Người Việt Nam ta có câu “Kính già, già để tuổi cho”, nhưng ở một số quốc gia và khu vực đang có dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng, một bộ phận những người trẻ tuổi không quan tâm đến dịch bệnh, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người và thậm chí gọi virus Corona mới là “kẻ hủy diệt người già”.
Một số cơ quan truyền thông Mỹ cho rằng thái độ vô trách nhiệm và bất kính của những người trẻ sẽ làm cho các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các quốc gia này khó khăn hơn.
Từ kết quả xét nghiệm cho thấy, những người trẻ tuổi có khả năng lây nhiễm và truyền bá virus Corona mới giống như ở người già, nhưng bệnh thường nhẹ và ít có triệu chứng hơn, những trường hợp nghiêm trọng nhất thường tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi. Do đó, mặc dù dịch bệnh liên tục lan rộng và xấu đi trên thế giới, nhưng nhiều người trẻ ở phương Tây vẫn tỏ ra coi thường, không sợ hãi dịch bệnh COVID-19.
The Wall Street Journal cho rằng đã diễn ra cuộc chiến giữa các thế hệ trong thời dịch bệnh Viêm phổi do virus Corona mới (Ảnh: Guancha).
|
Mặc kệ dịch, thỏa sức vui chơi
Theo The Wall Street Journal ngày 17/3, tại một khu tập trung các quán bar ở Berlin, chính phủ đã ra lệnh đóng cửa tất cả các quán bar và hộp đêm từ hôm thứ Bảy, ngày 14/3.
Đêm đó, quán bar ngầm “Ernst” trong khu ăn chơi Kreuzberg vẫn chật ních khách đến nhe nhạc rock. Tấm bảng ở lối vào của quán được sơn dòng chữ “Chú ý: Virus Corona mới”, nhưng chẳng ai thèm để ý đến. Trong quán bar cocktail “Wagemut”, một cô gái trẻ diễn trò hắt hơi vào mặt ai đó, khiến đám đông cười rộ lên.
Vào Chủ nhật, các quan chức y tế Berlin cho biết 42 người được cho là đã lây nhiễm virus Corona mới ở các quán bar ở Berlin.
“Đó là thái độ của những người thích cuộc sống về đêm”, Ông Lutz Leichsenring, Chủ tịch Hiệp hội quán bar Berlin nói: “Có làm sao đâu? Bạn bị lây cúm nhưng bạn không chết”.
Trong thời gian Italy phong tỏa, một số người trẻ tuổi phải đối mặt với sự lựa chọn trở về nhà cha mẹ hoặc ở trong căn hộ của họ. Một sinh viên đến từ vùng Piemont, phía tây bắc Italy, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng cô đã trốn ra khỏi căn hộ để đến dự tiệc tối cùng bạn bè vì “cảm thấy ức chế” sau vài ngày bị cách ly tại nhà.
Một đoạn tweet: "Cha tôi là giáo viên trung học. Ông nói, các học trò của ông đều gọi virus Corona mới là "kẻ tiêu diệt người già" (Ảnh: Guancha).
|
Trước nửa đêm, cảnh sát gõ cửa, kiểm tra giấy tờ những người tham dự bữa tiệc và ghi lại số điện thoại của họ. “Những kẻ ham vui” được lệnh về nhà cùng với cảnh báo rằng thông tin cá nhân của họ sẽ được lưu trong hồ sơ. Sinh viên này cũng cho biết cảnh sát nói cô và các bạn sẽ phải đối mặt với án phạt nặng và thậm chí ngồi tù cho bữa tiệc này.
Có những ý kiến cho rằng phương pháp phong tỏa này sẽ không được chấp nhận ở phương Tây, “nơi tôn sùng chủ nghĩa cá nhân và tự do”.
