Lợi thế vốn rẻ của Thế giới Di Động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong khi hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, hoạt động tài chính nổi lên là ‘điểm sáng’ đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã CK: MWG).
Chi phí vốn rẻ giúp Thế giới Di Động (MWG) kiếm bộn từ hoạt động tài chính
Chi phí vốn rẻ giúp Thế giới Di Động (MWG) kiếm bộn từ hoạt động tài chính

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu từ hoạt động tài chính của MWG đạt 881,6 tỉ đồng, cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu là lãi tiền gửi, đạt 685,9 tỉ đồng. Tiếp đến là các khoản chiết khấu thanh toán, đạt 189,3 tỉ đồng.

Tại ngày 30/9/2021, MWG có 1.344,5 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng, 1.375,8 tỉ đồng các khoản tương đương tiền – thể hiện các khoản tiền gửi ngắn hạn có kỳ hạn không quá 3 tháng.

Bên cạnh đó, MWG còn dành ra 6.814,2 tỉ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ngắn hạn, bao gồm các khoản tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm, được hưởng lãi suất dao động từ 6 – 8,65%/năm.

Đáng chú ý, MWG cũng cho vay ngắn hạn CTCP Chứng khoán Tp. HCM (Mã CK: HCM) 665 tỉ đồng, hưởng lãi suất từ 6,4 - 7%/năm. Khoản cho vay này bắt đầu được MWG ghi nhận từ cuối quý 2/2021, với số dư ở mức 500 tỉ đồng.

Ở chiều hướng ngược lại, MWG ghi nhận số dư trái phiếu 1.130 tỉ đồng (bao gồm cả chi phí phát hành) với trái chủ là một loạt các công ty bảo hiểm. Đáng chú ý, các lô trái phiếu này được đảm bảo bằng hình thức tín chấp, với lãi suất chỉ ở mức 6,55%/năm.

Lợi thế vốn rẻ của MWG

Theo tính toán của FiinTrade, khoản lợi nhuận tài chính trong quý 3/2021 của MWG là 243 tỉ đồng, chiếm 25,1% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Đây cũng là mức đóng góp khá ổn định từ hoạt động đầu tư của MWG trong 4 quý vừa qua, giúp công ty này duy trì mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu từ 25-27% trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đơn vị phân tích dữ liệu này cho hay, MWG có chi phí vốn vay bình quân (Cost of Financing - CoF) chỉ ở mức 3,7%/năm trong tổng số nợ vay ngắn hạn và dài hạn vào cuối quý 3/2021. Nguồn vốn huy động từ trái phiếu của MWG có thể có mức chi phí vốn cao hơn đáng kể, song chỉ chiếm khoảng 6,3% tổng nợ vay.

Do đó, FiinTrade cho rằng, trong tổng số 12.900 tỉ đồng đầu tư tài chính của MWG (không tính đầu tư vào công ty liên kết ăn cổ tức; và phải thu từ cho vay) thì phần lớn nguồn vốn là dùng từ nguồn vốn vay ngắn hạn vốn có chi phí vốn thấp hơn nhiều.

Trong khi đó, tỉ suất lợi nhuận đầu tư (Investment Yield) bình quân của MWG ở mức 7,2% (annualised). Nếu so với mức COF bình quân 3,7% thì mức chênh lệch (spread) lên tới 3,5%. “Đây là mức lợi nhuận rất cao và không kém gì Biên lợi nhuận tín dụng của các ngân hàng thương mại và cao hơn cả lợi nhuận kinh doanh trái phiếu của các CTCK”, báo cáo nêu.

Một số ý kiến cho rằng MWG đẩy mạnh hoạt động tài chính và xem như đó là một yếu tố không mấy tích cực và "đầu cơ".

Tuy nhiên, FiinTrade cho rằng đây là một phần quan trọng của hoạt động tài chính doanh nghiệp hay còn gọi là ‘corporate treasury’ và nhìn nhận đó là khả năng nắm bắt cơ hội trong bối cảnh hiện nay./.