Kỳ 8: Tác động của cấu trúc an ninh khu vực tới vị thế của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vị thế quốc gia tăng lên, Việt Nam có điều kiện thay đổi về chất năng lực bảo đảm môi trường an ninh và không gian phát triển của mình; Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi nhận định trong cuốn sách “Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.
Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi
Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi

Giá trị địa - chiến lược của Việt Nam gia tăng khi cạnh tranh nước lớn chuyển trọng tâm chiến lược vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương

- Việt Nam được xác định là đối tác quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á trong chiến lược của các nước lớn

Trung Quốc đặt Việt Nam ở vị trí cao trong các chiến lược lớn, là một trọng điểm của các chiến lược lớn như BRI, “Cộng đồng chung vận mệnh” hay “ngoại giao láng giềng”. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 11/2017) nhấn mạnh: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung”.

Trung Quốc đang thúc đẩy Việt Nam cụ thể hóa chủ trương kết nối sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai” với BRI; tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh”, đưa Việt Nam vào tập hợp lực lượng do Trung Quốc dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa trong khu vực.

Mỹ đặt Việt Nam ở vị trí ưu tiên trong tổng thể chính sách với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ đã chọn Đà Nẵng, nơi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC, để lần đầu tiên công
bố về “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”.

Việt Nam được đề cập trong Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ (tháng 12/2017) như một đối tác kinh tế và an ninh ngày càng tăng của Mỹ cùng với Inđônêxia, Malaixia và Singapo. Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được công bố tháng 6/2019 xác định “Hoa Kỳ đang ưu tiên các mối quan hệ mới với Việt Nam, Inđônêxia và Malaixia - những quốc gia chủ chốt trong ASEAN” và “Bộ Quốc phòng Mỹ đang xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam dựa trên các lợi ích và nguyên tắc chung”.

Việt Nam được đánh giá là “Đối tác ngày càng quan trọng đối với Mỹ” trong các sáng kiến và cơ chế hợp tác của Mỹ tại khu vực, trong đó có sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (LMI). Chính sách của các cường quốc khu vực cũng đặt Việt Nam ở vị trí đối tác hàng đầu trong ASEAN, là “đầu cầu” quan trọng để các nước này triển khai chính sách tại Đông Nam Á nói riêng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Việt Nam là một trọng tâm tăng cường quan hệ trên cả ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh trong chính sách “Hướng Nam” của Nhật Bản, “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, “Hướng Đông” của Nga hay “Hướng Bắc” của Ôxtrâylia.

Việc Việt Nam được nhóm nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương tin cậy chọn làm ứng cử viên đại diện cho nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và trúng cử với mức phiếu kỷ lục 192/193 phần nào cho thấy vị thế của Việt Nam trong nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, tạo cho Việt Nam khả năng đóng góp đáng kể trong đời sống quan hệ quốc tế những năm tới.

- Việt Nam có cơ hội khẳng định vị thế quan trọng của mình khi ASEAN giữ vai trò trung tâm tại khu vực.

Đông Nam Á trở thành trọng điểm cạnh tranh của các nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương cùng với những xu hướng tập hợp lực lượng trái chiều nhau là cơ hội để ASEAN phát huy vai trò trung tâm, kết nối các nước lớn trong xử lý những vấn đề của khu vực thông qua các cơ chế hợp tác an ninh đa phương do ASEAN dẫn dắt.

Ở những mức độ khác nhau, tất cả các nước lớn đều thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong xử lý các vấn đề an ninh tại khu vực, thể hiện qua chiến lược của các nước này đặt ASEAN vào vị trí đối tác quan trọng hàng đầu, không thể thiếu trong cơ chế hợp tác của các nước lớn. ASEAN được lựa chọn là chủ thể trung gian trong giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt đều thu hút được sự tham gia của hầu hết các cường quốc châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, điều này có ý nghĩa rất quan trọng.

Với vị thế địa - chiến lược đặc thù, Việt Nam là địa bàn có thể tác động to lớn đến hiệu quả triển khai chiến lược của các siêu cường và cường quốc châu Á - Thái Bình Dương tại Đông Nam Á, nhất là BRI của Trung Quốc và IPS của Mỹ. Bên cạnh đó, nằm ở vị trí “bản lề”, nơi tiếp giáp giữa đất liền và biển, Việt Nam được xem điểm nối giữa “hai nửa” Đông Nam Á “lục địa” và “biển đảo”, giữa AS-5 và AM-5, là điểm kết nối tự nhiên giữa các thành viên ASEAN.

