Lầu Năm Góc thành lập nhóm đặc nhiệm “Tiger Team” để ứng phó Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mới đây, Lầu Năm Góc đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để điều tra vấn đề kém hiệu quả của Mỹ trong việc bán thiết bị quân sự cho các nước khác, tuyên bố động thái này nhằm chống lại ảnh hưởng Trung Quốc.
Lầu Năm Góc đã thành lập một nhóm đặc nhiệm chuyên về vấn đề bán vũ khí cho nước ngoài nhằm đối phó Trung Quốc (Ảnh: Thepaper).
Lầu Năm Góc đã thành lập một nhóm đặc nhiệm chuyên về vấn đề bán vũ khí cho nước ngoài nhằm đối phó Trung Quốc (Ảnh: Thepaper).

Theo The Wall Street Journal, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks đã ký một bản ghi nhớ vào tháng trước để thành lập lực lượng đặc nhiệm được gọi là "Tiger Team" (Đội Hổ). Nhóm công tác này do Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Chính sách Sarah Baker và Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Mua sắm và Chi viện Bill Laplante đồng chủ trì, thành viên bao gồm các đại diện từ các quân binh chủng khác nhau và các quan chức khác của Bộ Quốc phòng.

"Tiger Team" sẽ nghiên cứu cách đơn giản hóa quy trình và đẩy nhanh việc bán máy bay không người lái, súng pháo, trực thăng, xe tăng và các loại vũ khí trang bị khác cho các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ. Một quan chức Bộ Quốc phòng nêu ví dụ các quan chức Hoa Kỳ tiếp cận các quốc gia về việc mua máy bay không người lái có thể được đào tạo để giúp khách mua soạn thảo tài liệu tốt hơn và tránh việc mua bán bị cản trở bởi các yêu cầu ban đầu quá rộng hoặc các mối lo ngại về an ninh khác.

Một quan chức cấp cao nói: “Đây đều là những bước cố định trong quy trình này và chúng tôi đang nghiên cứu cách loại bỏ những vấn đề kém hiệu quả, để thích hợp cho tất cả các quốc gia mà chúng tôi hợp tác”.

Bài viết liên quan trên The Wall Street Journal.

Bài viết liên quan trên The Wall Street Journal.

The Wall Street Journal chỉ ra rằng vấn đề kém hiệu quả liên quan đến quy trình mua bán vũ khí phức tạp của Mỹ. Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm thực hiện hầu hết chương trình bán vũ khí cho nước ngoài của Hoa Kỳ, nhưng nó được Bộ Ngoại giao giám sát và tất cả các dự án bán vũ khí cho nước ngoài cuối cùng đều phải có sự chấp thuận của Quốc hội. Ngoài ra, đối với một số hệ thống vũ khí, Lầu Năm Góc sẽ chỉ phê duyệt hợp đồng mỗi năm một lần, vì vậy các đơn đặt hàng bị trễ thời hạn sẽ bị đẩy sang chu kỳ tiếp theo.

Theo bài báo, các nhà lập pháp, ngành công nghiệp quốc phòng và các quan chức chính phủ Hoa Kỳ từ lâu đã cho rằng việc bán vũ khí cho nước ngoài cần phải tránh rủi ro, làm chậm tiến độ và việc bán các vũ khí liên quan đến "công nghệ nhạy cảm" thường bị trì hoãn trong nhiều năm. Nhưng sự chậm chạp cũng có thể làm dấy lên nghi ngờ của các quốc gia mà Mỹ muốn lôi kéo về việc liệu Mỹ có thực sự muốn bán vũ khí thiết bị hay không, điều này có thể buộc họ phải tìm đến những người bán khác.

Tuy nhiên, để tìm lý do cho kế hoạch tăng tốc bán vũ khí, các quan chức Mỹ đã chuyển sang Trung Quốc. Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, Nga là đối thủ lâu năm của Mỹ trong việc bán vũ khí toàn cầu, nhưng các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt trong các lĩnh vực như chip đã khiến ngành công nghiệp quốc phòng của Nga chịu nhiều áp lực. Do đó, Lầu Năm Góc coi Trung Quốc là "đối thủ chủ yếu" trong việc bán vũ khí.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks (Ảnh: AP).

