Trang tin Đa Chiều ngày 28/6 đưa tin, tờ "Quan Điểm" của Nga ngày 25/6 đã đăng bài nhan đề "Nga đang kiếm lợi trên cơ sở Trung Quốc và Ấn Độ không muốn nhượng bộ lẫn nhau", cho biết Trung Quốc là bên đầu tiên nói về cuộc đàm phán giữa lãnh đạo quân đội hai nước Trung-Ấn tại Moscow. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 24/6 thông báo vắn tắt “Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã gặp nhau khi tới Nga tham dự cuộc diễu binh nhân Ngày Chiến thắng ở Moscow từ ngày 22 đến 23/6”. Hãng tin Nga TASS dẫn lời các nhà ngoại giao nói rằng các Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý hạ cấp cuộc xung đột và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Bài báo của “Quan Điểm” cho biết phía Ấn Độ chưa bình luận về kết quả của các cuộc đàm phán ở Moscow. Phân tích của The Wall Street Journal cho rằng cuộc xung đột Trung-Ấn có thể thúc đẩy sự hợp tác Mỹ-Ấn trong lĩnh vực quân sự. Nhưng Ấn Độ đã thể hiện sự mong muốn mở rộng hợp tác với Nga. Phía Ấn Độ yêu cầu Nga tăng tốc độ chuyển giao hệ thống phòng không S-400 và mua thêm 33 máy bay chiến đấu mới của Nga. Các cơ quan truyền thông Ấn Độ thậm chí gọi chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới Nga lần này là "đại mua sắm hàng Nga".
Giữa lúc quan hệ Trung - Ấn đang căng thẳng, Nga đã quyết định bán 33 máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-30 cho Ấn Độ (Ảnh: Sohu).
|
Alexey Kupriyanov, một chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã chấp nhận một cuộc phỏng vấn độc quyền với báo “Quan Điểm”. Khi trả lời câu hỏi: "Nga bán S-400 cho Ấn Độ và máy bay chiến đấu cho Ấn Độ liệu có mạo phạm Bắc Kinh không?", ông Kupriyanov nói: “Tại sao lại không bán? Mối quan hệ của chúng ta với Ấn Độ thậm chí còn quan trọng hơn quan hệ với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc là đối tác chiến lược của Nga, thì Ấn Độ là ‘đối tác chiến lược đặc quyền’. Ấn Độ cũng là nước đối tác mua vũ khí lớn nhất của chúng ta, Trung Quốc ít hơn họ hai lần”.
Kupriyanov nói rằng các cuộc đàm phán về việc bán các máy bay chiến đấu này đã được tiến hành trong nửa năm và người Ấn Độ luôn muốn bổ sung đội máy bay của họ. Những máy bay này không đủ để thay đổi cán cân quân sự giữa New Delhi và Bắc Kinh. Còn đối với S-400, đó là vũ khí phòng thủ. Ấn Độ chỉ muốn sử dụng nó để bao phủ tất cả các không phận có thể xuất hiện những điều ngoài ý muốn. Dù sao, Bắc Kinh cũng không yêu cầu Moscow không bán vũ khí cho New Delhi
Kupriyanov cuối cùng nói rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không hiểu các tín hiệu được gửi đi bởi đối phương. Khi cần phải ngồi xuống và đàm phán, hai bên đều chơi một trò chơi đối đầu đầy dã tâm, điều này làm giảm đáng kể sự tin tưởng lẫn nhau. Bây giờ cả hai bên đều đã rút quân để tránh làm bên kia cảm thấy bất an. Nhưng đây rõ ràng không phải là sự kết thúc của cuộc xung đột, chẳng bên nào hoàn toàn rút quân.
Chuyên gia Nga Alexey Kupriyanov: Nga coi trọng quan hệ với Ấn Độ hơn với Trung Quốc (Ảnh: AP)
|
Đồng thời, tờ The Hindu của Ấn Độ ngày 25/6 đưa tin, một nguồn tin quốc phòng nói rằng sự đồng thuận đạt được giữa các chỉ huy quân sự Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 22/6 về việc thoát ly tiếp xúc (hai bên cùng rút quân đối đầu) đã không được thực hiện và người này nói thêm rằng "cả hai bên đều chờ đợi và quan sát lẫn nhau”.
Nguồn tin quan chức quốc phòng này nói: "Đây là chờ đợi và theo dõi, chứ không nhanh chóng kết thúc (đối đầu). Chúng ta cần phải thận trọng theo dõi với những kết quả lạc quan đạt được trong các cuộc đàm phán”.
Trong bài báo phân tích về vai trò của Nga trong bối cảnh đối đầu ở biên giới Trung - Ấn hiện nay, trang BBC tiếng Trung ngày 26/6 viết, sau khi xảy ra vụ xung đột hôm 15/6, Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Tổng thống Liên bang Nga, ông Peskov nói Điện Kremlin bày tỏ lo ngại về vấn đề này, nhưng tin rằng hai bên có thể có biện pháp ngăn chặn tình trạng đó xảy ra lần nữa.
