dân Mỹ là lực lượng khủng bố sinh ra từ “mùa xuân” này sẽ không lan qua Đại Tây Dương.

Năm 2011, một trong những quyết định táo bạo nhất của Tổng thống Mỹ là từ bỏ ủng hộ một loạt cựu độc tài cũ người Ảrập, như Hosni Mubarak ở Ai Cập, để ủng hộ phong trào dân chủ ở Trung Đông.

Nhưng ngày hôm nay tình hình Ai Cập thực tế tồi tệ hơn dưới thời Mubarak. Báo cáo nhân quyền của Mỹ năm nay cáo buộc chính quyền al-Sisi “sát hại và tra tấn bất hợp pháp” nhiều người dân.

Hàng ngàn người biểu tình đã bị bắt giữ hoặc “biến mất” một cách bí ẩn. Nhưng Cairo mỗi năm vẫn nhận được 1,5 tỉ đô la tiền viện trợ của Mỹ - phần lớn là viện trợ quân sự.

Efraim Inbar, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Begin-Sadat tại Đại học Bar-Ilan, trả lời Jerusalem Post rằng sẽ cần vài thập kỷ nữa để tình hình mới có thể ổn định trở lại. “Chỉ có cuộc xâm chiếm từ các cường quốc bên ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay phương Tây mới có thể giúp lập lại trật tự trong thời gian ngắn”, ông nói.

Faida Hamdy, viên thanh tra tịch thu quầy hàng của người bán rong, cách đây năm năm trong cuộc phỏng vấn với Telegraph nói, “tôi ước gì mình đã không làm vậy”.

“Tôi khởi đầu Mùa xuân Ảrập. Và giờ thì chết chóc đang ở khắp nơi, cực đoan thì bùng nổ”, cô nói.

Nhưng nếu nhìn lịch sử theo chiều nhìn dài thì Mùa xuân Ảrập không phải gốc gác của mọi vấn đề. Mọi thứ có lẽ đã bắt đầu từ khi các đế quốc “xẻ đất” đế chế Ottoman sau Chiến tranh thế giới thứ I - đó đã là một phần của lịch sử.

Theo TBKTSG