Theo TS. Cấn Văn Lực, quốc gia nào cũng muốn tìm được điểm tối ưu, vừa kiểm soát lạm phát, vừa tăng trưởng kinh tế. Ở Mỹ, nhà điều hành chính sách cũng muốn kiểm soát lạm phát và giữ cho nền kinh tế không rơi vào suy thoái. Để đưa ra các chính sách phù hợp, cần phải so sánh lạm phát do yếu tố chi phí đẩy, chính sách tiền tệ hay do cả hai yếu tố này.
Vị chuyên gia này cho rằng, một số nước đang ở đỉnh hoặc đã qua đỉnh lạm phát. Trong khi đó, lạm phát ở Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh, còn độ trễ, và sẽ chịu áp lực trong những tháng cuối năm bởi yếu tố cầu kéo.
Một phần nguyên nhân là do việc tính rổ CPI của Việt Nam có sự khác biệt so với nhiều nước. Cùng với đó, chính phủ đã thực hiện bình ổn giá xăng, dầu; bình ổn giá lương thực, thực phẩm; và giá nhà ở - những nhóm mặt hàng đóng góp tới 80-90% vào chỉ số lạm phát ở Việt Nam.
"Trong năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, tác động tới hoạt động xuất khẩu và đầu tư", ông Lực nói. Cũng theo vị chuyên gia này, vẫn cần phải duy trì công cụ hạn mức tín dụng trong thời điểm hiện tại và trong tương lai gần. "Trong 1-2 năm tới, cần nghiên cứu bỏ công cụ này và thay bằng các công cụ khác có tính thị trường hơn, gián tiếp hơn", ông Lực cho biết.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) – cho hay, việc đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giá hàng hoá thô toàn cầu tăng cao khiến chi phí vận tải và đầu vào sản xuất của Việt Nam tăng, đẩy áp lực lạm phát tăng cao.
Cụ thể, CPI bình quân 8 tháng đầu năm tăng 2,58% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 1,67% của bình quân 8 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng bình quân 8 tháng các năm 2018 – 2020. "Nếu so sánh với lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu thì kết quả này là một thành công trong kiểm soát giá cả của chính phủ", ông Việt đánh giá./.