Sợi dây gắn kết
Chị Luyến bảo với chúng tôi, qua sách báo, tivi chị biết được tại Ba Vì có Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội nuôi những đứa trẻ có hoàn cảnh thật đặc biệt: nhiễm HIV, bị bỏ rơi và những hoàn cảnh éo le, đáng thương, thường bị kỳ thị, xa lánh.
Lần đầu tiên có mặt tại Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội số 2 (nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội), được tận mắt chứng kiến các cháu nhỏ mồ côi, xanh xao, gầy guộc, những đôi mắt trong trẻo thơ ngây, ngơ ngác, đã làm trái tim mẫn cảm của người phụ nữ đau đớn, xót xa. Năm 2008, chị Luyến tình nguyện đến làm việc tại trung tâm.
Lúc đầu, việc chăm sóc trẻ em đối với chị còn hết sức bỡ ngỡ, vì là trẻ thuộc diện chăm sóc đặc biệt, có phác đồ điều trị, quy định giờ giấc sinh hoạt nghiêm ngặt. Với các cháu mới tiếp nhận, sức khỏe suy yếu, mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội như: ghẻ, lở, tiêu chảy đi kèm với những triệu chứng sốt cao, chảy máu cam... thì việc chăm sóc phức tạp và hết sức khó khăn vất vả.
Thế nhưng không ngại khó, ngại khổ, chị đã học hỏi việc chăm sóc từ các y bác sỹ, dần chị đã nắm bắt các kiến thức và tạo được những kỹ năng về chăm sóc trẻ.
“Có nhiều trẻ đi viện khóc hàng đêm, tôi tình nguyện cùng cán bộ ở lại bệnh viện chăm sóc hàng tuần, tắm rửa, cho ăn cháo, cho uống sữa, nhiều đêm cũng mệt nhoài, nhưng khi thấy các con bình phục thì vui và hạnh phúc vô cùng...” - chị Luyến tâm sự.
Là người tình nguyện chăm sóc trẻ nhưng chị Luyến (áo xanh) làm đủ mọi việc, đóng đủ các vai. Khi thì nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, vệ sinh; khi thì trồng rau, chăn nuôi, rồi thì trực tiếp hướng dẫn các cháu làm những việc phù hợp với lứa tuổi,
|
“Còn nước còn tát”
Có tận mắt chứng kiến mới thực sự hiểu công việc của chị Luyến và các đồng nghiệp của chị ở đây vất vả dường nào. Những đứa trẻ ở đây đều mang trong mình nhiều bệnh hiểm nghèo. Khi tới Trung tâm cháu Phạm Quang Phú bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi, sức khỏe suy kiệt. Cháu bị sốt cao và nằm viện dài ngày, tưởng chừng không qua khỏi.
Chị Luyến đã cùng với các cô chăm sóc trẻ ngày đêm túc trực có khi hàng tuần, với hy vọng “còn nước còn tát”. Nhiều đêm không hề chợp mắt, chăm sóc cháu tận tình và điều kỳ diệu sức khỏe của cháu dần hồi phục và cháu đã vượt qua cơn bạo bệnh.
Có nhiều cháu sốt cao, chị đã ngồi hàng giờ theo dõi, thức khuya, dậy sớm chườm khăn ấm để các cháu giảm sốt như một người mẹ ruột của các con. Còn các cháu thường xuyên ốm đau, ghẻ lở, chị đã tắm giặt, bôi thuốc cho cháu, gội đầu, chải tóc…
Chính những hàng động ấy như sợi dây gắn kết tình cảm giữa chị và các cháu, do vậy các cháu trong nhà trẻ đều gọi chị bằng mẹ và coi chị là người mẹ ruột thịt của mình!
