Lầu Năm Góc xác nhận bắt đầu huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Patriot tại Mỹ vào tuần tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lầu Năm Góc đã xác nhận quân đội Mỹ sẽ huấn luyện các binh sĩ quân đội Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại căn cứ Fort Sill, bang Oklahoma.
Lầu Năm Góc xác nhận sẽ bắt đầu huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Patriot trên đất Mỹ (Ảnh: Sputnik).
Lầu Năm Góc xác nhận sẽ bắt đầu huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Patriot trên đất Mỹ (Ảnh: Sputnik).

Sau khi các cơ quan truyền thông Mỹ như CNN, VOA đưa tin về vấn đề này, ngày 10/1/2023, Thư ký Báo chí Quốc phòng, Chuẩn tướng Pat Ryder đã chính thức thông báo tại một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc rằng khóa huấn luyện diễn ra tại căn cứ Fort Sill có thể bắt đầu "nhanh nhất là vào tuần tới."

Ông Ryder nói: "Khóa huấn luyện sẽ chuẩn bị cho khoảng 90 đến 100 quân nhân Ukraine biết cách vận hành, bảo trì và bảo dưỡng hệ thống phòng không này, khóa huấn luyện dự kiến ​​sẽ kéo dài trong vài tháng". Ông cũng cho biết thêm rằng hệ thống Patriot này, có thể trang bị một đại đội tên lửa sẽ gia tăng khả năng cho Ukraine và giúp người dân Ukraine chống lại các cuộc không kích liên tục của Nga.

Fort Sill là nơi đứng chân của Trường Pháo binh dã chiến Lục quân Mỹ.

Ông Ryder cho biết Mỹ sẽ tìm cách "rút ngắn thời gian huấn luyện" để các binh sĩ Ukraine có thể trở lại chiến trường sớm nhất.

Ông Ryder tuần trước đã phát biểu, Lầu Năm Góc đang xem xét các lựa chọn khác nhau cho việc huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng tên lửa Patriot "bao gồm có thể tiến hành tại Mỹ, ở nước thứ ba hoặc kết hợp cả hai."

Trang web CNN đưa tin Lầu Năm Góc xác nhận sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng Patriot trên đất Mỹ.

Trang web CNN đưa tin Lầu Năm Góc xác nhận sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng Patriot trên đất Mỹ.

Vào tuần trước Lầu Năm Góc cũng tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine 50 xe chiến đấu Bradley như một phần của đợt viện trợ quân sự mới lớn chưa từng có để giúp Ukraine chống lại “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (10/1), ông Ryder cũng cho biết khóa huấn luyện về sử dụng xe chiến đấu Bradley sẽ là một phần của khóa huấn luyện đa binh chủng hợp thành cho người Ukraine sẽ được tiến hành ở Đức.

Theo một tài liệu chính thức được các quan chức Mỹ chia sẻ với VOA trước khi thông báo tin này: những chiếc chiến xa Bradley sẽ được trang bị kèm mấy trăm tên lửa chống tăng TOW và hàng trăm nghìn viên đạn.

" Bradley không phải là xe tăng, nó là sát thủ xe tăng", ông Ryder cho biết vào thứ Sáu tuần trước (6/1). "Điều này sẽ tăng cường đáng kể năng lực thiết giáp vốn đã rất ấn tượng của Ukraine, điều mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp ích cho họ trên chiến trường."

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine đã diễn ra được gần một năm và các nhà lãnh đạo NATO cùng EU đã tăng cường cam kết cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến và các trang thiết bị quân sự khác.

Lính Mỹ bắn thử tên lửa Patriot (Ảnh: US Army).

Lính Mỹ bắn thử tên lửa Patriot (Ảnh: US Army).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với các phóng viên hôm thứ Ba (10/1), bà tin rằng Ukraine nên có tất cả các thiết bị quân sự cần thiết để tự vệ "bởi vì họ vẫn đang bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế."

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sau khi kết thúc hội nghị ở Brussel, khi cùng bà Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel gặp gỡ giới báo chí, đã bày tỏ hoan nghênh Mỹ, Đức và Pháp gần đây thông báo về kế hoạch cung cấp cho Ukraine các loại xe bọc thép mới. Ông nhấn mạnh cần đặt trọng tâm là cung cấp việc huấn luyện, sửa chữa và bảo đảm đạn dược cho các hệ thống vũ khí hiện có mà các đồng minh đã chuyển giao cho quân đội Ukraine.

