Lần đầu tiên phát hiện loại ung thư gây tàn tật cho khủng long

VietTimes – Qua việc nghiên cứu một con khủng long đã chết khoảng 76 triệu năm trước, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại ung thư ác tính có thể khiến loài vật này tàn tật.
Loài khủng long ăn cỏ này sống cách chúng ta khoảng 76 triệu năm
Loài khủng long ăn cỏ này sống cách chúng ta khoảng 76 triệu năm

Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí The Lancet Oncology, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xác định được sự hiện diện của một loại ung thư ác tính có thể di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể của một con khủng long.

Loài khủng long được đề cập ở trên đã sống cách đây khoảng 77 triệu đến 76 triệu năm, ở khu vực ngày nay là Canada. Nó thuộc về loài Centrosaurus apertus — một loại khủng long có sừng, ăn cỏ, bốn chân, có chiều dài khoảng 5,4 mét.

Xác của loài khủng long đặc biệt này được phát hiện lần đầu vào năm 1989 tại Dinosaur Provincial Park, Alberta, Canada. Vào thời điểm đó, các nhà cổ sinh vật học nhận thấy một trong số những xương cẳng chân của mẫu vật – xương mác – bị biến dạng nghiêm trọng. Họ đã xác định đây là kết quả của một vết gãy xương đang lành lại.

Tuy nhiên, sau khi nhận thấy những đặc điểm bất thường của xương trong chuyến đi thăm quan mẫu vật tại Bảo tàng Hoàng gia Tyrrell vào năm 2017, nhóm các nhà khoa học của Bảo tàng Hoàng gia Ontario và Đại học McMaster đã quyết định nghiên cứu lại hóa thạch bằng các phương pháp hiện đại, trong đó có chụp CT độ phân giải cao.

Từ phân tích trên, nhóm nghiên cứu kết luận rằng con khủng long đã mắc phải căn bệnh ung thư xương ác tính tăng triển (aggressive cancer), hay còn gọi là u xương (osteosarcoma) ở phần xương mác. Điều này đã lý giải cho những biến dạng kỳ lạ ở xương mác.

Mark Crowther, Giáo sư Bệnh học và Y học Phân tử, đồng thời là tác giả của nghiên cứu từ Bảo tàng Hoàng gia Ontario, cho biết: “Việc chẩn đoán ung thư tăng triển ở loài khủng long như thế này là rất khó, đòi hỏi chuyên môn y học và nhiều cấp độ phân tích để xác định chính xác. Ở đây, chúng tôi thấy dấu hiệu không thể nhầm lẫn của căn bệnh ung thư xương tăng triển ở loài khủng long có sừng 76 triệu năm tuổi. Thật thú vị".

U xương là một loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào hình thành xương, và thường xuất hiện ở xương dài, chẳng hạn như xương chân, mặc dù nó có thể xuất hiện ở bất kỳ phần nào của bộ xương.

Ông David Evans, một nhà cổ sinh vật học, cho biết: “Xương ống chân cho thấy bệnh ung thư tăng triển đã ở giai đoạn cuối. Căn bệnh này có thể khiến khủng long bị liệt và rất dễ trở thành con mồi của khủng long bạo chúa”.

“Thực tế là loài khủng long ăn thực vật này sống trong một bầy đàn lớn, được bảo vệ, nên đã cho phép nó tồn tại lâu hơn bình thường với căn bệnh quái ác như vậy”, ông Evans nói thêm.

Mặc dù được chẩn đoán là u xương nhưng có vẻ như con khủng long đã chết trong một trận lũ lụt cùng với một bầy khủng long số lượng lớn.