Liên quan tới lĩnh vực kinh tế tại khu vực Đông Bắc Á, tờ Le Figaro đánh giá sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng là một thách thức đối với Ngân hàng Thế giới, RFI đưa tin.
50 nước tham gia vào AIIB, đây là thành công chưa từng có đối với ngành ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, nhằm khẳng định vị trí của quốc gia này trong lục địa Châu Á đang phát triển. Mục tiêu của tổ chức này là đáp ứng nhu cầu về hạ tầng ngày càng tăng tại khu vực, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng địa-chính trị của Trung Quốc.
Tăng cường xây dựng hệ thống đường cao tốc, đường sắt hay mạng lưới viễn thông sẽ giúp Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa và đạt được lòng trung thành của các chính phủ trong khu vực, đang bị kẹp giữa hai cường quốc Trung-Mỹ.
Một giáo sư tại đại học Phục Đán (Fudan) đánh giá: "Các quốc gia này đang trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa. Chúng tôi có thể cung cấp cho họ kinh nghiệm thành công của mình thu được từ 40 năm mở cửa kinh tế và phát triển. Đã tới lúc Trung Quốc phổ biến mô hình của mình".
Cùng với quỹ Con đường Tơ lụa và Ngân hàng Phát triển mới, AIIB là ngân hàng thứ ba đồng thời là cánh tay chủ lực chính giúp Trung Quốc phát triển tham vọng trên. Ngân hàng này sẽ mang lại luồng khí mới cho các tập đoàn xây dựng Trung Quốc đang phải đối mặt với lượng cầu giảm do tăng trưởng kinh tế của nước này chững lại. AIIB cũng sẽ là công cụ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh.
Để trấn an các thành viên phương Tây, Bắc Kinh cam kết đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động mời thầu hay các tiêu chuẩn về môi trường và chính trị. Washington kêu gọi đồng minh gây ảnh hưởng ngay trong nội bộ AIIB.
Về phía mình, các quốc gia phương Tây, thông qua tổ chức tài chính này, muốn mở thêm một lối vào các nước Châu Á đang phát triển. Thế nhưng, chiếm tới 50% số vốn, với tổng đầu tư 50 tỷ USD, Bắc Kinh sẽ giữ vai trò chủ đạo tại AIIB.
Theo: BizLive