Lương tăng, tỷ lệ thất nghiệp thấp tiếp tục gây sức ép với Fed

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tuyển dụng tăng chậm lại trong tháng 6, nhưng lương tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm, tiếp tục gây sức ép để Fed nâng lãi suất trong cuộc họp tổ chức vào cuối tháng này.

im-811472.jpg
Thị trường lao động Mỹ tuy vẫn tăng trưởng nhưng đã có tín hiệu hạ nhiệt (Ảnh: WSJ)

Thị trường lao động vẫn “nóng”

Các doanh nghiệp Mỹ đã thêm 209.000 lao động trong tháng 6, mức tăng theo tháng khá ấn tượng nhưng lại giảm nếu so với con số 306.000 trong tháng 5. Trong nửa đầu năm nay, biên chế việc làm tăng trưởng trung bình 278.000 mỗi tháng, giảm so với mức gần 400.000 trong năm ngoái.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống còn 3,6% trong tháng trước, từ mức 3,7% trong tháng 5. Các chủ doanh nghiệp tiếp tục tăng lương do muốn cạnh tranh thu hút người lao động. Thu nhập trung bình theo giờ đã tăng 4,4% trong tháng 6, so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức tăng của 2 tháng trước đó và cao hơn so với tốc độ tăng giai đoạn trước đại dịch.

Sau khi có báo cáo về việc làm trong tháng 6, các chỉ số chứng khoán đã giảm. Chỉ số Dow Jones giảm 187,38 điểm, tương đương 0,55%, trong hôm thứ Sáu. S&P 500 và Nasdaq cũng giảm.

Đà tăng lương nhanh góp phần gây ra lạm phát cao dai dẳng, theo Sean Snaith, giám đốc Viện Dự báo Kinh tế thuộc trường ĐH Trung Florida.

Fed vẫn có hướng để đi trong cuộc chiến chống lạm phát”, Snaith nói. "Chúng ta đang ở trong một giai đoạn dài và cần kiên nhẫn trong việc duy trì lãi suất ở mức cao."

Dữ liệu mới nhất về việc làm và lương đã cho thêm bằng chứng rằng hoạt động kinh tế chưa chậm lại nhiều như giới chức Fed kỳ vọng, và gây sức ép buộc họ phải nâng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 22 năm trong cuộc họp tổ chức vào hai ngày 25-26/7. Lạm phát đã giảm từ mức đỉnh cách đây một năm, nhưng vẫn còn cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% của Fed.

2.png
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ (Ảnh: Bộ Lao động Mỹ)

Fed hứng thêm sức ép

Giới chức Fed đã đánh tín hiệu rằng, một số chỉ số cho thấy đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cùng với sức ép giá khiến họ rất có khả năng nâng lãi suất sau khi đã tạm ngừng một nhịp trong tháng 6.

Người lao động được trả lương cao hơn đã chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, ăn nhà hàng và giải trí trong nửa đầu năm nay. Những người khác thì mua xe ô tô mới. Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vững chắc 2% trong quý đầu tiên, so với cùng kỳ năm ngoái, và nhiều nhà kinh tế học ước tính rằng đà tăng trưởng tương tự sẽ được duy trì trong quý hai.

Dữ liệu được công bố trong hôm 7/7 cũng chưa thể giải quyết được một vấn đề rất có thể xảy ra tại cuộc họp sắp tới của Fed, đó là liệu Fed có nên nâng lãi suất một lần nữa, và nếu có thì khi nào?

Nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ suy giảm sâu hơn trong nửa sau của năm nay, khi các đợt nâng lãi suất của Fed bắt đầu có hiệu quả, người tiêu dùng hết tiền tiết kiệm và chương trình thanh toán nợ sinh viên được nối lại, theo Bill Adams, kinh tế trưởng đến từ Comeria Bank.

“Rất có khả năng nền kinh tế sẽ suy giảm trong thời gian tới”, Adams cho hay.

Tỷ lệ việc làm tăng mỗi tháng trong suốt hai năm rưỡi, nhưng mức tăng trong tháng 6 vừa qua lại thấp nhất trong giai đoạn đó.

Có một số yếu tố đã góp phần vào hoạt động tuyển mộ lao động, trong đó có sự cố gắng của các chủ doanh nghiệp để đáp ứng với các yếu tố lâu dài đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Mỹ.

Chính quyền bang và địa phương, đang chật vật xây dựng đội ngũ nhân viên trong suốt giai đoạn đại dịch, đã tuyển dụng thêm được nhiều lao động trong tháng 6. Tỷ lệ việc làm trong chính phủ trong nửa đầu năm nay tăng với nhịp độ cao gấp đôi so với năm 2022, khi các trường, bệnh viện công và hệ thống giao thông tuyển mộ thêm lao động.

Các bệnh viện và nhà dưỡng lão tư nhân cũng đang cần tuyển thêm lao động để đáp ứng nhu cầu chăm sóc cho nhóm người già đang tăng nhanh. Chỉ riêng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đã có 41.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 6.

3.png
Thu nhập trung bình theo giờ, thay đổi so với năm trước đó (Ảnh: Bộ Lao động Mỹ)

Tín hiệu giảm nhiệt

Tuy nhiên, thị trường lao động đã giảm nhiệt ở một số lĩnh vực nhất định.

Nhà hàng và quán bar đã cắt giảm công việc trong tháng 6 - lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020, sau khi tiếp sức cho đà phục hồi của thị trường lao động sau đại dịch. Tỷ lệ có việc làm suy giảm tại các doanh nghiệp bán và phân phối hàng hoá, bao gồm các hãng bán lẻ và công ty hoạt động trong ngành vận tải và kho bãi.

Số lượng người làm công việc bán thời gian do không tìm được việc làm toàn thời gian cũng tăng thêm gần nửa triệu trong tháng 6. Bộ Lao động Mỹ cho biết mức tăng này phần nào phản ánh thực tế rằng nhiều người lao động đã bị cắt giảm giờ làm việc do hoạt động kinh doanh chậm lại.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, hay tỷ lệ người dân Mỹ đang làm việc hoặc tích cực tìm việc, vẫn ở dưới mức tiền đại dịch 63.3% trong tháng 2/2020. Tình trạng này phản ánh tình trạng già hoá trong dân số Mỹ và đang gây ra thiếu hụt lao động dai dẳng.

Tuy nhiên, thị trường lao động mạnh mẽ đang thu hút thêm bộ phận lao động trẻ tuổi. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm tuổi từ 25-54 ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong tháng 6, tính từ năm 2002.

Dữ liệu khác cho thấy lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp, điều này phản ánh tình trạng cắt giảm nhân công, đã tăng 20% so với đầu năm. Các đợt cắt giảm nhân công trong ngành công nghệ diễn ra thường xuyên trong giai đoạn đầu năm 2023, bao gồm các công ty như Meta (công ty mẹ của Facebook), Alphabet (công ty mẹ của Google) và Microsoft./.

Theo Wall Street Journal