Lạm phát kỷ lục 40 năm, dân Anh xoay sở với "bão giá"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giảm mua thịt, tích trữ xà phòng giặt, lựa chọn những món đồ giá rẻ hơn... tình trạng lạm phát cao ở Anh đang khiến nhiều người dân nước này phải lựa chọn hy sinh nhiều thứ.
Lạm phát ở Anh đã tăng 10,1% trong tháng 7, so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982 (Ảnh: Reuters)

Lạm phát ở Anh đã tăng 10,1% trong tháng 7, so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982 (Ảnh: Reuters)

Stacey Smith với lấy một hộp nhà từ kệ trong siêu thị ở London, sau đó gọi điện cho người hàng xóm đã nhờ cô mua hộ.

“Nó lên giá thêm 20 pence rồi,” cô nói. “Anh có muốn mua nữa không?”

Người hàng xóm của cô chấp nhận mức gia tăng, điều mà bản thân Smith – một trợ giảng và là người mẹ đơn thân nuôi 3 đứa con – khó có thể chấp nhận được khi đi mua sắm. Sau khi mua trà, cô lại đến Aldi, một siêu thị có mức giá rẻ hơn, để mua đồ cho gia đình mình.

Trong những tháng gần đây, khi giá cả tăng đột biến ở Anh, Smith đã phải giảm lượng thịt trong khẩu phần ăn, thêm mì pasta và sốt để bù vào. Những đứa con của cô cũng phải ngừng tham gia lớp học bơi, bản thân cô phải hạn chế mua các loại đồ ăn vặt và ít lui tới các sàn bowling để giải trí so với trước.

“Chúng tôi cần tiền để mua thức ăn,” Smith nói, và cho hay mức lương hàng tháng của cô là 1.200 bảng (khoảng 33 triệu đồng). “Trước đây, chúng tôi vẫn có thể sống tốt với khoản tiền đó. Giờ chúng tôi đang chìm dần theo đúng nghĩa.”

Ở Anh, lạm phát đã tăng 10,1% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982. Nhiều người dân Anh, đặc biệt là nhóm dễ tổn thương, những người phải gánh chịu tác động của lạm phát, đã phải hy sinh nhiều thứ: thường xuyên nói “không” khi con cái họ đòi mua thứ gì, thường xuyên phải đi lùng hàng giảm giá ở nhiều siêu thị khác nhau, đứng xếp hàng trước cửa ngân hàng thực phẩm, và phải tự thỏa hiệp với sức khỏe của chính họ.

Nhiều người Anh lo ngại rằng các nhà lãnh đạo nước họ sẽ không lèo lái đất nước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tăng dần. Chính phủ hiện đang trong quá trình chuyển tiếp lãnh đạo, trong đó Thủ tướng Boris Johnson chuẩn bị cho một người kế nhiệm mình, dự kiến được công bố vào ngày 5/9 tới. Quốc hội Anh hiện cũng không làm việc, và mùa nghỉ lễ vẫn đang diễn ra, trong đó Thủ tướng Johnson được nhiều người trông thấy đang đi nghỉ ở Hy Lạp vào cuối tuần trước – kỳ nghỉ thứ hai của ông trong vài tuần gần đây.

Trong bối cảnh đó, nhiều người dân chật vật đương đầu, và thường bị buộc phải đưa ra những lựa chọn đầy khó khăn.

Ở Iceland, bên trong một siêu thị giá rẻ chuyên về thực phẩm đông lạnh, Tainara Graciano, quản gia 51 tuổi đến từ London, mang theo một giỏ hàng gồm 2 giỏ trứng và thịt gà hạ giá đang sắp hết hạn sử dụng. Bà phải giảm lượng nước đóng chai mua về do giá cả gia tăng chóng mặt.

“Nó uống nhiều nước lắm,” bà Graciano nói về những chai nước, và nhìn vào cậu con trai 11 tuổi của mình. Sau đó bà chỉ vào một chiếc giỏ còn trống đến một nửa của mình và nói, “Cách đây 5 tháng, tôi phải mua gấp đôi chỗ này.”

Người dân Anh phải đi siêu thị nhiều hơn trước để săn hàng giá rẻ (Ảnh: Shutterstock)

Người dân Anh phải đi siêu thị nhiều hơn trước để săn hàng giá rẻ (Ảnh: Shutterstock)

Dọc tuyến phố, Arwen Joseph, 47 tuổi, đang đi mua sắm thực phẩm cho gia đình tại cửa hàng giá rẻ Poundland.

