Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam Airlines) |
“Trong các trường hợp hành khách nối chuyến đi tiếp bị ảnh hưởng do chuyến bay trước đó đến chậm, Vietnam Airlines sẽ căn cứ theo thực tế và thực hiện hỗ trợ tối đa cho hành khách như đặt lại chỗ trên chuyến bay tiếp theo, phục vụ hành khách theo quy định trong thời gian chờ đợi hoặc chủ động điều chỉnh thời gian chuyến bay nối chuyến để hỗ trợ hành khách thực hiện hành trình nối chuyến tiếp theo. Đây cũng là thông lệ đang được nhiều hãng hàng không trên thế giới áp dụng để đảm bảo quyền lợi cho hành khách, đặc biệt là hành khách nối chuyến đi tiếp trên các chuyến bay quốc tế đường dài” – Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã viết như vậy trong thông cáo lý giải câu chuyện “Delay chuyến bay hơn 200 hành khách để… chờ một hành khách”.
Delay chuyến bay hơn 200 hành khách để… chờ một hành khách |
Theo đó, không chỉ các hãng hàng không Việt Nam mà các hãng quốc tế cũng không ít lần phải delay chuyến bay do khách nối chuyến bị trễ vì các lý do bất khả kháng, như thời tiết hay lý do kỹ thuật bất ngờ.
Một số chuyến bay đi Hàn Quốc của một hãng hàng không Việt Nam cũng được ghi nhận là thường xuyên phải delay chờ khách từ Cambodia sang Việt Nam, với số lượng khách có khi lên đến cả trăm người. Điều này vừa bảo đảm quyền lợi của rất nhiều hành khách và cũng cân đối được vấn đề tài chính tránh lãng phí của từng chuyến bay.
“Với lượng khách trễ chuyến đông ở đường bay quốc tế, rất khó khăn để bảo đảm sắp xếp đủ chỗ cho họ lên chuyến tiếp theo ngày hôm sau” – một nhân viên hàng không khẳng định.
Tuy nhiên, trong câu chuyện của chuyến bay VN31đêm 28/5 – với 215 hành khách (chưa kể phi hành đoàn) – phải lùi hơn nửa tiếng đồng hồ chỉ để chờ một hành khách lại đặt ra nhiều vấn đề cần phải xem xét thêm.
Một số băn khoăn...
Theo biên bản sự việc được đại diện TOC (TSN Operation Center) và tổ bay viết vào lúc 22h55 ngày 28/05/2019 và lập xong vào 23h00 cùng ngày, thì chuyến bay VN31 “nhận được yêu cầu delay chờ 1 khách nối chuyến từ chuyến bay VN279 dự kiến hạ cánh lúc 22:15 (theo yêu cầu của Phó TGĐ Lê Hồng Hà)”.
Lịch bay trên website của VNA cho thấy, chuyến bay VN279 thường xuyên, nếu không phải là bao giờ cũng, có thời gian khởi hành vào lúc 20h00 và thời gian đến là 22h15 cùng ngày. (Ảnh chụp màn hình)
|
Tra cứu lịch bay thường xuyên của VNA trên website của hãng cho thấy, chuyến bay VN279 thường xuyên khởi hành lúc 20h00 và dự kiến thời gian đến vào 22h15 cùng ngày – tức là trùng với thời điểm hạ cánh dự kiến ghi trên biên bản.
Trong khi lịch bay dự kiến ban đầu (lúc bán vé) của chuyến bay VN31 đêm 28/5/2019 dự kiến thời điểm khởi hành là lúc 22h10 – có nghĩa là trước 5 phút so với thời gian đến dự kiến của chuyến bay VN279. Do đó có thể thấy, nếu VN31 khởi hành vào 22h10 như thời gian dự kiến ban đầu, hành khách không thể nào thực hiện nối chuyến từ chuyến bay VN279.
Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý rằng lịch bay của VN31 sau đó đã được điều chỉnh. Giờ khởi hành dự kiến của VN31, theo CFP (Company Flight Plan – kế hoạch bay), được xác định là 22h30 (Nên biết, CFP trên được lập vào 21h12 ngày 28/5/2019 giờ Việt Nam (14h12 giờ GMT) – tức là thời điểm này hãng đã biết sẽ có khách nối chuyến từ VN279).
Với giờ khởi hành dự kiến là 22h30 như trên, nếu VN279 hạ cánh đúng giờ (22h15), hành khách nối chuyến sẽ chỉ có 15 phút để chuyển tàu bay. Nên nhớ VN279 đến ở ga quốc nội, còn VN31 khởi hành ở ga quốc tế. Trong 15 phút ngắn ngủi ấy, vị khách nối chuyến sẽ phải thực hiện hàng loạt thủ tục, từ di chuyển rời khỏi VN219, di chuyển sang ga quốc tế, làm các thủ tục qua cửa an ninh, kiểm tra xuất cảnh, hải quan, di chuyển trong nhà ga tới cửa khởi hành, trước khi di chuyển lên VN31 và ổn định chỗ ngồi để chuyến bay có thể khởi hành.