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks (Ảnh: AP).

Các quan chức Mỹ nói rằng, với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng cạnh tranh toàn cầu với Mỹ, Mỹ cần phải tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ của mình với những người mua tiềm năng. Nhưng khả năng phát triển vũ khí tiên tiến của Trung Quốc với chi phí thấp hơn đã đặt ra “mối đe dọa” đối với “lợi thế cạnh tranh” của Hoa Kỳ trên thị trường mua bán vũ khí toàn cầu.

The Wall Street Journal cũng dẫn một báo cáo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết từ năm 2010 đến năm 2020, Trung Quốc đã xuất khẩu tổng cộng khoảng 17 tỉ USD vũ khí thông thường, trong đó 77% được bán cho các quốc gia châu Á.

Nhưng một số người trong ngành công nghiệp, chính phủ và Quốc hội Mỹ vẫn lo ngại về những thách thức mà ngành công nghiệp quân sự Hoa Kỳ phải đối mặt. Báo này cho biết, việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine đã dẫn đến tình trạng "thiếu hụt đáng lo ngại" đối với kho dự trữ vũ khí của Mỹ. Các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng gặp phải tình huống tương tự khi họ "hào phóng" cung cấp cho Ukraine một lượng lớn vũ khí sau khi nhận được cam kết sẽ bổ sung vũ khí của Mỹ.

Một số quan chức cũng lo ngại rằng "Tiger Team" của Lầu Năm Góc không đủ khả năng giải quyết tất cả các vấn đề, bởi nguyên nhân sâu xa là các vấn đề về thể chế và tình trạng thiếu lao động trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Một quan chức Mỹ cho biết: “Thiết kế ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ hiện hoàn toàn khác so với hồi Thế chiến II. Họ sẽ không bắt đầu sản xuất vì chúng tôi yêu cầu; trong tay họ phải có một bản hợp đồng rồi mới ra tay”.

Ông Vedant Patel, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ (Ảnh: Whitehouse).

Ông Vedant Patel, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ (Ảnh: Whitehouse).

Trong một diễn biến khác, Hoa Kỳ mới đây đã tuyên bố bán số vũ khí trị giá hơn 1,1 tỷ USD cho Đài Loan, khiến Bắc Kinh đe dọa trả đũa. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel hôm 6/9 đã khẳng định lại sự hỗ trợ quốc phòng của Mỹ đối với Đài Loan khi được hỏi về vấn đề này tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Vedant Patel khi được các phóng viên hỏi về vấn đề này đã trả lời: Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan là vì mục đích phòng ngự, vốn đã xảy ra trong nhiều thập kỷ và "Trung Quốc không có lý do gì để đưa ra những phản ứng này."

Ông Patel nói, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan không chỉ phù hợp với các cam kết dài hạn theo Luật Quan hệ Đài Loan mà còn phù hợp với chính sách "Một Trung Quốc" của Mỹ và Mỹ sẽ "tiếp tục đáp ứng nhu cầu phòng vệ của Đài Loan" trên cơ sở của các chính sách này. Ông chỉ ra rằng qua xem xét Trung Quốc đang gia tăng sức ép đối với Đài Loan, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp các thiết bị quân sự cho Đài Bắc.

Nhưng Patel cũng nói rằng trong khi hỗ trợ Đài Loan, Mỹ cũng sẽ giữ cho các kênh liên lạc với Bắc Kinh luôn mở.

60 tên lửa chống hạm Harpoon được Mỹ bán cho Đài Loan lần này (Ảnh: Đông Phương).

60 tên lửa chống hạm Harpoon được Mỹ bán cho Đài Loan lần này

(Ảnh: Đông Phương).

