Kỳ thủ Putin "chiếu tướng" Mỹ-phương Tây, Nga dìu Trung Đông theo điệu nhảy
VietTimes -- Động thái của Mỹ với Jerusalem đã mở ra cánh cửa cơ hội cho Nga để nâng cao vị thế như "tay chơi" sáng tạo và tích cực nhất trong chính trị vùng Trung Đông. Chỉ sau 4 ngày khi tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố về Jerusalem, tổng thống Vladimir Putin đã quyết định công du không chính thức tới Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nga đã có tuyên bố chỉ trích quyết định của Mỹ về Jerusalem và khẳng định: "Chúng tôi tin một giải pháp công bằng và bền vững cho tình trạng xung đột kéo dài của Palestine và Israel cần dựa trên nền tảng luật quốc tế, bao gồm các nghị quyết của Hội đồng bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dựa trên mọi khía cạnh về tình trạng lãnh thổ của người Palestine, bao gồm cả tình trạng mong manh của Jerusalem thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp của Palestine - Israel. Lập trường mới của Mỹ về Jerusalem có thể đẩy cao quan hệ phức tạp của Palestine và Israel và tình hình trong khu vực... Nga coi Đông Jerusalem là thủ đô tương lai của nhà nước Palestine và Tây Jerusalem là thủ đô của Israel".
Nga đã tự xác định vị thế của mình tại thế giới Ả rập. Nhưng vấn đề Jerusalem không phải là điều khiến ông Putin tới Cairo. Kremlin nhận thức rõ sự cần thiết "tạo lập sự ổn định và an ninh cho vùng Trung Đông và Bắc Phi". Nghĩa là Nga cần ổn định Libya, bán đảo Sinai, Syria và thêm cả Yemen.
Tổng thống Nga - Vladimir Putin và tổng thống Ai Cập, Sisi
"Hồ sơ Libya" đã được mở lại. IS đang chuyển tới Libya sau những thất bại liểng xiểng tại Iraq và Syria. Nga và Ai Cập đã nhận ra sự khẩn thiết phải huy động nhanh các nguồn lực để đương đầu với các nhóm cực đoan tại Libya. Cả hai đều hậu thuẫn Khalifa Haftar, tổng tư lệnh quân đội Lybia (người đang hùng cứ tại Benganzi) và liên minh Nga và Ai Cập xem là thành trì chống lại chủ nghĩa bạo lực cực đoan tại Libya. Khoảng trống quyền lực tại Libya và mối đe dọa an ninh đang tăng cao tại phía Tây Ai Cập, đe dọa sự ổn định của Ai Cập và uy tín của tổng thống Sisi. Mặt khác, sự can thiệp của Ai Cập vào Libya sẽ thay đổi cán cân quyền lực tại Trung Đông. Và thú vị hơn, những nhà cầm quyền vùng Vịnh cũng đang can thiệp vào khủng hoảng Libya.
Thủ tướng Libya - Fayez al-Sarraj đã tới thăm Nhà Trắng vào ngày 1.12 và ông Trump đã bàn thảo với ông "những cơ hội cho mối quan hệ tương lai" trong khi nhấn mạnh "Mỹ sẽ tiếp tục cam kết tiêu diệt IS và các nhóm khủng bố Jihad khác tại Libya" và "sẽ cùng thúc đẩy sự ổn định và thống nhất của Libya". Song song với ông Trump, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron cũng đón tiếp Sarraj tại Paris. Sarraj thường được gọi là Ashraf Ghani vùng Maghreb - một chính trị gia chịu ảnh hưởng bởi phương Tây (Ashraf Ghani là tổng thống Afghanishtan). Và giữ Nga tách khỏi Libya là chìa khóa chiến dịch của phương Tây (như trường hợp của Afghanishtan).
Tổng thống Mỹ - Donald Trump cùng thủ tướng Libya, Fayez al-Sarraj.
Nga và Ai Cập cũng có lợi ích đặc biệt tại Libya. Đất nước này từng là đồng minh của Liên Xô và có vị trí chiến lược tại vùng Địa Trung Hải đối diện với phía Nam của liên minh NATO. Với Ai Cập, sự mất ổn định tại Lybia sẽ lan ra khắp bán đảo Sinai, điều hiện đang xảy ra. Tham vọng của ông Sisi là sẽ tạo ra chế độ được Ai Cập bảo hộ tại vùng Cyrenaica (Lybia), để chống lại các nhóm cực đoan.
Không cần bàn cãi, với 1.200km biên giới chung với Libya, mối lo ngại về an ninh của Ai Cập là thỏa đáng. Ai Cập cũng là một nước nhập khẩu năng lượng. Tướng Haftar thì đang kiểm soát dầu lửa tại Libya và gã khổng lồ dầu khí Rosneft của Nga đang quay lại Libya. Rõ ràng, nền tảng năng lượng có thể tạo ra mối quan hệ cộng tác tiềm tàng giữa ba bên Nga, Haftar và Ai Cập - mục tiêu thứ hai sẽ là quân đội và an ninh.
Hiển nhiên, Moscow đang trì hoãn nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Libya nhưng cũng có quan hệ với chính quyền của Sarraj ở Tripoli. Điều này, mở ra khả năng Moscow sẽ xác lập vị thế là người môi giới giữa những đối thủ cạnh tranh tại Lybia - Sarraj và Haftar. Chủ yếu để thay đổi những tổn thất về kinh tế do Libya thay đổi chế độ vào năm 2011, được ước tính là khoảng 10 tỷ USD với các hợp đồng về đường sắt, các dự án xây dựng, những thỏa thuận về năng lượng và các hợp đồng quân sự.
Phương Tây sẽ thận trọng với những gì ông Putin không làm với họ tại Syria và đồng thời "chiếu tướng" họ ở Lybia. Tình thế Libya có những đặc thù riêng nhưng cuộc cạnh tranh quyền lực tại đây đang tăng tốc. Washington có thể có vị thế tốt hơn ở Lybia kể từ khi các đồng minh NATO có phần trong miếng bánh tại đây. Nhưng tất cả các kèo đặt cược sẽ bị hủy bỏ khi ông Putin nhảy vào trung tâm cuộc chơi.
Để có vai trò hiệu quả về quân sự và an ninh để ổn định Lybia, Nga cần một đồng minh trong khu vực. Ông Putin thích một mối quan hệ gắn bó với tổng thống Sisi. Còn Washington cũng sẽ có những con bài riêng của họ.