Nói cách khác, Việt Nam là quốc gia có điều kiện để tạo nên tác động quan trọng đến sự phát triển của ASEAN nói chung cũng như đến chính sách đối nội, đối ngoại của từng nước thành viên nói riêng. Việt Nam vì thế trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nước lớn trong chính sách tranh thủ và sử dụng ASEAN trong các thiết chế an ninh khu vực do mình dẫn dắt hoặc có vai trò để phục vụ lợi ích quốc gia hoặc liên minh của mình.

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát huy đường lối đối ngoại của mình, bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia - dân tộc

- Cục diện mới của khu vực cho phép Việt Nam phát triển và mở rộng quan hệ đối ngoại

Ảnh hưởng lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc, sự can dự ngày càng tích cực của Mỹ và sự tham gia ngày càng sâu của các cường quốc khu vực vào các vấn đề ở châu Á - Thái Bình Dương, trực tiếp tại Đông Nam Á, mở ra thời cơ để các nước nhỏ trong khu vực như Việt Nam phát triển và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế.

Tận dụng ưu thế địa - chiến lược của mình trong bối cảnh thế giới diễn ra sự chuyển dịch trọng tâm quyền lực từ Tây sang Đông, Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trên nền tảng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã thiết lập thêm các quan hệ đối tác chiến lược có giá trị với 9 nước, bao gồm Anh (2010), Thái Lan (2013), Pháp (2013), Xingapo (2013), Italia (2013), Inđônêxia (2013), Malaixia (2015), Philíppin (2015), Ôxtrâylia (2018); nâng tầm quan hệ với Nhật Bản từ “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” thành “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2014; nâng cấp quan hệ với Ấn Độ từ “Đối tác chiến lược” lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” (2016). Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các thể chế đa phương tiếp tục giữ vai trò có ý nghĩa trong xử lý các thách thức an ninh chung, đồng thời là nơi để mỗi thành viên khẳng định vị thế quốc gia của mình, Việt Nam đã tích cực phát huy vai trò của mình trong các hoạt động đa phương, tham gia nhiều diễn đàn đa phương quan trọng, nâng cao uy tín quốc gia.

Một số dấu mốc trong gần một thập niên qua là Việt Nam đảm nhận thành công trách nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, Chủ tịch ASEAN 2010, chủ trì thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 năm 2015, Năm APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018. Việt Nam cũng là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản tại Hội nghị G20 tháng 6/2019.

Với vị thế được nâng cao, trong cùng thời gian nói trên, ngoài việc tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào những vị trí khác như Hội đồng Kinh tế - Xã hội (1998 - 2000 và 2016 - 2018), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015 - 2019), Hội đồng Nhân quyền (2014 - 2016), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017 - 2021)... của Liên hợp quốc. Việt Nam không chỉ tham gia các hoạt động đa phương đơn thuần mà còn tích cực đóng góp để xây dựng, định hình các thể chế, luật lệ, chuẩn mực đa phương được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

- Vị thế quốc gia được gia tăng góp phần quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng lực bảo đảm môi trường an ninh và không gianphát triển của mình

Uy tín và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam củng cố nền độc lập, tự chủ, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước. Các nước lớn, ngoại trừ Trung Quốc và Nga, đều bày tỏ ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc.

Trong vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (năm 2014) hay chiến dịch cải tạo, quân sự hóa quy mô lớn của Trung Quốc đối với 7 thực thể địa lý mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa, Mỹ và Nhật Bản là hai nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành động gây bất ổn, qua đó tạo sức ép đáng kể làm hạn chế mức độ hung hăng của Trung Quốc.

Đặc biệt, trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng, Mỹ và một số đồng minh chủ trương tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực quân sự cho các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là một trong những động lực để Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam (năm 2016), hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Quyết định này của Mỹ có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để Việt Nam đa dạng hóa thị trường mua sắm vũ khí trong bối cảnh Nga - đối tác thương mại quốc phòng chủ lực của Việt Nam - đã ưu tiên bán cho Trung Quốc các loại vũ khí hiện đại hơn những vũ khí đã bán cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, kể từ khi Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, tần suất tàu chiến của Mỹ tiến hành FONOP1 ở Biển Đông tăng mạnh (từ đầu nhiệm kỳ của D. Trump đến tháng 3/2019, Mỹ đã thực hiện 10 đợt FONOP trên khu vực Biển Đông); tàu chiến Mỹ ghé thăm cảng Việt Nam tăng lên, nổi bật là đội tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng (tháng 5/2018) và Mỹ cũng thảo luận để thu xếp cho chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ vào những năm tiếp theo.

Các cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Ôxtrâylia, Canađa, Hàn Quốc, Niu Dilân và gần đây là Anh, Pháp cũng cho tàu chiến thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải hoặc phối hợp tập trận trong khu vực; ghé thăm cảng biển của Việt Nam, trong đó tập trung tại hai cảng biển có vị trí chiến lược là Cam Ranh và Đà Nẵng.