Công ty cổ phần Tổng công ty Licogi (Mã CK: LIC) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến của đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bằng văn bản bao gồm nhiều nội dung.
Trong đó, nội dung đáng chú ý là việc ban lãnh đạo LIC trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch thu xếp vốn bằng việc phát hành trái phiếu với tổng giá trị tối đa 4.000 tỷ đồng và hạn mức bảo lãnh cho người mua nhà tối đa 4.000 tỷ đồng của công ty con là Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi để đầu tư Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội (KĐTM Thịnh Liệt).
Đây là lô trái phiếu phát hành riêng lẻ không được chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn tối thiểu trên 1 năm.
Đồng thời, ban lãnh đạo cũng xin ý kiến ĐHĐCĐ về ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) LIC quyết định tất cả các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch huy động vốn và triển khai thực hiện dự án này.
Được biết, một trong những biện pháp bảo đảm chính cho lô trái phiếu là toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi tại dự án KĐTM Thịnh Liệt (một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 6429/QĐ-UBND ngày 15/9/2017 của UBND thành phố Hà Nội), bao gồm nhưng không giới hạn quyền phát triển dự án, quyền sử dụng đất, công trình hình thành trên đất, động sản và quyền tài sản khác phát sinh từ dự án đã hình thành hoặc sẽ hình thành trong tương lai.
Ngoài ra, ban lãnh đạo LIC dự định thế chấp 100% phần vốn góp và bảo lãnh thanh toán cho doanh nghiệp này như là các biện pháp bảo đảm bổ sung cho đợt phát hành trái phiếu.
Về KĐTM Thịnh Liệt, theo quyết định số 3649/QĐ-UBND ban hành ngày 17/9/2007, LIC đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt cho phép sử dụng 351.618 m2 đất (tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai) để triển khai dự án này.
Quá trình triển khai trực tiếp lại gặp nhiều khó khăn và chậm trễ tiến độ, tới ngày 20/7/2016, LIC đã bàn giao lại cho công ty con là Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi để tiếp tục thực hiện dự án.
Licogi đã "đổ" bao nhiêu tiền vào dự án KĐTM Thịnh Liệt?
Việc đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc vào dự án KĐTM Thịnh Liệt mà không thu được kết quả rõ ràng, phần nào là nguyên nhân khiến LIC rơi vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính kể cả sau khi đã được cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2018, LIC đã hạch toán chi phí phát sinh lũy kế cho dự án này lên tới 886,92 tỷ đồng, trong đó bao gồm 290,733 tỷ đồng là chi phí lãi vay được vốn hóa.
Tuy nhiên, các khoản chi phí lãi vay liên quan đến dự án được kiểm toán viên liên tiếp đưa ra ý kiến ngoại trừ trong các năm gần đây do “không thể thu thập thông tin cần thiết để xác định giá trị chi phí lãi vay đã được vốn hóa” và việc thự hiện hạch toán các khoản mục liên quan của LIC cũng chưa tuân thủ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16.
Bên cạnh đó, dự án KĐTM Thịnh Liệt cũng được LIC sử dụng làm tài sản thế chấp cho hoạt động vay vốn tại ngân hàng. Đó là khoản vay dài hạn của LIC với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Mã CK: VPB) có dư nợ gốc 349,3 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2018) nhằm mục đích phát triển dự án này và mua sắm tài sản.
Sức khỏe tài chính của LIC bên cạnh mối nghi ngờ về "khả năng hoạt động liên tục" của kiểm toán viên, cũng đặt ra dấu hỏi lớn về khả năng tiếp tục thực hiện dự án KĐTM Thịnh Liệt trong thời gian tới.
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) riêng bán niên 2018 (đã xoát sét), tính đến cuối Quý 2/2018, công ty mẹ - LIC ghi nhận các khoản nợ phải trả là 2.269 tỷ đồng (trong đó tổng nợ vay và thuê tài chính là 1.157 tỷ đồng), gấp 4,4 lần so với vốn chủ sở hữu. Lỗ lũy kế là 392,88 tỷ đồng, chiếm 44% vốn điều lệ của Công ty mẹ - LIC.
Nếu xét đến BCTC hợp nhất bán niên 2018 (đã soát xét), sức khỏe tài chính của LIC sẽ còn “kém sắc” hơn với tỷ lệ nợ phải trả gấp 9 lần vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, LIC còn thông qua công ty con tạm ứng cho Ban Quản lý dự án KĐTM Thịnh Liệt số tiền là 55 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban Giám đốc LIC sau khi đánh giá khả năng thu hồi của khoản tạm ứng này là thấp nên đã tiến hành trích lập dự phòng 100%.
Đó chỉ là một vài biểu hiện cho thấy tình trạng khó khăn đang xảy ra tại dự án KĐTM Thịnh Liệt mà LIC đang gặp phải.
Trái ngược với tình cảnh của công ty mẹ, cơ cấu tài chính của công ty con trực tiếp quản lý dự án là Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi lại có nhiều điểm sáng hơn.
Theo báo cáo tài chính tóm tắt đi kèm với tờ trình phát hành thêm của LIC, tính đến ngày 31/12/2017, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 900 tỷ đồng trên tổng tài sản là 1.052 tỷ đồng.
Dù cơ cấu nguồn vốn không có nhiều dư nợ vay, nhưng nếu so quy mô của đợt phát hành trái phiếu là 4.000 tỷ đồng thì áp lực trả nợ vẫn sẽ sẽ là rất lớn và khó khả thi đối với công ty này. Mặt khác, với tình trạng tài chính đang gặp nhiều khó khăn, công ty mẹ cũng khó lòng có thể hỗ trợ cho Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi thực hiện chi trả gốc và lãi trái phiếu đến hạn.
Tuy nhiên, dù khó khả thi là vậy, quyền quyết định vẫn sẽ chủ yếu tập trung vào 3 cổ đông lớn (tính đến 30/6/2018) của LIC là Bộ Xây dựng (40%), Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông (35%) và Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường (19,24%). Các cổ đông khác chỉ chiếm 5,05% vốn điều lệ.
Nếu các cổ đông lớn vẫn đồng thuận giữ lại dự án này, thì việc thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu là điều có thể hiểu được.
Trong một diễn biến có liên quan, ban lãnh đạo LIC cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT với ông Vũ Nguyên Vũ (theo nguyện vọng cá nhân) và bầu bổ sung ông Nguyễn Thanh Hợp (sinh ngày 1/3/1979, trình độ chuyên môn là Kỹ sư Xây dựng) thay thế vị trí này.
Ông Vũ Nguyên Vũ còn đóng vai trò là Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật tại Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi./.