Linh hoạt, sáng tạo và chủ động đánh địch trên không

Ngay sau khi mở mặt trận trên không thắng lợi vào mùa xuân năm 1965, Bộ đội Không quân ta tiếp tục lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Các phi công trao đổi kinh nghiệm sau chuyến bay chiến đấu. Ảnh tư liệu
Các phi công trao đổi kinh nghiệm sau chuyến bay chiến đấu. Ảnh tư liệu

Trong suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, không quân ta đã cất cánh chiến đấu, bắn rơi hàng trăm máy bay với hàng chục kiểu loại của địch. Các thế hệ phi công cùng với mọi kiểu loại máy bay chiến đấu của ta có trong trang bị đều lập công. Sự xuất hiện của Không quân nhân dân Việt Nam trên bầu trời đã làm cho kẻ thù run sợ.

Để có được chiến công đó, yếu tố mang tính quyết định là do có sự chuẩn bị chu đáo về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật của ta. Trên cơ sở những nhận định và sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã chủ động làm công tác chuẩn bị và nghiên cứu tìm cách đánh máy bay B-52.

Đầu năm 1968, Bộ tư lệnh (BTL) Quân chủng PK-KQ đã giao nhiệm vụ cho BTL Binh chủng KQ phải nghiên cứu cách đánh máy bay B-52. BTL Binh chủng KQ đã tổ chức một bộ phận cán bộ tham mưu và phi công vào Quảng Bình, Vĩnh Linh, lên đỉnh đèo Mụ Giạ, trực tiếp quan sát, tìm hiểu đội hình và quy luật hoạt động của B-52 cả ngày lẫn đêm. Tháng 9-1971, Binh chủng KQ đã đưa ra-đa dẫn đường vào Ba Đồn, Quảng Bình và Vĩnh Linh, liên tục cho ra-đa mở máy tìm bắt mục tiêu, lần đầu bị nhiễu nặng, không phát hiện được. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, các phi công ta đã phát hiện được mục tiêu trong nhiễu, tổng hợp được quy luật hoạt động của B-52, xây dựng phương án tác chiến, nghiên cứu cách đánh và huấn luyện cho một số phi công MIG chuyên đánh B-52. Cuối tháng 9-1971, Binh chủng KQ đã tổ chức bộ phận chỉ huy tiền phương của KQ bên cạnh Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng PK-KQ ở phía Nam để theo dõi và nghiên cứu, tổ chức trận đánh B-52.

Để đối phó với KQ địch, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức lực lượng củng cố, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống sân bay trên miền Bắc, trong đó có một số sân bay trên địa bàn các tỉnh Quân khu 4. Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) được xây dựng thành căn cứ tập kết và xuất phát chính của các loại máy bay hoạt động trên chiến trường phía Nam. Các sân bay Vinh, Đồng Hới bị địch phá hủy nặng ngay từ đầu chiến tranh, quân chủng có kế hoạch tu sửa riêng. Sau mỗi trận đánh phá của địch, các đơn vị công binh và nhân dân địa phương kịp thời huy động lực lượng sửa chữa gấp, bảo đảm cho máy bay có thể cất cánh và hạ cánh được. Ta đã xây dựng một số sân bay dã chiến ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Anh Sơn (Nghệ An), bãi hạ cánh cho máy bay ở Troóc (sân bay Gát, Quảng Bình) và ở nông trường Phủ Quỳ (Quảng Bình). Một số sân bay ở hướng Tây Bắc (Nà Sản, Điện Biên) và trên đất bạn Lào (Sầm Nưa, Cánh đồng Chum, Sê Pôn) được củng cố làm căn cứ dự bị cho KQ.

Binh chủng KQ tập trung xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao cho cán bộ, chiến sĩ, tập trung vào đội ngũ phi công. Cuộc chiến đấu của KQ ta với KQ Mỹ được coi là không cân xứng về lực lượng, chúng ta chỉ thắng được khi có cách đánh độc đáo, sáng tạo, với ý chí quyết tâm, bản lĩnh vững vàng của bộ đội. Mỗi trận đánh dù ngày hay đêm là một thử thách toàn diện đối với người chỉ huy, sĩ quan dẫn đường, đặc biệt là phi công-người trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Trong 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên phủ trên không” tháng 12-1972 đối đầu với B-52, dù bị KQ Mỹ đánh phá ác liệt, song KQ ta đã nêu cao ý chí quyết tâm, vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh để đánh địch. Đường băng bị đánh hỏng thì “ta sửa, ta bay” hoặc cất cánh từ đường lăn; sân bay chính bị đánh bom, bị khống chế thì xuất kích từ sân bay dự bị, sân bay dã chiến; cơ động ban ngày bị địch phát hiện thì tổ chức vào ban đêm, dùng trực thăng cẩu máy bay tiêm kích đi sơ tán hay đến sân bay bí mật...

Để góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên phủ trên không”, Bộ đội KQ đã tập trung xây dựng lực lượng, huấn luyện giỏi về kỹ thuật, thuần thục chiến thuật, cách đánh. Càng chiến đấu, Bộ đội KQ càng trưởng thành. Khi chưa bắn rơi được máy bay B-52, nhưng qua mỗi lần cất cánh chiến đấu, phi công trưởng thành lên rất nhiều, từ ý chí quyết tâm đến tư duy chiến thuật, tự tin và vững vàng hơn. Trong quá trình chiến đấu, Bộ đội KQ tiếp tục nghiên cứu tìm cách đánh và rút kinh nghiệm để thay đổi cách đánh kịp thời khi địch thay đổi thủ đoạn tác chiến. Khi đánh vào Hà Nội, địch cảnh giác và chuẩn bị kỹ cả trên ba mặt: Gây nhiễu, hộ tống nhiều tầng, nhiều lớp, tạo nên lá chắn cho B-52 và đánh đồng loạt các sân bay của ta. KQ địch thường xuyên thay đổi thủ đoạn, ngày càng tinh vi, nhưng chúng ta đã có nhiều cách đánh sáng tạo, độc đáo, như: Đánh gần, kéo địch đến khu vực có lợi để đánh, chủ động đánh chặn từ xa, sử dụng tất cả các số trong đội hình đều có thể tham gia công kích khi xuất hiện thời cơ, tổ chức đội hình chiến đấu phù hợp, sử dụng ra-đa, thiết bị vô tuyến linh hoạt; kết hợp chặt chẽ trên không và mặt đất... Khi tiếp cận B-52, KQ ta đã nghiên cứu, áp dụng và phát triển các hình thức chiến thuật từ “bay thấp, kéo cao” đến “bay cao, tiếp cận nhanh” rất có hiệu quả.

Từ thực tế trên, chúng ta có thể khẳng định: Đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng KQ của Mỹ cuối tháng 12-1972 là đỉnh cao về nghệ thuật tác chiến của KQ nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, không gian tác chiến phòng không mở ra rộng lớn trên toàn bộ lãnh thổ đất liền và vùng trời trên biển. Nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vùng trời của Tổ quốc đòi hỏi Bộ đội PK-KQ phải thường xuyên duy trì khả năng SSCĐ cao, kiên quyết không để bị bất ngờ, đánh thắng ngay từ trận đầu. Phải xây dựng cho bộ đội sẵn sàng về ý chí, quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù, trong mọi tình huống, thường xuyên nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và đánh trả các cuộc tiến công đường không của địch và giành thắng lợi.

HOÀNG HỒNG PHƯƠNG (Lược theo tài liệu của Quân chủng Phòng không-Không quân)

Theo QĐND