Ông Stoltenberg nói: "Các nước đồng minh NATO và các thành viên EU đã vét cạn kho dự trữ để hỗ trợ Ukraine, họ làm như vậy là đúng vì đó cũng là vấn đề an ninh của chúng ta, và tất nhiên chúng ta cần sử dụng khả năng, kho dự trữ, đạn dược của mình để hỗ trợ Ukraina."

Ông nói thêm rằng mặc dù quân đội Ukraine có thể gây tổn thất cho quân đội Nga nhưng không nên đánh giá thấp Nga. Theo ông, Tổng thống Nga Putin không có dấu hiệu thay đổi "các mục tiêu tổng thể của cuộc chiến tàn bạo chống lại Ukraine”.

Ông Stoltenberg nói: "Chính quyền Moscow muốn một châu Âu khác. Họ muốn khống chế các nước láng giềng, họ coi dân chủ và tự do là mối đe dọa"; "Điều này sẽ có những hậu quả lâu dài đối với an ninh của chúng ta, vì vậy chúng ta phải tiếp tục củng cố các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương quan trọng của NATO. Chúng ta phải tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác giữa NATO và Liên minh châu Âu. Chúng ta phải tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ của mình đối với Ukraine."

Hãng thông tấn Sputnik của Nga, ngày 10/1 đưa tin, Đài truyền hình CNN dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, việc huấn luyện các quân nhân Ukraine cách sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Mỹ có thể bắt đầu vào tuần tới.

Kênh truyền hình CNN dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết: "Người Ukraine đang chuẩn bị bắt đầu được huấn luyện sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Mỹ vào đầu tuần tới".

Khóa huấn luyện sẽ diễn ra tại Fort Sill, một căn cứ của Lục quân Mỹ ở Oklahoma. Một trong bốn trung tâm huấn luyện lớn của Lục quân Mỹ và Trường Huấn luyện Pháo binh dã chiến của Lục quân được đặt tại căn cứ Fort Sill.

Vào đêm trước chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Zelensky tới Washington, một hệ thống tên lửa phòng không Patriot đã được đưa vào danh mục đợt viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine.

Theo CNN, Mỹ sẽ cung cấp hệ thống tên lửa Patriot, bao gồm thiết bị phát điện, máy tính, hệ thống kiểm soát tham chiến và tối đa 8 bệ phóng. Hệ thống được vận hành bởi khoảng 90 binh sĩ và phải mất vài tháng để huấn luyện sử dụng. Trong khi Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng không "tiên tiến và hiệu quả nhất", các chuyên gia cảnh báo rằng nó "sẽ không thay đổi cuộc chơi" vì tầm bắn hạn chế và thực tế là người Ukraine phải mất nhiều thời gian để học cách sử dụng nó.

50 chiếc Bradley "Sát thủ xe tăng" sẽ được Mỹ cung cấp cho Ukraine trong đợt viện trợ mới nhất (Ảnh: Sohu).

50 chiếc Bradley "Sát thủ xe tăng" sẽ được Mỹ cung cấp cho Ukraine trong đợt viện trợ mới nhất (Ảnh: Sohu).

Lầu Năm Góc đã bác bỏ khả năng đưa quân đội Mỹ tới Ukraine, hứa sẽ hoàn tất việc huấn luyện binh lính Ukraine cách sử dụng tên lửa này trong vòng vài tháng. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết việc Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine là nhằm kéo dài cuộc xung đột.

Sau đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý cung cấp cho Kiev các trang thiết bị hạng nặng. Đức tuyên bố sẵn sàng cung cấp xe chiến đấu bộ binh Marder và hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Nga trước đó đã gửi công hàm tới tất cả các nước, kể cả Mỹ, về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Lavrov chỉ ra rằng bất kỳ vật tư nào chứa vũ khí cho Ukraine đều sẽ trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của quân đội Nga. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, các nước NATO đang "đùa với lửa" khi cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Peskov chỉ ra rằng việc chuyển vũ khí từ phương Tây sang Ukraine sẽ không giúp ích gì cho cuộc đàm phán Nga-Ukraine thành công và sẽ có những tác động tiêu cực.