Nhắc lại là chỉ có 15 phút – nếu VN279 đáp đúng kế hoạch và VN31 khởi hành đúng kế hoạch!
Mà như đã biết, trong lĩnh vực hàng không, chuyện các chuyến bay đáp muộn, đáp trễ so với kế hoạch là tương đối phổ biến – kể cả với các hãng bay truyền thống, chứ không chỉ riêng giá rẻ. Nhất khi điểm đến lại là cảng hàng không Tân Sơn Nhất!
"Tin vắn" của VNA về sự việc.
|
Theo phần thông cáo gửi cho các cơ quan báo chí (trong đó có VietTimes) để giải thích về sự việc, Vietnam Airlines viết: “Trong tối ngày 28/5/2019, do ảnh hưởng của mưa dông tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyến bay nội địa, quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất phải thay đổi thời gian khai thác hoặc bay vòng để chờ điều kiện thời tiết tốt hơn, đảm bảo an toàn hạ cánh. Một số chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh đi Châu Âu của Vietnam Airlines cũng bị ảnh hưởng, trong đó, chuyến bay đi Frankfurt (Đức) phải điều chỉnh thời gian cất cánh để hỗ trợ hành khách nối chuyến đi tiếp từ chuyến bay nội địa.
Cụ thể, chuyến bay VN31 từ TP. Hồ Chí Minh đi Frankfurt ngày 28/5/2019 đã phải lùi thời gian cất cánh hơn 30 phút để hỗ trợ khách nối chuyến do chuyến bay Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng của thời tiết xấu, hạ cánh muộn 25 phút.”
Khảo sát một số cư dân sinh sống quanh khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, từ chiều ngày 28 đến sáng 29/05/2019, khu vực này không có mưa. Một phi công đã làm việc trong khoảng 20h30-22h15 tại Tân Sơn Nhất tối hôm đó cũng cho biết, dự báo thời tiết trong khoảng thời gian trên là “CAVOK”, nghĩa là không có thời tiết xấu (mây cao trên 5000ft, tầm nhìn trên 10km).
Ở đây, có một vấn đề nên đặt ra, rằng tại sao hành khách Do Truong Minh – người bay từ Hà Nội đi Frankfurt (Đức) – lại không chọn (chính xác hơn là được Vietnam Airlines gợi ý lựa chọn) chặng di chuyển từ HAN-SGN (lịch bay dày đặc) bằng một chuyến bay sớm hơn, để có thời gian phù hợp hơn để nối chuyến, thay vì đi VN279 (?!). Nếu là một hành khách bình thường, ông Minh – kể cả có book ghế hạng thương gia - có tự tin nối chuyến bằng một chuyến bay cận giờ đến vậy (?!).
Ảnh chụp màn hình website của VNA.
|
Thử vào vai một người muốn di chuyển từ Hà Nội tới Frankfurt (Đức), người viết đã thử book hành trình trên website của Vietnam Airlines.
Theo đó, nếu chọn đi vào ngày 31/5/2019, hành khách sẽ có 6 sự lựa chọn như trong hình. Trong đó chỉ có duy nhất chuyến VN37 là bay thẳng, còn lại đều phải bay nối. Trong đó, có 4 chuyến bay nối qua sân bay Tân Sơn Nhất (SGN): VN259-VN31; VN7283-VN31; VN4927-VN31; VN263-VN31.
Trong các chuyến bay từ Hà Nội vào TP. HCM để nối chuyến đi Frankfurt (Đức) mà Vietnam Airlines đã nêu ra cho hành trình như VN259, VN7283, VN4927, VN263, chuyến có thời gian dự kiến đến SGN sớm nhất là 19h15, muộn nhất là 20h15. Trong khi VN31 có thời gian khởi hành theo lịch là vào 22h20 cùng ngày. Có nghĩa, các hành khách nối chuyến lên VN31 để thực hiện hành trình từ Hà Nội đi Frankfurt (trung chuyển qua TP. HCM) sẽ có khoảng 2 tiếng để chuyển tàu bay – một khung thời gian khả dĩ hơn nhiều mức 15 phút của hành khách Do Truong Minh trong chuyến bay VN279-VN31 vào tối ngày 28/5 vừa rồi.
Một nhân viên hàng không cho biết, thông thường, giờ hạ cánh của chuyến bay nối chuyến theo kế hoạch phải trước chuyến tiếp theo ít nhất là 1 giờ 30 phút. Ông này cũng tỏ ra khá bất ngờ khi PV cung cấp thông tin về hành trình của hành khách Do Truong Minh.
Trở lại với câu chuyện delay chuyến bay VN31 để chờ hành khách Do Truong Minh, nếu thông tin ghi trong biên bản sự việc là đúng thì có lẽ cũng nên đặt ra vấn đề, rằng việc Phó TGĐ VNA Lê Hồng Hà ra yêu cầu delay chuyến bay liệu đã thực sự đúng thẩm quyền được phân công trong hãng hay chưa. Theo thông tin trên truyền thông, ông Hà là P.TGĐ phụ trách thương mại của Vietnam Airlines, còn P.TGĐ phụ trách khai thác là ông Nguyễn Hồng Lĩnh./.