Mẹ trả biệt thự theo di nguyện của cha

Câu chuyện với người trưởng nữ trong gia đình của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, bà Tường Vân diễn ra cách đây đã lâu, song vẫn còn nguyên tính thời sự của nó.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với hai con Tường Vân (bên trái) và Việt Liên.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với hai con Tường Vân (bên trái) và Việt Liên.

Từng câu chuyện, từng mẩu ký ức ráp lại với nhau, đôi khi cũng chẳng cần theo trình tự nào, nhưng vẫn hiện lên rất rõ một nhân cách lớn qua từng việc cụ thể nhỏ. Một buổi chiều mùa đông, với cảm giác thư thái và tràn ngập hồi tưởng, khiến cho căn phòng ấm cúng hẳn lên.

"Lúc bấy giờ là sau năm 1968. Đến những năm 1969-1970 đều có lệnh tổng động viên. Ba tôi không có con trai. Và ba vẫn bảo rằng ba không nghèo, là bởi "tứ nữ bất bần" mà…". Con gái của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã bắt đầu câu chuyện về ba mình như thế.

Chị có một giọng nói trong trẻo, tuy âm không được khỏe nhưng dễ đi vào lòng người. Có lẽ nhiều năm kiêm việc hướng dẫn viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tôi luyện cho người phụ nữ ấy chất giọng trẻ hơn nhiều so với tuổi của chị.

Nhà toàn con gái nhưng ba vẫn rất muốn có một đứa con đi theo binh nghiệp. Khi ấy, Tường Vân vừa tròn 18 tuổi, con cả trong nhà nên đương nhiên là được gửi gắm ước nguyện của ba. Là con gái, trông bề ngoài gầy, nhỏ, Tường Vân được sắp xếp về Đại học Quân y (giờ là Học viện) làm lính công vụ. Lần đầu tiên được đi thi đại học là từ mái trường quân y. Lúc ấy, Tường Vân nghĩ đơn giản chỉ có học đại học thì mới phục vụ quân đội lâu dài được, mới đáp ứng được mong muốn của ba.

Học được 2 năm, đến năm 1973 bắt đầu có ban nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Buổi ban đầu ấy Bảo tàng  nằm trong khuôn viên nhà sàn của Bác, chứ chưa phải thành khu riêng ở Ngọc Hà như bây giờ. Thế rồi ba lại nghĩ, ở bộ đội mà sức khỏe yếu như thế, thức đêm trực hôm người ta lại phải gánh việc cho. Chuyển về Bảo tàng là vừa sức con gái, không ai phải gánh phần việc của mình cả.

Vậy là việc học đang suôn sẻ coi như bỏ, Tường Vân lại chuyển công tác sang cơ quan mới là Bảo tàng Hồ Chí Minh, lại bắt đầu từ đầu với những công việc từ đơn giản nhất như lau chùi hiện vật… "Lần đầu tiên con gái ý thức được sự khiêm nhường của ba là như thế. Ba không muốn người khác phải gánh việc cho con mình, cho dù đó có là con của Phó Chủ tịch nước", chị Tường Vân nhớ lại.

Tháng 5/1973, nhà sàn Bác Hồ bắt đầu mở cửa cho những đoàn khách đầu tiên vào thăm, chủ yếu là các đoàn lão thành Cách mạng và cán bộ, nhân dân miền Nam ra công tác. Khi Tường Vân về Bảo tàng, cả thảy mới có 17 cán bộ, chủ yếu là anh em bên K10 thuộc Cảnh vệ, trước đây phục vụ Bác, giờ chuyển sang.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng cùng phu nhân và các con tại Hà Nội.

Buổi đầu làm hướng dẫn viên, tuy là người có trình độ nhưng vẫn run lắm. Thông thường đi làm, nếu không có lịch dẫn đoàn, Tường Vân vẫn mặc bộ kaki bộ đội với chiếc xe đạp Thống Nhất, còn nhớ biển đăng ký số 6315, là tiêu chuẩn của mẹ Trinh mua cho (bà Hà Thục Trinh - phu nhân đồng chí Nguyễn Lương Bằng). Một hôm, có lịch tiếp dẫn đoàn, Tường Vân ăn diện hơn mọi lần. Gọi là diện hơn thì cũng chỉ là một chiếc sơmi trắng thay cho chiếc áo kaki bộ đội đã bạc màu.

