Tuy nhiên, sự lôi kéo, tranh giành ảnh hưởng của nước lớn đặt Việt Nam vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong quan hệ đối ngoại; Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi nhận định trong cuốn sách “Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.
Việt Nam có cơ hội tác động vào tiến trình định hình cấu trúc an ninh và tham gia giải quyết các vấn đề chung tại khu vực
Trong bối cảnh tương quan lực lượng giữa các nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương thay đổi, tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế và trật tự khu vực, ASEAN có cơ hội phát huy vai trò quan trọng trong các xu hướng tập hợp lực lượng mới, đồng thời là một chủ thể chính thúc đẩy hợp tác tại khu vực.
Với vị trí của mình trong ASEAN, Việt Nam đã thông qua các cơ chế, diễn đàn của ASEAN để tác động vào tiến trình định hình cấu trúc an ninh tại khu vực, thể hiện trước hết qua việc tích cực đưa ra sáng kiến, xây dựng và duy trì các nguyên tắc, chuẩn mực chung của ASEAN và luật pháp quốc tế về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề an ninh và quan hệ quốc tế tại khu vực.
Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc (2009 - 2012), ASEAN - EU (2012 - 2015), ASEAN - Ấn Độ (2015 - 2018) và ASEAN - Nhật Bản (2018 - 2021); đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ARF vào năm 2010, là đồng Chủ tịch Nhóm Nhân vật nổi tiếng ARF (EEPs) 2017 - 2018, đồng chủ trì lĩnh vực an ninh mạng thuộc Kế hoạch công tác ARF về Chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia (CTTC) 2016 - 2017.
Việt Nam đã đóng vai trò nòng cốt trong thúc đẩy thành lập cơ chế ADMM+ vào tháng 10/2010 tại Hà Nội, nhằm tạo dựng một khuôn khổ hữu hiệu để đối thoại và hợp tác về các vấn đề quốc phòng và an ninh ở khu vực, với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước Đối tác đối thoại.
Việc đại diện Việt Nam được chọn tham gia Ban Điều hành Nhóm Tầm nhìn APEC sau năm 2020 thể hiện rõ sự đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với vị thế và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong việc tham gia khởi xướng xây dựng, định hình cấu trúc mới ở khu vực. Việt Nam cũng lần đầu tiên có nhân sự trúng cử vào Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019 - 2025, trong đợt bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ngày 18/12/2018) với số phiếu 157/193. Sự kiện này sẽ giúp “Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn, chủ động hơn vào việc định hình luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn thảo luận, đàm phán phù hợp với lợi ích quốc gia và cộng đồng quốc tế”.
Vị thế của Việt Nam trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020 - 2021) và Chủ tịch ASEAN (2020) đem lại cho Việt Nam cơ hội gắn kết các cơ chế khu vực với Liên hợp quốc, thúc đẩy các chương trình nghị sự của ASEAN, hoạt động của các diễn đàn, cơ chế hợp tác an ninh do ASEAN giữ vai trò trung tâm nhằm tăng cường sự phát triển của cấu trúc an ninh tại khu vực góp phần duy trì môi trường hòa bình và hợp tác, đồng thời bảo đảm lợi ích bền vững của quốc gia - dân tộc.
Bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt và các “điểm nóng” luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột từ những căng thẳng leo thang, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và vị thế, uy tín ngày càng cao, Việt Nam có cơ hội để phát huy vai trò trung gian, hòa giải phù hợp với lợi ích, khả năng và điều kiện cụ thể của mình.
Vai trò trung gian, hòa giải được thể hiện ở nhiều phạm vi và mức độ khác nhau như tích cực đóng góp, tìm kiếm giải pháp để giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế và khu vực, góp phần xây dựng lòng tin, giảm bớt nguy cơ tranh chấp, xung đột; làm trung gian, tổ chức các đối thoại, dàn xếp song phương, đa phương, hỗ trợ các hoạt động nhân đạo, tái thiết và phát huy vai trò dẫn dắt trong các diễn đàn, cơ chế đa phương để làm cầu nối, xúc tác, giúp các bên xây dựng lòng tin và hợp tác.
Phát huy tốt vai trò trung gian hòa giải không chỉ đóng góp thiết thực vào hòa bình và ổn định khu vực mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội (tháng 02/2019) làm nổi bật vị thế địa - chiến lược của Việt Nam.
Nghiên cứu viên Lê Hồng Hiệp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak, Xingapo đánh giá: “Sự kiện như thế này có ý nghĩa gấp nhiều lần những khẩu hiệu, các văn kiện... Nó là hành động thực tiễn, và nó xuất phát từ sự lựa chọn của hai bên Mỹ - Triều, thể hiện sự thừa nhận của hai bên đối với vai trò và vị thế của Việt Nam. Trong quan hệ quốc tế, vai trò của một quốc gia không đến từ nỗ lực tuyên truyền của một quốc gia, mà đến từ sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế dành cho vai trò của quốc gia đó”.