Peskov nói rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là đối tác thân thiết và ở mức độ nào đó cũng là đồng minh của Nga; đều là những quốc gia có quan hệ rất chặt chẽ, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau với Nga.
Quan hệ Trung - Ấn hiện đã lâm vào tình trạng xấu nhất kể từ nhiều năm qua (Ảnh: trt.net).
|
Những lời lẽ của người Nga dường như có tác dụng. Trong vài ngày sau, các Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã tổ chức một cuộc họp ba bên thông qua cầu truyền hình. Mặc dù vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ không phải là một chủ đề chính, nhưng đã đồng ý rằng các Bộ trưởng Quốc phòng của ba nước sẽ có cuộc hội đàm đầu tiên trong năm nay sau khi dịch bệnh dịu bớt.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hóa và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh được mời đến Nga để quan sát cuộc diễu binh tại Quảng trường Đỏ nơi cả hai nước đều cử đội quân tới tham gia.
Các động thái ngoại giao trên đây dường như cho thấy ảnh hưởng to lớn của Nga đối với Trung Quốc và Ấn Độ. Liệu ông Putin ở hậu trường có hòa giải được mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang mạnh mẽ buộc tội lẫn nhau? Những gì Tổng thống Donald Trump không thể làm, liệu Vladimir Putin Đại đế có thể làm được. Mối quan hệ hiện tại giữa Nga với Trung Quốc và Ấn Độ dường như rất gắn bó.
Bài báo của BBC viết, so với Trung Quốc, nước đã vượt qua Nga về ảnh hưởng kinh tế và quốc tế, Ấn Độ ở xa về phía tây. Mặc dù dân số sắp trở thành số một thế giới, sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này yếu hơn Trung Quốc rất nhiều. Đối với Moscow, New Delhi yếu hơn. Do đó, Nga tuân thủ chiến lược “viễn giao cận công” về địa chính trị. Trong tam giác Trung Quốc-Nga-Ấn Độ, Nga thích gần gũi với New Delhi hơn.
Về mặt chính trị, một Ấn Độ độc lập với Mỹ và Trung Quốc và có ảnh hưởng quốc tế (nhưng không cần phải mạnh mẽ) phù hợp với ván cờ châu Á của Nga.
Về kinh tế, ngành công nghiệp vũ khí Nga là một trụ cột kinh tế lớn ngoài ngành năng lượng quốc gia. Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí Nga nhất. Kim ngạch thiết bị quân sự Nga xuất khẩu sang Ấn Độ chiếm hơn một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu thiết bị quân sự trong những năm gần đây; trong khi vũ khí và thiết bị của Ấn Độ nhập khẩu từ Liên Xô và Nga chiếm hơn 60% tổng số vũ khí, bao gồm tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, máy bay chiến đấu và tên lửa và các vũ khí tiên tiến khác.
Không giống như những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc, Nga phóng tay trang bị cho Ấn Độ và các hệ thống vũ khí xuất khẩu sang Ấn Độ thường tiên tiến hơn so với bán cho Trung Quốc. Nga cam kết sẽ hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm với Ấn Độ và trực tiếp chuyển nhượng công nghệ một số tên lửa siêu thanh và công nghệ máy bay chiến đấu cho Ấn Độ. Bởi vì Nga không cần phải lo lắng rằng Ấn Độ, nước không có nhiều khả năng trong nước, một ngày nào đó có thể vượt qua mình.
Ảnh vệ tinh cho thấy quân đội hai bên Trung - Ấn tập trung rất đông tại khu vực Thung lũng Galwan (Ảnh: Đa Chiều).
|
Trái lại, va chạm ở biên giới Trung-Ấn đã giúp sự kết hợp này. Khi cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn xảy ra, Không quân Ấn Độ đã ngay lập tức đẩy nhanh việc mua thêm 21 máy bay chiến đấu MiG-29 và 12 máy bay Su-30 của Nga.
Ngoài ra, Nga đã tăng nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên và điện hạt nhân cho Ấn Độ, nơi đang rất cần năng lượng, trong những năm gần đây.
Quan hệ mậu dịch với tỷ lệ cao và sâu rộng trong mua bán vũ khí và năng lượng tự nhiên cho phép Moscow kiểm soát mối quan hệ Nga-Ấn Độ, khiến họ không phải lo lắng về nước láng giềng số một bên dãy Hymalaya. Đồng thời, qua đó ngăn Ấn Độ không bị phương Tây khống chế và Nga cũng sử dụng điều này để phá vỡ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây đối với Nga.
Sự tham gia của Nga vào việc hòa giải Trung - Ấn, ban đầu là đứng ngoài cuộc, bán vũ khí, rồi sau đó đứng ra tổ chức đàm phán ngoại giao, có vẻ là lựa chọn đã được tính toán rất kỹ lưỡng.