"Hồi ấy nhà tôi vẫn ở biệt thự công vụ. Phòng làm việc của ba ở ngay dưới tầng 1. Tôi mặc chiếc sơmi trắng đi ngang qua, thấy vậy ba mở hé cửa và nói: Con vào đây ba bảo. Lúc ấy đã hơn 1h, sắp vào ca chiều, nhưng ba đã nói thế, tôi phải vào. Thì ra ba tôi hỏi hôm nay đi đâu mà "diện" thế này? Sau khi biết lý do, ba bảo tôi: Đã gọi là bộ chuyên dùng đón khách, thì để đến lúc đón khách hãy thay vào. Mặc "diện" từ nhà thế này, đi đến cơ quan là không tiện đâu con ạ!". Chị Tường Vân bảo, lúc ấy con gái cũng có tí phụng phịu, phần vì sắp muộn giờ làm.

Ở nhà, tuy ba không bao giờ to tiếng với các con, nhưng một khi ba đã có ý kiến là các con phải tuyệt đối vâng theo. Có được nền nếp gia đình như thế, ấy là nhờ hoàn toàn vào sự dạy dỗ chu đáo của mẹ Trinh. Tất nhiên, ba là trụ cột gia đình. Nhưng để mọi sự bày dạy đi vào chi tiết, chính là nhờ mẹ. Vì thế chị em trong nhà, tuy rằng toàn con gái, nhưng chẳng to tiếng với nhau bao giờ.

 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng cùng phu nhân thăm lại chiến khu xưa - xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Về sau này, nghĩ về sự dạy dỗ của ba, chị Tường Vân càng cảm thấy thật thấm thía. Ngay từ những việc lớn như lựa chọn công việc, sợ con sức yếu không gánh vác được công việc, e người khác phải làm hộ cho đến không muốn con quá nổi bật trước đám đông đều thấm đượm "tinh thần cộng sản mẫu mực về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" - lời nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từng nhận xét về ông.

Chiếc áo ấy, đến giờ chị Vân vẫn giữ làm kỷ niệm. "Hàm ý của ba còn muốn dạy các con rằng phàm cái gì phải được đưa vào đúng chức năng, phận sự của nó. Áo để tiếp khách, thì phải giữ chỉ lúc tiếp khách mới dùng thì mới thật sự có ý nghĩa. Cách suy nghĩ đó đã ăn sâu vào con người cộng sản như ba, để rồi thể hiện trong từng hành động, ứng xử xuyên suốt cuộc đời ba".

Nhắc lại thời điểm bà Hà Thục Trinh thực hiện di nguyện của chồng, viết thư đề nghị trả biệt thự số 5 Thiền Quang và đề nghị không lấy tên ông đặt tên đường, có nhiều người không hiểu, nhưng con cái trong nhà ai cũng tôn trọng quyết định ấy.

Chị Tường Vân lật giở cuốn sách về ba.

Chuyện mẹ thực hiện di nguyện của ba, cương quyết trả nhà để "đất nước còn đang khó khăn, thiếu thốn, mỗi công dân phải có bổn phận gánh vác, chia sẻ" và theo mong muốn của ba là biệt thự ấy "nếu có cho nước ngoài thuê mỗi năm Nhà nước cũng thu cả tỉ đồng", chị Tường Vân bảo cũng đã được đề cập.

Có tờ báo còn phỏng vấn bà Hà Thục Trinh khi bà còn sống về việc trả nhà. Theo đó, căn biệt thự ấy là 1 trong 9 ngôi nhà được mua để phục vụ hoạt động cách mạng. Biệt thự mua khi ấy phải nhờ ông bà chủ hiệu thuốc lào Giang Ký đứng tên trước bạ để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông bà Giang Ký bám trụ lại Thủ đô, giữ nguyên vẹn ngôi nhà.

Hòa bình lập lại, ông bà Giang Ký đã mang toàn bộ tiền, biên lai thuế và giấy tờ trước bạ của biệt thự ấy bàn giao lại cho Đảng, Nhà nước… Chỉ có điều, bài báo ấy lại nhầm rằng đó là chủ ý của bà sau khi ông mất. "Thực ra, việc trả nhà là của hai ông bà đã bàn với nhau từ trước. Bà sau này chỉ là người thực hiện. Điều này chính mẹ Trinh đã nói với chúng tôi", chị Tường Vân thuật lại.

Kể cả đề xuất không đặt tên đường Nguyễn Lương Bằng, như lời chị Tường Vân, cũng là di nguyện của ông. Bà là người thay mặt gia đình đề đạt lên.

