Kỳ bí lăng mộ cổ: 'Ám ảnh' ngôi mộ cổ ở công viên Tao Đàn

Đầu năm 2016, một tấm bảng đồng công nhận 'Di tích lịch sử' đã được các cơ quan chức năng ở TP.HCM gắn cho ngôi mộ cổ trong công viên Tao Đàn, TP.HCM - công viên cách đây 3 năm bỗng nhiên 'được' trang du lịch Rough Guides xếp vào danh sách 27 'địa điểm ám ảnh nhất thế giới'.
Ngôi mộ cổ bí ẩn trong công viên Tao Đàn - Ảnh: H.Đ.N
Ngôi mộ cổ bí ẩn trong công viên Tao Đàn - Ảnh: H.Đ.N

Rough Guides (có trụ sở tại Anh) mô tả về công viên Tao Đàn: “Với 10 ha vườn rợp bóng cây cao, công viên Tao Đàn (Q.1) tạo cơ hội cho cư dân TP.HCM thoát khỏi những đường phố tấp nập xe cộ. Nhưng khi mặt trời lặn, nhiều người dân địa phương khó mà thư giãn trọn vẹn tại đây. Người ta đồn rằng hồn ma của một thanh niên bị giết chết trong một vụ thanh toán vẫn còn lởn vởn trong công viên để tìm kiếm người yêu bị thất lạc của mình”... Vì vậy nhiều người lập tức nghĩ tới ngôi mộ cổ bí ẩn đã tồn tại 200 năm nay trong khu vực công viên.

Nếu xuôi theo đường Trương Định (một chiều) băng ngang công viên Tao Đàn thì ngôi mộ cổ nằm phía bên phải, cách đường khoảng 35 m, gần trụ sở của Công ty công viên cây xanh và rất dễ nhìn thấy. Chúng tôi đã đến đây nhiều lần để tìm hiểu về chủ nhân của ngôi mộ cổ này. Mỗi lần đến, chúng tôi đều thấy ngôi mộ được quét tước, hương hoa tươm tất, chứng tỏ được chăm sóc chu đáo nhưng khi hỏi thì hiện nay ở Sài Gòn rất ít người có thông tin về chủ nhân ngôi mộ.

Đây là ngôi mộ được xây bằng hợp chất ô dước (vôi sống, cát mịn, bột vỏ sò trộn với mật mía...) có cấu trúc dạng lăng song táng, với quy mô khá lớn đã được giới chuyên môn xác định thuộc loại hình mộ phổ biến trong văn hóa Việt từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20. Từ bình phong hậu đến trụ cổng ngoài của ngôi mộ dài nhất 11,2 m; rộng nhất là 7,6 m. Lối vào mộ có các trụ cột đài sen hình khối chữ nhật. Mặt trước và phía trong của thân trụ có những ô hộc trang trí. Mộ bao gồm tiền sảnh, sân thờ và nhà mộ. Người vào viếng mộ phải “chui” qua một vòm cổng hẹp và thấp (chỉ cao khoảng 1,4 m). Có lẽ, những người xây dựng mộ muốn ai vào khu mộ này đều phải khom mình cúi đầu trước anh linh những người đã khuất cũng như xây thêm bình phong tiền án ngữ ngay trước vòm cổng nhằm che khuất tầm nhìn của những kẻ hiếu kỳ. Bình phong tiền hình chiếu thư khắc bài văn chữ Hán đặt trên bệ đỡ, còn hai bên cổng vòm có vẽ hình dơi (tượng trưng chữ “phúc”) và đôi câu đối bằng chữ Hán.

Nhà bia thể hiện kiểu nhà một gian hai chái. Mái ngói ống đổ trước - sau theo trục mộ với mỗi mái 11 ống ngói. Dọc đòn nóc thể hiện hai khối tượng voi phục châu đầu vào mộ. Một bia đề: “Đại Nam. Hiển khảo trọng giang (?) Ất Mùi (vị) (?) thu quyên (?) chủ húy tự trường Lâm Tam Lang chi mộ” - tức mộ cha là con trai thứ ba Lâm gia. Bia kế bên là: “Hiển tỷ... chủ lâm nguyên thất... chi mộ” - dịch nghĩa là mộ mẹ... vợ nhà họ Lâm. Nhà mồ liên kết nhà bia qua một rãnh máng nước. Mái lợp 10 ống ngói, viền đòn nóc và đặc biệt có đắp gờ hình đầu rồng và ngẫu tượng voi phục cách điệu.

Sát vách tường bao bên phải còn một mộ nhỏ tương truyền là của thuộc tướng bị bại trận đã tự sát và được chôn theo chủ nhân mộ chính.

Theo một số tài liệu hiếm hoi thì đây là mộ ông Lâm Tam Lang, tự “Nguyên thất”, mất vào mùa thu Ất Mão (1795) và bà Mai Thị Xã - vợ ông. Ông Lâm người gốc Quảng Đông, theo dòng người Hoa lánh sang VN khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh, lấy vợ người bản xứ (người Việt, họ Mai). Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu căn cứ vào 2 chữ “Đại Nam” đầu bia để nhận định đây là quốc hiệu nước ta từ thời vua Minh Mạng nên mộ không thể xây trước năm 1838 (là năm vua đặt lại quốc hiệu), cho nên mộ có thể được xây dựng vào năm 1895. Trong Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010 - 2020 của Sở VH-TT-DL TP.HCM cũng ghi mộ cổ họ Lâm trong công viên Tao Đàn, được xây dựng năm 1895.

Ông Lâm Tam Lang được một số tài liệu xác định là ông tổ có hậu duệ đời thứ 4 là cụ Lâm Quang Ky - Phó tướng của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Phó lãnh binh Lâm Quang Ky là người đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng Nhật Tảo. Hậu duệ đời thứ 7 của ông Lâm Tam Lang là ông Lâm Đình Phùng, chính là nhạc sĩ nổi tiếng Lam Phương.

Còn về xếp hạng “địa điểm ám ảnh nhất thế giới” của Rough Guides? Theo chúng tôi, đây chỉ là một chiêu câu khách của trang Rough Guides. Tại công viên Tao Đàn nhiều người đã thức chơi trắng đêm (anh bảo vệ công viên, chú xe ôm, người bán hàng rong... thậm chí cả nhóm sinh viên vào đây học bài hoặc sinh hoạt). Trời chưa tảng sáng, nhiều nhóm đã rộn ràng kéo vào công viên thể dục, làm gì có chuyện ma quỷ!

Ngày 10.4.2014, UBND thành phố quyết định công nhận mộ cổ họ Lâm là di tích lịch sử cấp thành phố vì là một “Tổng thể công trình kiến trúc được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Đây là một trong những ngôi mộ hợp chất có diện tích lớn và kiến trúc đẹp còn lại ở TP.HCM. Sự tồn tại của mộ cổ mang họ Lâm góp phần đáng kể cho ngành khảo cổ học và nghiên cứu khoa học về loại hình mộ cổ của VN”.

Theo Thanh niên