Bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình gần đây rằng vì lệnh trừng phạt của Mỹ, bà không thể có tài khoản ngân hàng, nên đã phải giữ lương của mình dưới dạng tiền mặt ở nhà. Kết quả là gia đình bà có "cả đống tiền mặt".
Do Hồng Kông thực hiện Đạo luật An ninh Quốc gia, từ tháng 8 năm nay Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 quan chức cấp cao ở Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục chịu trách nhiệm về các vấn đề Hồng Kông, trong đó có bà Carrie Lam, coi đây là biện pháp đáp trả việc Trung Quốc của áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.
Theo các tin tức công khai, lương của giám đốc điều hành Hong Kong là một trong những mức cao nhất trong số các nhà lãnh đạo của các quốc gia và khu vực trên thế giới. Phát ngôn của bà Carrie Lam đã lập tức làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Bà Carie Lam và 4 quan chức Hồng Kông trong ảnh đã bị chính phủ Mỹ trừng phạt vì thực thi Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông (Ảnh: Reuters). |
Giám đốc điều hành Hồng Kông lương cao
Là Đặc khu trưởng Hồng Kông, mức lương hàng năm của bà Carrie Lam vào khoảng 5,2 triệu (HKD) đô la Hồng Kông (670 ngàn USD), và lương tháng của bà là khoảng 400 ngàn HKD (51.600 USD). Theo Ming Pao (Minh Báo), lương tài khóa 2020/2021 của bà cụ thể là 5,21 triệu HKD, tức mỗi tháng 43 ngàn.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Sáu (ngày 27/11) với kênh tiếng Anh Đài Truyền hình Kinh tế và Tài chính quốc tế Hồng Kông (Hong Kong International Finance and Economics, HKIBC) Carrie Lam cho biết bà phải chi tiêu bằng tiền mặt hàng ngày.
Carrie Lam nói với HKIBC: “Ngồi trước mặt bạn là Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông không có bất cứ tài khoản ngân hàng nào”, “tôi phải dùng tiền mặt hàng ngày mua tất cả mọi thứ, nhà tôi có cả đống tiền mặt”. Carrie Lam cũng cho biết vì không có tài khoản ngân hàng nên chính quyền đặc khu chỉ có thể trả lương cho bà bằng tiền mặt.
Đồng thời Carrie Lam cho biết thêm rằng bà rất "vinh dự" khi bị chính phủ Mỹ "trừng phạt một cách không công bằng". Theo lệnh trừng phạt của Mỹ công bố đầu tháng 8/2020, Carrie Lam và 10 quan chức Trung Quốc, Hồng Kông khác sẽ bị phong tỏa mọi tài sản và quyền lợi ở Mỹ. Nếu không được phê chuẩn đặc biệt, họ không được tiến hành các giao dịch với người Mỹ hoặc trong lãnh thổ Mỹ,không thể mua hay bán bất cứ hàng hóa, cổ phiếu hay dịch vụ nào của Mỹ.
Khi đó, bà Carrie Lam từng bày tỏ, bà không sợ Mỹ trừng phạt vì không có bất cứ tài sản nào ở Mỹ, cũng không có ý định tới Mỹ. Sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, bà lại nói không sợ nó, nhưng cũng gây ra một số bất tiện cho bà và người thân.
Bà Carrie Lam nói, không sợ Mỹ trừng phạt vì không có bất cứ tài sản nào ở Mỹ, cũng không có ý định tới Mỹ (Ảnh: Toutiao). |
Tranh cãi về Luật An ninh Quốc gia
Vào tháng 7 năm nay, Trung Quốc bắt đầu thực hiện Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi ở Hồng Kông. Những người chỉ trích cho rằng luật này đe dọa quyền tự do ngôn luận và quyền tự trị ở Hong Kong.
Việc thực thi Luật An ninh Quốc gia giúp chính quyền Hồng Kông dễ dàng trừng phạt những người biểu tình hơn và mọi người lo lắng rằng điều đó có thể đe dọa đến nền tư pháp độc lập của Hồng Kông.
Với lý do này, vào tháng 8/2020, Mỹ đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với 11 quan chức của Hồng Kông và Văn phòng Trung ương tại Hồng Kông, bao gồm cả việc niêm phong và tịch thu tài sản của họ tại Mỹ.