Việt Nam là đất nước có hệ thống chính trị ổn định, an ninh được bảo đảm tuyệt đối, sát với Trung Quốc là quốc gia gần gũi với Triều Tiên. Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Việt Nam xuất phát từ nhiều điểm tương đồng về lập trường và chính sách đối ngoại. Việt Nam và Triều Tiên có quan hệ truyền thống từ năm 1950, hai nước có sự gắn kết và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề quốc tế; kinh nghiệm đổi mới thành công của Việt Nam là hình mẫu mà Triều Tiên muốn hướng tới khi thực hiện chiến lược cải cách kinh tế của mình. Đối với Mỹ, Việt Nam là hình mẫu lý tưởng cho việc bình thường hóa quan hệ, từ kẻ thù trở thành đối tác.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực đóng góp vào các hoạt động nhân đạo, hỗ trợ tái thiết trên phạm vi toàn cầu và khu vực như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hỗ trợ Chính phủ Mianma trong vấn đề bang Rakhine... Trong thời gian tới, ở các vị trí quan trọng trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ASEAN, Việt Nam có cơ hội phát huy vai trò của quốc gia trong việc giải quyết, điều phối các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Là tâm điểm cọ xát chiến lược của nước lớn, Việt Nam gặp khó khăn trong quan hệ đối ngoại với nước lớn và xử lý quan hệ nội bộ ASEAN
Địa lý là một trong những nhân tố có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến chính trị quốc tế của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á tiếp giáp toàn phần với Trung Quốc: đất liền, bầu trời, sông ngòi và biển cả. Ở vị trí án ngữ đường tiến xuống phía Nam của Trung Quốc, Việt Nam là đối tượng đầu tiên cần chinh phục của Trung Quốc trong mọi thời đại, và các triều đại Trung Quốc thực hiện ý đồ đó bằng mọi cách, cả bằng chiến tranh và hòa bình.
Đây đồng thời cũng là vị trí quan tâm đầu tiên của các nước lớn khác khi theo đuổi chính sách thù địch với Trung Quốc, trực tiếp là Mỹ. Ở vị trí địa lý nhạy cảm, Việt Nam vừa là đối tác tranh thủ, vừa là đối tượng đấu tranh hàng đầu của các nước lớn trong chính sách kiềm chế lẫn nhau.
Sự vận động cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua những xu hướng tập hợp lực lượng mới và thành lập những thiết chế đa phương mới đặt Việt Nam trở lại một hoàn cảnh như đã từng diễn ra trong quá khứ.
Là trọng điểm cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam gặp thách thức lớn trong việc duy trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, “cân bằng” quan hệ với các nước này. Trước tình trạng quan hệ Mỹ - Trung biến động phức tạp, khó dự báo, Việt Nam đang gặp khó khăn lớn trong xác định ranh giới và điểm cân bằng trong chính sách đối ngoại của mình. Nếu xử lý thiếu khéo léo, thiếu hài hòa, Việt Nam rất dễ đối mặt với các nguy cơ bị “trả đũa” từ các đối tác, đối tượng chủ yếu, dễ bị rơi vào “thế kẹt chiến lược”.
Việt Nam ngày càng khó khăn trong tìm kiếm và duy trì sự đồng thuận ASEAN trong vấn đề Biển Đông trước ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc tại khu vực, và chính sách thực dụng, ngắn hạn của một số nước thành viên ASEAN. Thông qua sử dụng “sức mạnh mềm” kinh tế, Trung Quốc lôi kéo thành công không ít nước thành viên ASEAN, đặt ra thực tế Việt Nam có thể rơi vào thiểu số trong sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ và lợi ích quốc gia chính đáng.
Những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng, kéo dài và có chủ ý nhiều điểm thuộc thềm lục địa Việt Nam, cục diện tình hình Biển Đông vào nửa cuối năm 2019 cho thấy Việt Nam đối mặt với thực tế chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hợp pháp bị đe dọa trực tiếp, thường trực.
Việc Việt Nam và một số nước tìm cách đưa vấn đề trên vào chương trình nghị sự của ASEAN đã gặp phải sự phản đối công khai hoặc ngấm ngầm của một số nước thành viên không có lợi ích trực tiếp trên Biển Đông trong khi lại bị ràng buộc về kinh tế và chính trị với Trung Quốc.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM-13) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan ngày 11/7/2019 đã không đề cập thực tế Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và các tàu khảo sát, hải cảnh của Trung Quốc hoạt động trái luật tại khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philíppin và Malaixia. Tuy nhiên, với sự kiên quyết và khéo léo của Việt Nam, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 31/7/2019 đã ra Tuyên bố chung đề cập tình hình Biển Đông tuy không nêu đích danh Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của Việt Nam với một số nước láng giềng, bạn bè truyền thống như Lào và Campuchia cũng bị suy giảm trước ảnh hưởng gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc thông qua những bước triển khai chiến lược quyết liệt, toàn diện tại những nước này. Trung Quốc tiếp cận riêng rẽ, tác động từng nước thành viên ASEAN ủng hộ chính sách của Trung Quốc tại khu vực, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Điều này đe dọa làm suy giảm môi trường an ninh, không gian sinh tồn và cả vị thế, ảnh hưởng của Việt Nam tại khu vực.
Trong vài năm qua, Lào và Trung Quốc đã ký kết Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh; hai bên cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Hợp tác Đông Á, Hợp tác Lan Thương - Mekong... Campuchia và Trung Quốc đã ký kết văn kiện hợp tác xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”; hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ BRI.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Campuchia là người bạn đặc biệt của Trung Quốc” và “Dù có thế nào thì Trung Quốc vẫn ủng hộ Campuchia, giúp Campuchia”. Ngày 24/4/2019, trong chuyến thăm Campuchia, Chủ tịch Hội Quan hệ quốc tế Trung Quốc Chen Yuan nhấn mạnh, thời gian tới Trung Quốc có thể tiếp tục giúp Campuchia vững chắc và làm cho Campuchia đóng vai trò quan trọng trong ASEAN.
Việc nước lớn gây chia rẽ đoàn kết nội bộ ASEAN là một thách thức lớn đặt ra đối với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và thời gian tiếp theo.