“Lá bài Trung Quốc” trong cuộc chiến bầu cử Mỹ

VietTimes -- Liệu Trung Quốc muốn bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump trở thành Tổng thống? Cả hai ứng viên có thể đều không đồng tình về nhiều thứ nhưng cả hai đều có vẻ rất thống nhất trong việc chống Trung Quốc trong đó Trump là người hùng hổ hơn cả, South China Morning Post phân tích.
Cuộc đấu Clintron-trump đang bước vào giai đoạn quyết định
Cuộc đấu Clintron-trump đang bước vào giai đoạn quyết định

Ứng viên Đảng Cộng hòa này đã buộc tội Trung Quốc cướp đi việc làm của người Mỹ, làm giảm giá trị đồng tiền của nước này để gian lận trên thương mại toàn cầu và không kiềm chế Triều Tiên.

Trong khi đó ứng viên Đảng Dân chủ lại cam kết sẽ đưa ra những biện pháp cứng rắn tới những cuộc tấn công an ninh mạng từ Trung Quốc và các nước khác. “Đánh bại Trung Quốc” luôn là chủ đề hấp dẫn trong các cuộc tranh biện tổng thống Mỹ trong hơn hai thập kỷ gần đây và tiếp tục được coi là đặc trưng trong những cuộc đụng độ sắp tới giữa hai ứng viên.

Đối phó với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng mạnh lên của Trung Quốc sẽ là một trong những thách thức phức tạp nhất mà Tổng thống Mỹ sắp tới phải đối mặt, do đó Trung Quốc rất hứng thú xem ai trong số hai người này sẽ có ích hơn trong việc đảm bảo quan hệ Trung – Mỹ, mối quan hệ được cho là có tác động lớn nhất giữa hai nước trên thế giới, và đưa mối quan hệ này tiếp tục phát triển theo hướng hợp tác thay cho đối đầu.

Các lãnh đạo Trung Quốc đã tránh việc lên gân mặc cho những cuộc tấn công ngày càng mạnh hơn của cả hai ứng viên về phía Trung Quốc. Tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra lời đáp chuẩn mực trong cuộc họp với các giám đốc điều hành hàng đầu của Mỹ ở New York bằng việc nói rằng quan hệ Trung- Mỹ sẽ được cải thiện, dù cho ai được bầu cử đi chăng nữa.

Giới lãnh đạo Trung Quốc từ đâu đã chấp nhận rằng “chống Trung Quốc” là một phần của việc làm tăng sợ hãi và xu hướng giật gân giúp định hình các cuộc tranh biện tổng thống, theo đó các bài diễn thuyết cứng rắn của các ứng viên có thể không đi vào thực tiễn và người chiến thắng thường giữ vị thế trung lập một khi đã bước chân vào phòng Bầu Dục.

Một trong hai người ít hung hăng hơn chính là kết quả tốt nhất mà lãnh đạo Trung Quốc có thể hy vọng nhưng việc quyết định lựa chọn giữa Clinton và Trump lại có thể khó khăn, ít nhất là đánh giá từ những bài diễn thuyết của họ về Trung Quốc.

Bà Clinton thường được biết đến với lập trường cứng rắn về vấn đề nhân quyền và hệ thống chính trị của Trung Quốc. Thời còn là ngoại trưởng dưới thời Obama, bà từng được coi là người dẫn đầu chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ trong bước tính nhằm ngăn chặn sự phát triển và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc  trong khu vực.

Cho dù tổng thống Mỹ sắp tới là ai, con bài Trung Quốc vẫn là một chủ đề ưa thích trong các chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ
Cho dù tổng thống Mỹ sắp tới là ai, con bài Trung Quốc vẫn là một chủ đề ưa thích trong các chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ

Ngược lại, khuynh hướng chính trị và ngoại giao của ông Trump lại vẫn chưa được Trung Quốc định hình rõ ràng cho đến khi chiến dịch tranh cử ở Đảng Cộng hòa của ông bắt đầu nhận được sự ủng hộ hồi năm ngoái. Trước đó, ông ta nổi tiếng hơn vì sự xuất sắc của mình, cùng với khối tài sản khổng lồ và kênh truyền hình thực tế.

Từ khi chiến dịch tranh cử của ông Trump bắt đầu, những bình luận thẳng thắn và thái quá của ông về Trung Quốc bao gồm cả việc buộc tội Trung Quốc “cưỡng bức” Mỹ và cam kết áp dụng mức thuế 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã khiến một số quan chức và người dân Trung Quốc lo lắng. Nhưng nhìn chung, ông Trump vẫn còn sự bí ẩn chưa rõ về lập trường chính trị. Cho dù Trump không ngừng tấn công Trung Quốc vì đã tạo ra những cơn khủng hoảng kinh tế với Mỹ nhưng người Trung Quốc vẫn khá hài lòng khi ông Trump thề sẽ bãi bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – một sáng kiến nhằm loại bỏ Trung Quốc và ngăn chặn ảnh hưởng của nước này.

Thêm vào đó, ông Trump liên tục đặt vấn đề về cam kết quân sự của Mỹ trong khu vực vào thời điểm khi lập trường hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ bao gồm cả ở Biển Đông đã tạo sóng gió cho khu vực. Và ông Trump cũng hiếm khi đả động đến hệ thống chính trị hay báo cáo nhân quyền của Trung Quốc.

Theo đó, nhiều người cho rằng Trung Quốc có vẻ thích Trump hơn Clinton. Tất nhiên việc đưa ra giả định này rõ ràng là chưa có gì chắc chắn. Theo chính trị và ngoại giao quốc tế, có vẻ Trung Quốc sẽ dễ đối phó hơn với người mà nước này hiểu rõ.

Lịch sử quan hệ Trung- Mỹ cho thấy quan hệ song phương thường có những bước đột phá khi tổng thống Mỹ là người của Đảng Cộng hòa. Lý do thường được luận giải là vì Đảng Cộng hòa thường ủng hộ kinh tế, giao thương và ít tập trung vào hệ thống chính trị và vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.

Tổng thống Nixon gặp chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1972 với chiến dịch
Tổng thống Nixon gặp chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1972 với chiến dịch "ngoại giao bóng bàn" nối tiếng

Ví dụ như Richard Nixon đã mở đường cho việc nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc bằng chuyến thăm Bắc Kinh năm 1972. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Geogre W.Bush, truyền thông Trung Quốc mô tả quan hệ này là “tốt đẹp nhất” bất chấp sự cố máy bay do thám xảy ra chỉ 10 tuần sau khi ông Bush bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên năm 2001 khiến mối quan hệ hai bên rơi vào mức thấp nhất.

Nhưng Trump lại không phải là một ứng viên tiêu biểu của Đảng Cộng hòa. Điều đó nói lên vì sao nhiều đảng viên kỳ cựu, bao gồm cả gia đình ông Bush và các tập đoàn lớn của Mỹ đã công khai từ chối ủng hộ Trump.