Luật Hải cảnh (Kỳ 2): Đòn “nắn gân” mới của Bắc Kinh về phản ứng của Mỹ-ASEAN ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Mọi hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông đều là một phép thử với chính quyền Biden"; Greg Poling, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS (Hoa Kỳ), bình luận riêng với VietTimes.
Cho đến nay, các nước ASEAN đều đã có những phản ứng với Bắc Kinh ở mức độ khác nhau.
Cho đến nay, các nước ASEAN đều đã có những phản ứng với Bắc Kinh ở mức độ khác nhau.

Bởi vậy, các nước ASEAN có liên quan cần phối hợp với nhau lên án mạnh mẽ động thái nguy hiểm của Bắc Kinh, cũng như đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ và EU để tạo sức ép quốc tế lên nước này.

Luật Hải cảnh (Kỳ 1): "Cuộc chiến không khói súng" của Trung Quốc ở Biển Đông

Phép thử đối với chính quyền Biden

Việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh mới cho phép lực lượng cảnh sát biển nước này nổ súng vào tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Joe Biden vừa nhậm chức.

Trước đây, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên thệ nhậm chức, Bắc Kinh từng vây tàu khảo sát của hải quân Mỹ và khiêu khích Washington. Những động thái này, theo các chuyên gia quốc tế, được xem như “đòn nắn gân” khả năng ngoại giao của chính quyền mới.

“Mọi hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông đều là một phép thử với chính quyền Biden. Ông Biden phải tìm được cách huy động và tập hợp quốc tế gây sức ép buộc Trung Quốc phải điều chỉnh hành vi.

Nếu không, Mỹ sẽ đánh mất uy tín lâu nay với tư cách người bảo vệ các đồng minh ở châu Á và luật pháp quốc tế”, chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS (Hoa Kỳ) bình luận với VietTimes.

Chuyên gia Greg Poling thực sự lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột bạo lực khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) được hợp pháp hoá quyền sử dụng vũ khí. Ảnh: CSIS.

Chuyên gia Greg Poling thực sự lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột bạo lực khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) được hợp pháp hoá quyền sử dụng vũ khí. Ảnh: CSIS.

Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) cho rằng, kể từ khi nhậm chức đến nay, các phát biểu của Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc khá cứng rắn.

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại ngày 4/2/2021, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng “Sự lãnh đạo của Mỹ phải đáp ứng được những yêu cầu nảy sinh trong bối cảnh chủ nghĩa toàn trị đang lên ngôi, trong đó có tham vọng cạnh tranh với Mỹ ngày càng lớn của Trung Quốc…

Chúng ta sẽ chống lại các lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, đẩy lùi các hành động gây hấn và cưỡng bức của họ…”.

Việc Trung Quốc ban hành luật Hải cảnh mới chính là một ví dụ khác của “những hành động gây hấn và cưỡng bức” như ông Biden chỉ ra, Giáo sư Thayer nói. Trong thời gian qua, chính quyền Biden đã liên tiếp phát đi các tín hiệu phản đối hành vi leo thang này của Trung Quốc.

Ngày 18/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chủ trì cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. “Bộ tứ kim cương” nhất trí “cực lực phản đối những ý đồ dùng vũ lực và đơn phương thay đổi hiện trạng” ở Biển Đông và biển Hoa Đông, theo Đài NHK.

Phát biểu tại cuộc họp báo một ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay Washington quan ngại Luật Hải cảnh của Trung Quốc có thể làm leo thang các tranh chấp biển và được kích hoạt để củng cố những yêu sách biển phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Không chỉ bằng lời nói, Washington cũng tiến hành liên tiếp các cuộc tuần tra hải quân ở khu vực trong thời gian qua để thách thức những yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc.

Đồ hoạ của báo Tuổi trẻ.

Đồ hoạ của báo Tuổi trẻ.

Hôm 23/1, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt đã vào Biển Đông để thực hiện các hoạt động an ninh biển.

Ngày 5/2, chiến hạm Mỹ USS John S.McCain thực hiện tuần tra xung quanh quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.

Ngày 9/2, Mỹ, Nhật và Australia đã tiến hành tập trận chung trên đảo Guam để thách thức Trung Quốc.

Tàu sân bay Mỹ liên tục vào Biển Đông trong thời gian gần đây. Ảnh: US Navy.

Tàu sân bay Mỹ liên tục vào Biển Đông trong thời gian gần đây. Ảnh: US Navy.

“Nếu Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh và sử dụng vũ lực chống lại Philippines, chính quyền Biden sẽ hỗ trợ Manila vì Mỹ và Philippines có hiệp ước phòng thủ chung.

