Mua đắt, bán rẻ: Kim cương đã hết thời?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong mấy thập kỷ qua, kim cương là con cưng của thị trường hàng xa xỉ, nhưng trong năm qua giá kim cương đã giảm từ 35% đến 40%, người ta bắt đầu suy nghĩ liệu có phải huyền thoại về thứ đá quý giá cao ngất đã chấm dứt.

Kim cương hiện đang rớt giá nghiêm trọng trên toàn thế giới (Ảnh: Sohu).
Kim cương hiện đang rớt giá nghiêm trọng trên toàn thế giới (Ảnh: Sohu).

Tiểu Đường, một phụ nữ trẻ nói với phóng viên CCTV Finance,: "Kim cương trở nên mất giá trị ngay sau khi mua, vì vậy khi cưới tôi chỉ mua một chiếc nhẫn đá Moissanite (kim cương nhân tạo)". Cô nói: “Mua nhẫn kim cương chỉ để thỏa mãn cảm giác trang trọng khi kết hôn, tôi không đeo nó nhiều sau khi cưới. Cảm giác an toàn do vàng mang lại, kim cương không có được”.

“Huyền thoại giá cao ngất trời” đã chấm dứt?

Antwerp ở Bỉ, được mệnh danh là "Thủ đô kim cương của châu Âu". Tại đây có Phố Kim cương nổi tiếng thế giới. Trên phố này có 4 sàn giao dịch kim cương, hàng nghìn nhà bán buôn kim cương tụ tập. Mỗi năm có một số lượng lớn kim cương được giao dịch tại đây.

Kevin, một nhà bán buôn kim cương đến từ Ấn Độ, nói: Trong năm qua, giá kim cương có giấy chứng nhận đã giảm từ 35% đến 40%. Trong số đó, những viên kim cương từ 50 phân đến 3 carat bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với doanh số bán hàng giảm từ 30% đến 35% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, giá kim cương tự nhiên cũng bị ảnh hưởng bởi kim cương nhân tạo. Chủ một cửa hàng thương hiệu kim cương cao cấp nói với các phóng viên rằng không giống như trước kia, gần đây hơn một nửa số khách hàng của ông đã chọn kim cương nhân tạo.

Bieu do tieu thu kim cuong tu nhien va nhan tao.png
Biểu đồ cho thấy tiêu thụ kim cương nhân tạo ngày càng tăng trong khi kim cương tự nhiên ngày càng giảm (Ảnh: Sohu).

Trong năm qua, do chi phí sinh hoạt tăng mạnh và mức tiêu dùng giảm sút, người dân nhiều nước châu Âu không còn kén chọn về chất lượng nhẫn kim cương, kim cương nhân tạo đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần kim cương tự nhiên.

Fleishteg, giám đốc Liên đoàn trao đổi kim cương Bỉ nói: Hai năm trước, kim cương nhân tạo rẻ hơn 40% so với kim cương tự nhiên, sau đó rẻ hơn 60% và năm nay chúng rẻ hơn 70%, 80%, thậm chí 99%. Có khả năng, sau này khi mua xà phòng ở siêu thị, bạn cũng sẽ được tặng một viên kim cương, Flaishteg nói.

Theo số liệu được công bố bởi Tenoris, cơ quan phân tích ngành trang sức toàn cầu, thị phần kim cương nhân tạo đã liên tục tăng kể từ năm 2021. Vào tháng 7 năm nay, thị phần đạt 49,9%, rất gần với mức ranh giới 50% và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng thêm trong tương lai.

Kể từ đầu năm nay, giá kim cương tự nhiên đã lao dốc mạnh khiến người ta tự hỏi liệu “huyền thoại giá cao ngất trời” về kim cương có đang dần đi đến hồi kết?

Theo chỉ số giá kim cương tự nhiên toàn cầu do nhà phân tích kim cương độc lập Kinnisky tổng hợp, giá kim cương đã giảm 13,6% từ đầu năm đến nay và đã giảm 24,6% so với mức giá cao lịch sử trước đó.

Ngoài ra, do De Beers độc quyền trong chuỗi công nghiệp kim cương tự nhiên nên nhu cầu về kim cương tự nhiên yếu cũng có thể được cảm nhận qua hiệu quả hoạt động của chuỗi. Vào tháng 8, trong chu kỳ bán hàng thứ 7 trong năm nay của De Beers, công ty đã bán được 370 triệu USD kim cương tự nhiên, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 10% so với tháng trước đó. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp có doanh số sụt giảm trong năm nay.

Trong một năm qua, giá các sản phẩm chủ đạo của De Beers là kim cương tự nhiên từ 2 đến 4 carat đã giảm 40%, nhưng những người trong ngành cho rằng kim cương tự nhiên vẫn còn dư địa để giảm tiếp. Trong trường hợp xấu nhất, giá sẽ giảm thêm 20% đến 25% trong năm tới.

