Làm rõ ‘Phương án Thái Bình Dương’ của Trung Quốc (Phần I)

Những hành động gần đây của Trung Quốc khiến dư luận quốc tế thực sự lo lắng và theo dõi chặt chẽ. Tập trận, xây đảo nhân tạo cùng các hoạt động khác đang làm rõ dần một ‘Phương án Thái Bình Dương’ của nước này trong giai đoạn hiện nay.
Làm rõ ‘Phương án Thái Bình Dương’ của Trung Quốc (Phần I)

Thực hiện mở rộng các đảo nhân tạo

 Ngày 26/3 vừa qua, Ngoại trưởng Phillippine đã bày tỏ sự lo ngại và cho rằng Trung Quốc đang muốn chiếm trọn Biển Đông với hành động cải tạo các đảo và rạn san hô.

Ngày 31/3 Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Harry Harris Jr. cho rằng, thực sự đáng lo ngại với việc Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng ở quy mô lớn chưa từng có ở Biển Đông.  

Trung Quốc đang xây dựng những vùng đất nhân tạo bằng việc bơm cát vào những bãi san hô sống và đổ bê tông lên trên. Trung Quốc hiện giờ đã thiết lập được 4km vuông đảo nhân tạo” ở Biển Đông, Biển Đông vốn nổi tiếng về những hòn đảo tự nhiên tuyệt đẹp nhưng “đối ngược hoàn toàn lại, Trung Quốc đang xây dựng một bức tường cát với những máy nạo vét và máy ủi trong suốt nhiều tháng qua”. 

Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tập trận không quân ở vùng biển rất xa lục địa thuộc Tây Thái Bình Dương

Ngày 30/3, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố hình ảnh đoàn máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới cùng đội ngũ phi công sau đợt tập trận. Trong lần tập trận này, không quân Trung Quốc cho máy bay bay qua eo biển Ba Sĩ (giữa Philippines và quần đảo Orchird Đài Loan) rồi bay quay lại.

Trung Quốc tuyên bố cuộc tập trận lần này nhằm nâng cao năng lực tác chiến của không quân, tăng cường tính lưu động và khả năng chiến đấu, là việc mà các “nước lớn” thường làm, nằm trong kế hoạch tập trận thường niên của quân đội nước này.   

Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên quân đội Trung Quốc cho biết “Đây là lần đầu tiên Lực lượng phòng không của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa PLA thực hiện các trận thao diễn trên không cách xa bờ biển ngoài khơi Trung Quốc như vậy”.  Theo nhận định của các hãng tin lớn, động thái này rất có thể gây thêm căng thẳng cho các nước láng giềng.

Trước đó, từ hôm 11/2 Không quân Trung Quốc cũng đã có các động thái di chuyển lực lượng máy bay tới phía nam.  

Tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không?

Năm 2013, Trung Quốc cũng đã công bố “vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)” trên vùng biển đang có tranh chấp với Nhật Bản. Động thái này gặp phải sự chỉ trích kịch liệt từ phía Nhật Bản và Mỹ. Truyền thông Nhật Bản nhận định rằng Bắc Kinh đang có ý định cân nhắc một vùng nhận dạng phòng không tương tự như vậy trên vùng biển Đông.

Tháng 10/2014 giới lãnh đạo quốc phòng và an ninh Philippines cho rằng khả năng Trung Quốc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông - tương tự như những gì họ đã làm trên Biển Hoa Đông - không còn xa.

Hồi tháng 9/2014, nhật báo “The Philippine Star” dẫn lời một số quan chức an ninh cao cấp của Philippines, lên tiếng báo động rằng các hoạt động cải tạo địa hình và xây dựng cơ sở trên các thực thể mà Bắc Kinh chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa là tín hiệu dự báo việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Quan chức an ninh của Philippines dẫn chứng với các nghiên cứu quân sự cũng như dữ liệu quan sát liên tục thu thập được đã xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo và bồi đắp các rạn san hô trên Biển Đông là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thiết lập ADIZ trong khu vực.

Theo VnMedia