Sau khi Mỹ tuyên bố trừng phạt 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, các quan chức này lần lượt lên tiếng chỉ trích hành động của Mỹ, cũng nói họ không có tài sản ở Mỹ và sẽ không đến Mỹ du lịch nên sẽ không bị ảnh hưởng.
Tại sao các ngân hàng Trung Quốc bó tay bất lực?
Tuy nhiên điều dư luận đặt câu hỏi là tại sao các ngân hàng vốn của Trung Quốc đều bất lực, không thể mở tài sản cho bà Carrie Lam?
Sau khi nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc đăng lại lời bà Carrie Lam nói “chỉ có thể sử dụng tiền mặt sau khi bị Mỹ trừng phạt”. Trên mạng xã hội Weibo, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã phản đối "sự bá chủ tài chính" của Mỹ; một số khác bức xúc nêu câu hỏi: "Không có ngân hàng Trung Quốc nào ở Hồng Kông sao?" "Cả Trung Quốc không có ngân hàng nào cung cấp dịch vụ cho Trưởng quan đặc khu của Trung Quốc sao?"
BBC tiếng Trung giải thích, Hiệp hội Liên ngân hàng và tài chính toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication, SWIFT) là hệ thống truyền thông tin tài chính giữa các tổ chức tài chính kiểm soát hơn 80% các khoản thanh toán xuyên biên giới trên thế giới, được coi là hệ thống tài chính xuyên biên giới do đồng đô la Mỹ kiểm soát và là công cụ mạnh mẽ để Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính trên phạm vi toàn cầu.
SWIFT là một tổ chức hợp tác do các ngân hàng toàn cầu đồng sở hữu, hội đồng quản trị không quá 25 người và mỗi quốc gia có không quá 2 đại diện của 2 ngân hàng, như Citibank và JP Morgan Chase của Mỹ, Deutsche Bank của Đức, BNP Paribas của Pháp, Ngân hàng Lloyds của Vương quốc Anh và Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) đều nằm trong số 25 ghế trên, đại diện cho quyền lợi của người dùng SWIFT ở các quốc gia của họ.
Tính đến tháng 12 năm 2019, dữ liệu SWIFT cho thấy đồng đô la Mỹ chiếm 42,2% thương mại toàn cầu (gần bằng tổng của các đồng euro, bảng Anh và đồng Yên cộng lại).
Do các quy định ràng buộc của SWIFT, các ngân hàng của Hồng Kông và Trung Quốc đều không thể mở tài khoản cho bà Carrie doleenhj trừng phạt của Mỹ (Ảnh: Reuters). |
Địa vị thống trị tuyệt đối của đồng đô la Mỹ đã trở thành công cụ đắc lực để Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính. Chỉ cần Mỹ quyết tâm trừng phạt một quốc gia hoặc thực thể nào, họ có thể trực tiếp cắt đứt kết nối giữa các tổ chức tài chính (hoặc đại lý tương ứng của đồng đô la Mỹ) với hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đô la Mỹ (CHIPS), khiến họ không thể thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến đồng đô la Mỹ.
Vì vậy, nếu Mỹ tuyên bố trừng phạt đối với một cá nhân hoặc tổ chức nào đó, hầu như tất cả các ngân hàng quốc tế trên thế giới đều phải kiểm tra xem họ có giao dịch kinh doanh với những người hoặc tổ chức bị trừng phạt hay không.
Tất cả các ngân hàng Trung Quốc, dù lớn hay nhỏ, đều cần ngăn chặn hoạt động kinh doanh quốc tế của họ bị ảnh hưởng bởi các giao dịch kinh doanh của họ với những người, công ty hoặc tổ chức bị Mỹ trừng phạt. Các ngân hàng quy mô lớn của Trung Quốc để hoạt động kinh doanh tài chính quốc tế không bị ảnh hưởng cũng không thể vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các ngân hàng ở các nước như Iran và Triều Tiên bị Mỹ trừng phạt tài chính nên các hoạt động thương mại quốc tế của họ bị ảnh hưởng lớn.
Trước đó, tờ South China Morning Post của Hồng Kông cũng dẫn lời ông Jeremy Paner, cựu quan chức Office of Foreign Assets Control (Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng bên ngoài thường đánh giá thấp hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của Mỹ cho rằng họ sẽ không bị ảnh hưởng nếu không có tài sản ở Mỹ, nhưng thực tế lại khác.