Là người tình nguyện chăm sóc trẻ nhưng chị làm đủ mọi việc, đóng đủ các vai. Khi thì nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, vệ sinh; khi thì trồng rau, chăn nuôi, rồi thì trực tiếp hướng dẫn các cháu làm những việc phù hợp với lứa tuổi, để cho các cháu có kỹ năng, làm quen với công việc tự chăm sóc bản thân.
Chị kể: “Vui nhất là trẻ rất thích làm vườn, khu vườn mà chị được giao quản lý cùng với 10 trẻ luôn xanh tốt, mùa nào, rau ấy, đã góp phần cải thiện bữa ăn, thực phẩm sạch cho các con. Qua việc lao động rèn luyện ấy giúp cho các con có thêm nhiều kiến thức kỹ năng trong cuộc sống, rèn luyện sức khỏe và hơn nữa là tình yêu lao động, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mà các hoạt động ấy mang lại”.
Những cái ôm
Chị Luyến tâm sự: đa phần các cháu là trẻ mồ côi bị bỏ rơi, nên các cháu bị ảnh hưởng tâm lý, luôn mặc cảm, tự ti, tinh thần không ổn định, do vậy việc động viên chia sẻ với các cháu là hết sức quan trọng và cần thiết.
Trong sinh hoạt hàng ngày, có nhiều cháu đang vui lại buồn, khi có ai đó nói đến tình cảm gia đình, về cha mẹ, anh chị em, về sự đoàn viên, sum họp. Trong các dịp lễ tết, các cháu luôn ngóng gia đình, người thân mong được về nhà ăn tết, một số cháu bị bỏ rơi không rõ nguồn gốc, không ai đón về rất buồn, có cháu ra sau nhà thút thít khóc. Khi ấy chị thường nhẹ nhàng ôm các con vào lòng để các con vơi đi nỗi cô đơn buồn tủi…
Những đêm mưa, trẻ rất sợ sấm sét, chị thường ôm các con vào lòng để mang lại hơi ấm của tình mẫu tử mà các con thiếu thốn, kể cho các con nghe những câu chuyện về mái đình, cây đa, về con đò, cánh diều và ru các con bằng những lời ru của mẹ chị năm xưa đã từng ru chị “Cái cò đi đón cơn mưa, tối tăm mù mịt ai đưa cò về...” để đưa các con vào giấc ngủ say nồng và những giấc mơ tươi đẹp.
Cháu Lưu Thị Lan (quê ở Thanh Hóa), khi mới đến Trung tâm còn bỡ ngỡ, chưa quen, được chuyển về ở cùng các bạn cùng trang lứa, cháu một mực không chịu, cứ khóc đòi lên ở nhà trẻ sơ sinh. Chị tiếp cận cháu từ từ, khi thì hỏi cháu vài câu, khi thì có cái kẹo, cái vòng đưa cho cháu rồi hỏi cháu có thích không, với mục đích tạo mối liên hệ gần gũi với cháu, rồi chị đưa đi chơi với các bạn.
Từ những việc làm như vậy mà cháu đã quay về ở với các con cùng độ tuổi. Mãi mới biết, lúc đầu cháu sợ không có ai chơi cùng, lên nhà sơ sinh thì có nhiều mẹ nuôi nên không phải sợ. Đó là kỷ niệm thật khó quên đối với chị.
Chị bảo, có nhiều người nói chị không bị nhiễm HIV sao lại lựa chọn vào chăm sóc các cháu, ngoài cuộc sống còn nhiều niềm vui, nhiều việc cần làm? Lúc đầu, chị cũng có sự dao động nhưng tình yêu thương đã chiến thắng!
Ở nhà, các con cũng rất cần mình. Thế nhưng khi chị tâm sự về hoàn cảnh của các trẻ ở trung tâm, suy nghĩ của mình, chị đã được bố mẹ chồng đồng ý, các con thì động viên chia sẻ, ủng hộ để chị làm tốt nhât công việc của mình.