Bóng đang nằm bên phần sân của Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Các nước này phải quyết định cách thức làm việc với Chính quyền Biden nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông”, Giáo sư Carl Thayer nhận định trong cuộc trao đổi với VietTimes.

Cuộc chiến ngoại giao

Theo các chuyên gia quốc tế, đẩy mạnh cuộc chiến về mặt ngoại giao nhằm tạo sức ép quốc tế đối với Bắc Kinh cũng là một lựa chọn khả thi cho các nước ASEAN trong bối cảnh hiện nay.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng, các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam cần có phản đối ngoại giao chính thức với Trung Quốc, bác bỏ việc áp dụng Luật Hải cảnh cho các vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của họ.

Theo Giáo sư Carl Thayer, bốn quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nên họp kín với nhau để thuyết phục các thành viên ASEAN khác ghi vào tuyên bố chung.

Theo Giáo sư Carl Thayer, bốn quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nên họp kín với nhau để thuyết phục các thành viên ASEAN khác ghi vào tuyên bố chung.

“Các quốc gia này cũng cần nêu rõ rằng Trung Quốc chịu hoàn toàn trách nhiệm về bất kỳ mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực nào đối với các tàu treo cờ của bốn quốc gia ASEAN và các công trình xây dựng cũng như các cơ sở khác được xây dựng trên các khu vực do các nước này quản lý”, Giáo sư Thayer nêu quan điểm.

Cho đến nay, các nước ASEAN đều đã có những phản ứng với Bắc Kinh ở mức độ khác nhau. Ngày 27/1, ngay sau khi luật Hải cảnh được thông qua, Philippines đã gửi công hàm ngoại giao phản đối mạnh mẽ, gọi luật này là “một mối đe doạ chiến tranh bằng lời” đối với các nước phản đối luật.

“Nếu không phản đối, tức sẽ phục tùng”, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nhấn mạnh.

Người đứng đầu đầu Cơ quan An ninh Hàng hải của Indonesia đã cảnh báo về sự bùng phát xung đột trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối các hành động gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Nhưng phản đối Bắc Kinh một cách riêng rẽ sẽ không tạo được áp lực đáng kể với Bắc Kinh, một cường quốc đang lên đầy tham vọng và hành xử hung hăng, theo nhận định của chuyên gia Greg Poling.

Các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần phối hợp với nhau nhằm đạt được tiếng nói chung và nhờ đó gia tăng sức mạnh đàm phán của họ với Bắc Kinh”, ông Poling nói.

Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh Reuters.

Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh Reuters.

Trong khi đó, theo Giáo sư Carl Thayer, bốn quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nên họp kín với nhau để thuyết phục các thành viên ASEAN khác ghi vào tuyên bố chung mối quan ngại mạnh mẽ của họ về các hành động đơn phương đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.

“Tuyên bố chung cũng cần ghi rõ các nước ASEAN phản đối việc Trung Quốc hành động đơn phương khẳng định chủ quyền, quyền tài phán và quyền chủ quyền đối với các đảo, đá, bãi ngầm và vùng biển của các nước này là hoàn toàn bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế”, Giáo sư Thayer nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Greg Poling (CSIS), các nước ASEAN cũng cần đẩy mạnh hợp tác với các cường quốc khác như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia và EU nhằm kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc.

Đồng tình với nhận định này, Giáo sư Carl Thayer khuyên các nước ASEAN có liên quan đến tranh chấp Biển Đông nên tham vấn với các cường quốc này về các phản ứng ngoại giao phối hợp để ngăn chặn Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ lực và/hoặc phá hủy các công trình trên các địa bàn do những nước này quản lý.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một lãnh đạo toàn cầu, chuyên gia Greg Poling cho rằng một diễn đàn quốc tế rộng rãi và mạnh mẽ sẽ có tác dụng kiềm chế phần nào sự hung hăng của Bắc Kinh.

“Các nước ASEAN liên quan cần đảm bảo rằng vấn đề Biển Đông được đưa ra trong mọi diễn đàn quốc tế để cho thấy hành xử của Trung Quốc đang làm xói mòn hình ảnh lãnh đạo toàn cầu mà họ đang ra sức quảng bá như thế nào.

Nếu một sự cố xảy ra, quốc gia bị ảnh hưởng phải ngay lập tức khởi động một chiến dịch thông tin quốc tế bằng cách sử dụng video và các bằng chứng khác cho các hành động của Trung Quốc”, ông Poling khuyến nghị.

(Còn tiếp)