"Mẹ ở căn nhà ấy trong nỗi nhớ ba vô hạn", Tường Vân nghẹn ngào. Hồi còn ở biệt thự ấy, phòng ăn dưới tầng một. Phía bên ngoài là phòng làm việc và phòng khách của ba. Mấy chị em gái thường vừa ăn, vừa kể chuyện cơ quan, chuyện ở trường. Ngồi ăn cùng bàn, nhưng ba dùng tiêu chuẩn riêng bởi chứng bệnh đường ruột quái ác không cho phép ông hấp thụ thực phẩm chế biến theo cách thông thường. Và ông thường là người kết thúc trước.

Mỗi lần như thế, khi ông đã ra phòng khách ngồi, mẹ Trinh lại rót 2 chén trà nóng, đặt vào một chiếc khay nhỏ, đích thân mang ra ngồi với ông. Bao giờ cũng thế, mặc dù trong nhà vẫn có các cô chú phục vụ, cấp dưỡng.

"Sau khi ba mất, suốt cả một thời gian dài sau đó, mẹ vẫn thói quen ấy, vẫn hai tách trà trong một chiếc khay nhỏ bưng ra phòng ngoài sau mỗi bữa cơm. Những lúc như thế, đám con cháu chúng tôi đều tự bảo nhau không ai được quấy rầy bà. Đến nói còn không dám nói to cơ. Phải mất một thời gian sau, mẹ mới bỏ được thói quen ấy, chỉ còn một chén trà trong khay. Có lẽ cũng đến lúc ấy, mẹ bắt đầu thực hiện di nguyện của ba", trưởng nữ Tường Vân rơm rớm nước mắt, nhớ chuyện cũ.

Sinh thời, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng rất thích đi dạo, cũng là thói quen tốt rèn luyện sức khỏe. Nhưng từ khi giữ cương vị cấp cao của Đảng, Nhà nước, ông đã thôi việc ấy bởi "không muốn làm phiền quá nhiều người". Tường Vân đã từng bị phê bình về việc này nên nhớ lắm.

Ấy là bởi có lần, thấy ba chuẩn bị đi dạo, con gái lớn (lúc ấy mới chỉ 15 - 16) bèn đòi đi theo. "Ba bảo tôi: muốn đi cùng thì khe khẽ cái chân thôi, đừng để cho các chú bảo vệ biết… Ai dè lúc về, tôi bị các cô chú bảo vệ mắng cho một trận vì biết ba đi mà không báo cho các chú để đi theo làm nhiệm vụ. Nhỡ có chuyện gì thì sao. Cũng chính vì không muốn vất vả thêm cho các chú bảo vệ mà ba tôi đã từ bỏ thói quen ấy”.

Có điều ít người biết, là lúc sinh thời, trong nhà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng không lập bàn thờ, mặc dù ông là con trai duy nhất trong gia đình toàn các chị gái. Điều này, cũng có lần chị Tường Vân đã thắc mắc với ba, ông trả lời rằng vì xa quê đã lâu (rời quê hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi) nên không lập bàn thờ.

Sau này, khi ông mất, bà Trinh cũng tuân theo di nguyện, không lập bàn thờ ông. Khách có muốn đến nhà thắp hương cho ông, cũng chỉ thấy có một tấm ảnh đóng khung ngay ngắn trên tủ sách. Mãi cho đến khi bà Hà Thục Trinh mất, các con mới lập ban thờ, rước 2 ông bà lên…

Bây giờ, chăm lo việc gia tiên và cũng là chốn đi về của cả gia đình được giao cho cô con gái út. Cứ mỗi dịp giỗ chạp hay tết đến là con cháu trong gia đình, dù có đi đâu, cũng phải về đấy, quây quần và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm gia đình hết sức đầm ấm. Con cháu mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện khác nhau nhưng mỗi khi tụ họp đều nhắc nhau tự hào về truyền thống gia đình, về tấm gương mẫu mực của các bậc tiền nhân.

"Nhớ về Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, dân tộc ta, nhân dân ta luôn nhớ về một người đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho Cách mạng. Đồng chí là một tấm gương đạo đức cộng sản mẫu mực, trong sáng, một người không hám hư danh, không màng tư lợi, suốt đời hy sinh phấn đấu vì lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, chiến đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tấm gương của đồng chí Sao Đỏ - Anh Cả - Nguyễn Lương Bằng sẽ mãi mãi được các thế hệ mai sau ngưỡng vọng và noi theo”.

Việt Ba

Theo: ANTG