Monica Rubio, 19 tuổi ở Barcelona, Tây Ban Nha nói: “Nếu tôi bị bệnh, tôi sẽ ở nhà trong vài ngày và không đi lây bệnh cho người khác, nhưng tôi sẽ không thay đổi cuộc sống của mình vì căn bệnh này. Tôi không thể tưởng tượng rằng mọi người không còn bắt tay, ôm hay hôn nhau. Những thứ này đã ăn sâu vào xã hội của chúng ta”. Cuối tuần trước, Monica vẫn tụ tập ăn sáng với ba người bạn.
Trường Đại học Princeton, Mỹ, tuần trước tuyên bố sẽ chuyển sang giảng dạy trực tuyến từ ngày 19/3 và yêu cầu hầu hết sinh viên rời khỏi trường về nhà. Kết quả là, sau khi nhận được thông báo rời khỏi trường, trong khuôn viên nhà trường đã bùng nổ một số lượng lớn các bữa tiệc và tụ tập.
“Không có sự phóng túng cuối cùng, mọi người sẽ không sẵn sàng từ bỏ cách sống của họ”, Ben Weissenbach, một sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Princeton, bày tỏ.
Thứ Sáu tuần trước, trường Princeton đã gửi e-mail cho tất cả sinh viên thông báo cho họ rằng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn đã được thiết lập và hình phạt sẽ được áp dụng đối với những người vi phạm các quy định. “Chúng tôi rất buồn khi thấy rất nhiều sinh viên không đếm xỉa đến các biện pháp phòng hộ này và tham gia vào các hành vi mang tính phá hoại”.
Một đoạn tweet: "Dành tặng cho tất cả những người già biết đùa ... Chúng tôi yêu các vị. Hãy nhớ rửa tay”. (Ảnh: Guan cha).
|
Trên mạng xã hội cũng có đầy rẫy các tweet mô tả các quán bar và nhà hàng chật cứng người ở New York. Dân biểu Alexandria Ocasio Cortez ở quận 14, tiểu bang New York, đã viết tweet cảnh báo người dân New York không nên tụ tập đông người ở nơi công cộng: “Mọi người dân thành phố New York, nhất là người khỏe mạnh và dưới 40 tuổi (theo tôi quan sát, những người này cần được nhắc nhở nhiều nhất): không nên tụ tập tại các quán bar, nhà hàng và nơi công cộng vào lúc này. Hãy ăn tại nhà mình. Bạn nghĩ rằng mình khỏe mạnh, nhưng bạn có thể đang gieo rắc virus Corona mới”.
Tại Hồng Kông, khu Mong Kok ở Cửu Long đã trở nên đông đúc hơn từ vài tuần trước, rất nhiều người đã dần khôi phục lại lối sống trước khi có dịch bệnh. Một đêm cách đây vài hôm, trên phố Bailey, nơi có nhiều các quán bar người nước ngoài thích lui tới, hàng trăm “đệ tử lưu linh” đã tụ tập mà không đeo khẩu trang; các ban nhạc lại chơi trên đường phố và mọi người lại chen vai thích cánh”.
“Tôi đã phải ngồi trong nhà 2 tháng và tôi không thể ở lại lâu hơn nữa”. Ryan, 26 tuổi, đang cùng bạn bè đi dạo gần khu ăn chơi Lan Kwai Fong, “cuộc sống vẫn phải tiếp tục chứ”.
“Chúng tôi cũng lo lắng”, Nicole, 25 tuổi, nói, “nhưng hoặc lo lắng đến chết, hoặc uống thoải mái đến chết thôi”.
Virus Corona mới, “kẻ hủy diệt người già”?!
Điều đáng kinh ngạc hơn là trong cơn đại dịch, trong quần thể giới trẻ ở xã hội phương Tây lại xuất hiện kiểu tư tưởng nổi loạn, cho rằng virus Corona mới là “kẻ tiêu diệt người già” ("Boomer Removal” và hastag “#Boomer Removal” suốt một dạo đã trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội Twitter.
Thuật ngữ “Boomer” thường được sử dụng ở phương Tây để chỉ những người được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ em sau Thế chiến II và họ giờ đã trở thành những người già.