Nói về mức độ mà chất lượng và số lượng vũ khí của Hoa Kỳ bán cho Đài Loan bị ảnh hưởng do mức độ đe dọa mà Đài Loan phải đối mặt từ Trung Quốc, Patel cho biết Mỹ đang “cung cấp cho Đài Loan các sản phẩm và dịch vụ quốc phòng cần thiết để cho phép họ duy trì khả năng tự vệ cần thiết”. Ông nói thêm rằng từ năm 2010 đến nay, cơ quan hành pháp Hoa Kỳ đã thông báo cho Quốc hội các dự án bán vũ khí cho Đài Loan với tổng trị giá hơn 35 tỉ USD.

Ngoài Bộ Ngoại giao Mỹ, Nhà Trắng cũng đưa ra phản ứng mới nhất về việc bán vũ khí cho Đài Loan. Theo Hãng thông tấn Đài Loan CNA, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết tại một cuộc họp báo, một số vụ mua bán vũ khí của Hoa Kỳ phản ánh đánh giá của Hoa Kỳ về nhu cầu quốc phòng hiện tại của Đài Loan và mối đe dọa từ Trung Quốc, điều này sẽ giúp tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan.

Ông Kirby chỉ ra rằng trong và sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào đầu tháng 8, hành động của Bắc Kinh càng khiến Hoa Kỳ tin tưởng hơn rằng vũ khí cung cấp cho Đài Loan có thể giúp Đài Loan tự vệ tốt hơn.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 2/9 thông báo đã chấp thuận bán vũ khí trị giá 1,16 tỉ USD cho Đài Loan, bao gồm 355 triệu USD cho 60 tên lửa hành trình chống hạm Harpoon; 85,6 triệu USD cho hơn 100 tên lửa không đối không Sidewinder và 665 triệu USD cho các nhà thầu hỗ trợ bảo trì và nâng cấp hệ thống radar cảnh báo đã hoạt động từ năm 2013. Hệ thống này do công ty Raytheon của Mỹ chế tạo có thể đưa ra cảnh báo sớm về các cuộc tấn công tên lửa.

Đây là thương vụ bán vũ khí thứ sáu và lớn nhất cho Đài Loan của Mỹ dưới thời chính quyền Biden.

Sau chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, PLA đã liên tiếp tập trận quanh Đài Loan và cho máy bay, tàu chiến vượt qua Đường trung tâm eo biển (Ảnh: Đông Phương).

Sau chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, PLA đã liên tiếp tập trận quanh Đài Loan và cho máy bay, tàu chiến vượt qua Đường trung tâm eo biển (Ảnh: Đông Phương).

Cùng ngày 6/9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi cũng đưa ra phản ứng mới nhất về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Theo trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Đàm Khắc Phi đã lên án mạnh mẽ Hoa Kỳ và đưa ra cảnh báo. Ông chỉ ra rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "một Trung Quốc" và ba thông cáo chung Trung-Mỹ, đặc biệt là "Thông cáo ngày 17/8".

Ông cáo buộc Hoa Kỳ "làm gia tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan", và nhiều lần từ chối lời hứa không ủng hộ "Đài Loan độc lập", đồng thời "đẩy mạnh quan hệ quân sự với các nhà cầm quyền Đảng Dân Tiến (DPP)".

Đàm Khắc Phi nhắc lại rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối, đồng thời yêu cầu Mỹ hủy bỏ ngay kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan và chấm dứt ngay lập tức quan hệ quân sự giữa Mỹ và Đài Loan. Ông đồng thời bày tỏ “PLA sẽ tiếp tục luyện binh chuẩn bị chiến đấu, kiên quyết đánh bại mọi hình thức can thiệp của thế lực bên ngoài và mưu đồ chia rẽ của thế lực ‘Đài Loan độc lập’”.

Trước đó, ông Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ngày 3/9 đã ra tuyên bố nói Đài Loan là "một phần không thể tách rời" của lãnh thổ Trung Quốc và yêu cầu Mỹ "rút bỏ ngay" dự án bán vũ khí.

Theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự trên vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan. Thông cáo báo chí của “Bộ Quốc phòng” Đài Loan cho biết, tính đến 5 giờ chiều ngày 6/9, đã phát hiện 5 tàu chiến Trung Quốc và 8 máy bay quân sự Trung Quốc xuất kích, trong đó có 3 máy bay quân sự vượt qua đường trung tâm giữa eo biển.