Mẹ Thúy sẽ dành phần đời còn lại của mình để chăm lo cho những đứa trẻ bất hạnh nơi đây để chúng lớn lên trong vòng tay yêu thương, để phát triển bình thường.
|
Cầu nối các con với cộng đồng
Trong bữa cơm gia đình, những câu chuyện về những đứa trẻ đáng yêu, được kể ra, con trai chị cũng rất quý và thường bảo mẹ có dịp đưa các cháu về nhà chơi.
Với 80 trẻ hiện đang nuôi dưỡng, nhiều hoạt động của trẻ được tổ chức, các cháu cũng đã lớn khôn, tham gia học tập, lao động học nghề.
Các trẻ được phân về từng nhà ở theo mô hình gia đình. Với trên 10 năm phục vụ và những kinh nghiệm đã có, hàng ngày chị vẫn tổ chức, trực tiếp làm và hướng dẫn việc sinh hoạt cho các con, quản lý, giám sát hoạt động các con, hỗ trợ việc nấu ăn, làm những công việc nhà, học tập.
Chị chuẩn bị từng bộ áo ấm, đôi giày, tất mũ cho các con đi học vào những ngày đông giá rét. Từng bộ áo mưa những ngày mưa gió. Đun nước ấm tắm rửa cho các con đỡ lạnh. Đặc biệt chị nấu ăn rất ngon, từng bữa ăn thức ăn đều ấm nóng, hợp khẩu vị để các con ăn được ngon, được nhiều luôn khỏe mạnh...
Nhiều trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn nên việc giáo dục cần thường xuyên, cần chia sẻ nên với những trẻ như vậy, chị luôn để ý đến thái độ cử chỉ, diễn biến tâm lý để chia sẻ, giải quyết những vấn đề khúc mắc về tâm lý lứa tuổi... Chị bảo, mỗi ngày các con được ăn những bữa ăn ngon, vui vẻ, ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ là chị đã rất vui rồi.
Chị luôn là cầu nối các con với cộng đồng bên ngoài, để mọi người hiểu được rằng căn bệnh HIV thực sự không nguy hiểm, không đáng sợ và rất khó lây nhiễm, để tạo niềm tin cho các con thêm tin yêu vào cuộc sống nhanh chóng hòa nhập.
Hiện tại có nhiều con của mẹ Thúy đã tham gia học nghề và tìm kiếm được việc làm, đã trưởng thành khôn lớn.
“Bây giờ cũng đã có tuổi, sợ một ngày phải xa nơi này, xa những cảnh vật, gốc cây, ngôi nhà, những gương mặt quen thuộc. Sợ mình không còn được chăm sóc các con. Tôi sẽ ở đây đến khi nào không còn sức làm việc nữa thì mới thôi”- chị ngậm ngùi.
Khổ mới thương người
Chị Phạm Thị Luyến sinh ra và lớn lên tại một miền quê bên bờ sông Hồng, phù xa màu mỡ - xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Chị là người con thứ 3 trong gia đình có 5 chị em, người cha đi kháng chiến chống Mỹ, đã anh dũng hy sinh khi chị còn rất bé để lại người mẹ tần tảo thầm lặng nuôi các con trưởng thành. 10 tuổi chị được gửi lên nhà người bác họ sống tại Chợ Mơ, Hà Nội, đến 18 tuổi chị lấy chồng tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình. Thế nhưng không lâu, chồng chị cũng đã bỏ chị và 2 con nhỏ ra đi mãi mãi bởi căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Một mình chị lúc ấy phải làm đủ mọi nghề để mưu sinh lo toan cuộc sống gia đình.
Giờ đây, như chị nói, chị sẽ dành phần đời còn lại của mình để chăm lo cho những đứa trẻ bất hạnh nơi đây để chúng lớn lên trong vòng tay yêu thương, để phát triển bình thường, dẫu không được bằng những đứa trẻ có gia đình ấm yêm hạnh phúc. Niềm vui của mẹ Thúy giờ đây là nụ cười của lũ trẻ.