Cái tên gây tranh cãi liên quan đến virus Corona mới này đã làm dấy lên sự bất bình mạnh mẽ trong rất nhiều người cao tuổi ở phương Tây. “Đối với những kẻ độc ác gọi virus Corona mới là “Kẻ tiêu diệt người già”, tôi hy vọng cha mẹ của họ sẽ để lại tiền của cho các trại thu gom nuôi giữ động vật”; “Một ngày nào đó chúng ta sẽ già đi. Hãy nghĩ đến cha mẹ và ông bà của họ. Chỉ có những kẻ bị bệnh tâm thần mới cười nhạo những người đã cho mình sự sống và sắp phải lìa đời”...Đó là vài đoạn tweet của những người cao tuổi.
Cũng có người già không quan tâm lắm đến câu nói này, “Tôi là một ông già. Tôi đã nghe câu nói đùa này từ cháu gái của tôi đang học trung học. Chúng tôi đều cười. Tôi rất vui khi nghe thấy những lời châm chọc như thế trong cái thế giới quá nghiêm túc và không có sự hài hước này”.
Có một số người trẻ nghĩ rằng câu này chỉ là một trò đùa. “Dành tặng cho tất cả những người già biết đùa ... Chúng tôi yêu các vị. Hãy nhớ rửa tay”.
Một đoạn tweet độc địa: “Bạn cho rằng cần khinh miệt những người trẻ mới đúng phải không? Hầu hết những người được gọi là thế hệ vĩ đại nhất (những người trải qua Thế chiến I, Thế chiến II và Đại suy thoái), Thế hệ im lặng (sinh năm 1920-1940) và Thế hệ bùng nổ trẻ em của người Mỹ, đều đã bỏ phiếu không để con, cháu, chắt của họ được chia sẻ đặc quyền một đời mà họ được ban tặng! Hãy để cho họ chết quách!”.
|
Tuy nhiên, cũng có một số người trẻ không nghĩ rằng hashtag này chỉ là một trò đùa ...“Chủ đề ‘kẻ tiêu diệt người cao tuổi’ đã khiến một số người cao tuổi rất tức giận vì đã bị xúc phạm. Người già quan tâm đến cách xưng hô hơn là điều kiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng bị thiếu hụt khiến bệnh nhân, y tá và bác sĩ gặp nguy hiểm và tình trạng hiện nay trên thế giới. Họ cũng nói chúng tôi là snowflake (bông tuyết). Nếu các vị lây nhiễm (COVID-19), hãy ở nhà, tốt nhất là ở mãi mãi”.
“Snowflake” là một từ đã xuất hiện ở phương Tây từ sau năm 2010. Người già thường sử dụng nó để mô tả sự nhạy cảm và dễ nổi giận của những người trẻ.
Một số cuộc tấn công bằng ngôn ngữ càng trực tiếp hơn. “Bạn cho rằng cần khinh miệt những người trẻ mới đúng phải không? Hầu hết những người được gọi là thế hệ vĩ đại nhất (những người trải qua Thế chiến I, Thế chiến II và Đại suy thoái), Thế hệ im lặng (sinh năm 1920-1940) và Thế hệ bùng nổ trẻ em của người Mỹ, đều đã bỏ phiếu không để con, cháu, chắt của họ được chia sẻ đặc quyền một đời mà họ được ban tặng! Hãy để cho họ chết quách!”.
Theo báo cáo thống kê của tạp chí Newsweek (Mỹ) ngày 13/3, có tới hơn 65.000 đoạn tweet về “#Boomer Remover” (chủ đề “kẻ tiêu diệt người già”) trên Twitter, trong đó mô tả cụ thể tỷ lệ tử vong cao của người cao tuổi trong số những người bị nhiễm COVID-19. Thế hệ “Boomer” (Những người sinh ra ở Hoa Kỳ trong giai đoạn 1946-1964, tức ngay sau Chiến tranh thế giới thứ II) hiện đang ở độ tuổi từ 56 đến 74. |