Rat kho phan biet kim cuong thien thien va nhan tao.jpg
Rất khó phân biệt kim cương tự nhiên (phải) với kim cương nhân tạo (Ảnh: Sohu).

Nga ngừng bán kim cương

Theo giới truyền thông ngày 20/9, công ty Alrosa đã tuyên bố trong một bản ghi nhớ gửi khách hàng rằng họ sẽ tạm dừng bán kim cương thô vào tháng 9 và tháng 10. Alrosa cho biết họ tin rằng động thái này sẽ giúp giải quyết sự mất cân đối giữa cung và cầu đã xuất hiện trong những tháng gần đây.

Alrosa là một trong những "gã khổng lồ" kim cương lớn nhất thế giới, cung cấp khoảng 1/3 lượng kim cương toàn cầu, tương đương với De Beers, công ty lũng đoạn thị trường cho đến đầu thế kỷ này.

Cho đến nay, De Beers không có kế hoạch cắt giảm doanh số bán hàng và đang mang đến cho người mua sự linh hoạt hơn. Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, De Beers đã cho phép người mua trì hoãn tới 50% việc mua những viên kim cương lớn hơn 1 carat trong thời gian còn lại của năm và công ty đã thông báo với khách hàng trong tuần này rằng họ sẽ không phải mua một số viên kim cương nhỏ hơn.

Dữ liệu cho thấy chỉ số giá kim cương của các sàn giao dịch kim cương quốc tế đạt mức cao nhất lịch sử là 158 vào tháng 3/2022, sau đó giảm xuống mức hiện tại là khoảng 110, mức thấp mới trong 5 năm qua, mức độ giảm khoảng 30 %. Những người trong ngành cho rằng lạm phát tiếp tục cao ở nhiều nước trên thế giới là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng này.

Đầu tháng này, Hiệp hội Kim cương Ấn Độ đã kêu gọi các công ty khai thác hạn chế nguồn cung. Khoảng 90% kim cương trên thế giới được cắt, đánh bóng hoặc giao dịch tại Hội đồng Kim cương Ấn Độ.

Không giữ được giá trị

Ngoài tác động của kim cương nhân tạo, việc kim cương tự nhiên không giữ được giá trị cũng là nguyên nhân quan trọng khiến chúng liên tục mất giá.

Nhiều người dùng cho biết trên mạng xã hội rằng những chiếc nhẫn kim cương họ mua với giá cao đã bị "giảm giá mạnh" khi được bán lại cho nơi họ mua: một chiếc nhẫn kim cương được mua với giá 8.000 NDT (1.094 USD) chỉ được định giá 600 NDT (82 USD) khi bán lại và một chiếc nhẫn kim cương trị giá 30.000 NDT (4.105 USD) chỉ còn giá trị 2.000 NDT (273 USD) sau 5 năm.

Thậm chí, có người còn nói rằng phần giá trị nhất của chiếc nhẫn kim cương họ mua với giá 10.000 NDT (1.370 USD) chính là phần đính nhẫn bằng vàng 18k. Nhẫn kim cương cũ được mua với giá cao và bán với giá thấp khiến nhiều cư dân mạng cho rằng: “Mua kim cương là nộp thuế IQ” (hàm ý ngu ngốc mới mua kim cương).

Thuong hieu kim cuong hang dau.jpg
De Beers là thương hiệu kim cương hàng đầu thế giới (Ảnh: Toutiao).

Một chuyên gia định giá trang sức của cửa hàng kim cương tại Hà Nam, Trung Quốc cho biết: "Khách mua nhẫn kim cương đắt tiền vì người bán giỏi quảng cáo. Suy cho cùng, khi bạn mua chúng, chúng đại diện cho ý nghĩa khác nhau và phụ phí thương hiệu cao. Ngày nay, kim cương không còn là sản phẩm khan hiếm nữa, giá cả do thị trường thổi lên, khi mua đều có giá cố định. Nhưng khi kim cương được mua lại và đưa vào thị trường thứ cấp, chúng chỉ có thể được định giá theo độ mịn và bóng của chúng".

Gần đây, các phóng viên báo chí Trung Quốc đã phỏng vấn ngẫu nhiên một số khách trẻ đang chọn mua trang sức vàng ở Thủy Bối, Thâm Quyến. Khi được hỏi tại sao họ chọn đồ trang sức vàng thay vì kim cương, câu trả lời phổ biến nhất là vàng “bảo toàn được giá trị”. Ngoài ra, còn do đồ trang sức vàng giá khá minh bạch, còn giá trang sức kim cương thì không rõ ràng.

Tại hiện trường, phóng viên chứng kiến ​​một chiếc nhẫn nữ bằng vàng 18K và kim cương trắng 0,5 carat trị giá khoảng 57.000 NDT (7.800 USD) thực chất chỉ được bán với giá chiết khấu tới 25%. Hơn nữa, phóng viên đã vào nhiều cửa hàng và nhận thấy giá cả, mức chiết khấu ở các cửa hàng cũng khác nhau.

Theo Sohu