Nghị sĩ trên tên Ha Tae-keung. Ông này cho rằng chỉ có cái chết mới có thể ngăn ông Kim sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Ha, thành viên của đảng lãnh đạo Saenuri, trả lời phỏng vấn trên đài YTN: “Tất cả mọi người sẽ vui mừng nếu Kim Jong - un bị loại trừ”.
Ông Ha, từng là một nhà hoạt động nhân quyền trước khi trở thành nghị sĩ, cho rằng Seoul sẽ có vài cơ hội trong vòng bốn đến năm năm để ám sát ông Kim trước khi vị lãnh đạo Triều Tiên châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân.
Ông Ha gợi ý rằng tổng thống Park Geun-hye nên công khai tuyên bố ý định ám sát ông Kim Jong-un và tìm kiếm sự ủng hộ của thế giới, đặc biệt là của Mỹ và Nhật Bản. Nghị sĩ này cho rằng việc này sẽ giống với những gì từng xảy ra với cố tổng thống Iraq Saddam Hussein, người bị Mỹ lật đổ và bị tòa án Iraq kết án tử hình.
“Kim Jong-un là tên tội phạm. Loại bỏ một tên tội phạm là điều phù hợp và không phá vỡ luật pháp quốc tế”, ông Ha khẳng định.
Ý định ám sát lãnh đạo Triều Tiên của ông Ha bắt nguồn sâu xa từ sự đối đầu giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã ít nhất hai lần thất bại trong việc ám sát cha của tổng thống Park Geun-hye, ông Park Chung-hee. Một trong số đó là vào năm 1968 khi 30 binh lính đột kích vào dinh tổng thống, Nhà Xanh.
Để trả đũa, Seoul đã chuẩn bị tấn công lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là Kim Il-sung, ông nội của Kim Jong-un, nhưng dừng lại vào phút chót. Cuối cùng, ông Park Chung-hee bị Kim Jae-kyu, giám đốc Cục tình báo Trung ương Hàn Quốc ám sát vào năm 1979.
Người kế nhiệm sau đó là tổng thống Chun Doo-hwan đã may mắn thoát chết trong vụ đánh bom do Triều Tiên thực hiện năm 1983 nhờ kẹt xe. Tuy nhiên 17 người Hàn Quốc, bao gồm nhiều bộ trưởng nội các, bị thiệt mạng.
Căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Seoul hiện đang ở mức cao hơn bình thường sau khi Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư trong tháng 12-2015 và phóng vệ tinh không gian vào tuần trước.
Theo RT/NLĐ