Cô Joseph, đang được hưởng trợ cấp của chính phủ và đôi lúc phải tới ngân hàng thực phẩm, cho hay ngày càng khó để mua được thực phẩm an toàn thích ứng được với chứng dị ứng của cô. Kết quả là cô phải giảm mua các loại hàng hóa khác.

“Trước đây cháu thường mua kem và trà sủi bọt mỗi tuần một lần,” cô con gái 9 tuổi của Joseph, Georgia Gold, nói. “Giờ cháu không được mua nhiều nữa.”

Tình nguyện viên làm việc tại các ngân hàng thực phẩm nói rằng họ không ngờ đến tình trạng này sẽ xảy ra, bởi vậy mà giờ phải làm việc rất vất vả khi phải tiếp nhận lượng người lớn đến đề nghị giúp đỡ.

Solomon Smith, chủ của Bếp ăn Súp Brixton ở phía Nam London, chuyên cung cấp các suất ăn nóng và dịch vụ ngân hàng thực phẩm cho những người cần tới, nói rằng số lượng người sử dụng dịch vụ của cơ sở này đã tăng hơn gấp đôi trong những tháng gần đây.

“Nhiều người nói với chúng tôi rằng họ đã không được ăn uống đầy đủ trong suốt nhiều ngày,” ông nói. “Một số người còn buộc phải đi ăn trộm ở cửa hàng. Những người khác không biết họ có nên thanh toán hóa đơn khí đốt hay ăn nữa hay không.”

Bản thân ngân hàng thực phẩm này cũng không thoát được tầm ảnh hưởng của lạm phát. Họ phải cắt giảm số lượng suất ăn nóng và giảm lượng thực phẩm mua về, trong khi lượng thực phẩm họ được người dân quyên góp cũng giảm, theo ông Smith.

“Chúng tôi không có đủ thức ăn để phân phát cho mọi người,” ông nói. “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tuần tới nữa.”

Người dân trên khắp nước Anh đều đang phải đối mặt với những vấn đề giống nhau.

Tại ngân hàng thực phẩm Blackburn, miền Bắc nước Anh, ngày càng có thêm nhiều nhân công toàn thời gian đứng xếp hàng bởi mức lương của họ không theo kịp mức tăng của lạm phát.

“Nhiều người cảm thấy sốc khi phải tìm đến đây,” Gill Fourie, quản lý hoạt động tại ngân hàng thực phẩm Blackburn, nói. “Nhiều người thậm chí không có khí đốt và điện để nấu nướng,” bà nói, đề cập tới giá năng lượng hộ gia đình tăng cao và được dự báo sẽ lên tới 3.500 bảng (98.600.000 đồng) mỗi năm tính trong tháng 10, gấp 3 lần so với 1 năm trước. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng cơ sở này vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Ngay cả những người ở tình thế ít bị tổn thương hơn cũng phải quản lý chặt chẽ vấn đề tiền nong.

“Tôi rất thích một chút tương cà Mutti, nhưng không mua nổi,” Melanie McHugh, nữ diễn viên, nói khi nhìn vào những lon tương cà bên trong một siêu thị ở phía Nam London. Cô nói rằng cô chuẩn bị làm món shakshuka, một món rau có thể dự trữ trong vài ngày. Cô bắt đầu tìm kiếm loại tương cà giá rẻ hơn để thay thế.

Cô McHugh đã phải ngừng mua bơ do giá tăng cao, và phải lựa chọn một loại xúc xích giá rẻ.

“Tôi nhận thức rằng bản thân mình vẫn còn may mắn,” cô nói. “Nhưng tôi cũng nhận thức được rằng thói quen của tôi đã thay đổi.”

Chính phủ Anh đã chi khoảng 15 tỉ bảng để hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất. Cô Smith, mẹ đơn thân nuôi 3 đứa con, cho hay cô đã nhận được khoảng 300 bảng trong tháng này. Cô cũng dự trữ một chút xà phòng giặt, nhưng nói rằng điều đó chưa đủ để xoa dịu nỗi lo của cô. Smith bắt đầu tính đến việc bán xe hơi và kiếm thêm một công việc lau dọn vào mỗi dịp cuối tuần.

“Tôi không hề thích làm điều đó,” cô nói. “Nhưng cần phải làm mọi thứ có thể để sống sót.”

Theo New York Times