MHB sẽ sáp nhập BIDV ?

Ngân hàng BIDV đã công bố cụ thể kế hoạch nhận sáp nhập Ngân hàng MHB, với tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu dự kiến là 1:1. Như vậy, thêm một thương hiệu nữa sẽ không còn hiện diện trên thị trường ngân hàng.
MHB sẽ sáp nhập BIDV ?

Theo thông tin từ Ngân hàng BIDV thì trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông vào ngày 17-4 tới, BIDV sẽ chính thức xin ý kiến cổ đông về việc nhận sáp nhập MHB (Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL) vào BIDV với tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu là 1:1. MHB cũng sẽ họp đại hội đồng cổ đông cùng ngày và cũng trình tờ trình có cùng nội dung.

Một lãnh đạo NHNN cho biết NHNN đã thông qua tỷ lệ chuyển đổi này. Ông này cho rằng sở dĩ tỷ lệ chuyển đổi dự kiến là 1:1 trong khi vốn điều lệ của BIDV lớn gấp 8 lần MHB và tổng tài sản tính đến cuối 2014 lớn hơn 14,5 lần là do vốn nhà nước vẫn chiếm chi phối tại hai ngân hàng này, nên việc sáp nhập chỉ như thu hai ngân hàng về một mối.

Thực chất, việc chuyển đổi cổ phiếu nếu được đại hội đồng cổ đông thông qua như tỷ lệ trên, thì cổ đông của MHB sẽ có lợi hơn. Vì trên thị trường OTC, một cổ phiếu MHB hiện được mua bán ở mức giá 9.000 đến 11.000 đồng/ cổ phiếu, trong khi một cổ phiếu BID của BIDV là 18.000 đồng.

MHB là một ngân hàng không quá yếu khi nợ xấu theo báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh 2014 của Tổng giám đốc chỉ ở mức 2,72%, lợi nhuận sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng mua trái phiếu của VAMC còn 162 tỉ đồng, các chỉ tiêu an toàn tài chính vẫn ở mức tốt. Nhưng với việc sáp nhập vào BIDV, thuộc về một ngân hàng lớn mạnh hơn thì cổ đông của MHB cũng được lợi.

Khả năng tỷ lệ chuyển đổi như trên được đại hội đồng cổ đông thông qua là rất lớn vì BIDV có cổ phần nhà nước lên đến 95,47%, còn MHB cũng có trên 72% cổ phần là của nhà nước, trong khi NHNN đã chấp thuận tỷ lệ chuyển đổi này.

Việc chọn MHB là đối tác để sáp nhập theo đại diện BIDV là do BIDV muốn  đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, và tập trung vào khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi mà MHB đang có thế mạnh.

Trong tài liệu chuẩn bị cho kỳ họp đại hội đồng cổ đông sắp tới,MHB cho biết hai ngân hàng đã xây dựng đề án sáp nhập MHB vào BIDV theo chỉ đạo của NHNN từ quí 4 năm ngoái.

Trong năm nay sẽ có nhiều ngân hàng thực hiện phương án sáp nhập và có thể sẽ không còn tồn tại thương hiệu trên thị trường như Saigonbank, MDB, MHB, PGBank. Còn một số thương vụ khác vẫn chưa có gì rõ ràng như NamABank sáp nhập vào Eximbank, DongABank sáp nhập với ABBank.

Theo TBKTSG