Kỳ 6: Cạnh tranh giữa các nước lớn: Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các cường quốc tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng thông qua các dự án hợp tác, đầu tư, thương mại sẽ đem đến cho các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam cơ hội lớn để tiếp cận nguồn vốn, mở rộng thị trường và tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi
Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi

Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi đã đưa ra nhận định trên trong cuốn sách “Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.

Việt Nam có cơ hội mở rộng không gian hợp tác quốc tế, tận dụng động lực tăng trưởng từ các yếu tố bên ngoài

- Sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn đối với khu vực tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển thị trường, tiếp cận nguồn vốn và công nghệ hiện đại.

Các cường quốc tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng thông qua các dự án hợp tác, đầu tư, thương mại sẽ đem đến cho các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam cơ hội lớn để tiếp cận nguồn vốn, mở rộng thị trường và tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Từ năm 2013 đến năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc với các nước dọc “Vành đai và Con đường” đã đạt trên 6.000 tỉ USD, tổng vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Trung Quốc tại các nước đạt trên 90 tỉ USD, kim ngạch hoàn thành công trình thầu ở nước ngoài đạt trên 400 tỉ USD. IPS do Mỹ đề xướng bước đầu dành ra 113 triệu USD để hỗ trợ phát triển 3 lĩnh vực là kinh tế số, năng lượng và kết cấu hạ tầng.

Mỹ cam kết một khoản hỗ trợ lên đến 60 tỉ USD và sự đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân có thể lên đến 5.000 tỉ USD. Đây là thời cơ thuận lợi cho Việt Nam tận dụng vốn đầu tư nước ngoài để xây dựng các công trình kết nối hạ tầng, đồng thời tham gia sâu
hơn vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu.

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam tạo kỷ lục là quốc gia có mức độ hội nhập kinh tế hàng đầu thế giới. Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 FTA và đang chờ ký kết 4 FTA song phương và đa phương, trong đó đáng kể nhất là tham gia CPTPP1 với 10 nền kinh tế quan trọng hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương và EVFTA2 với 27 nền kinh tế thuộc EU. Với việc tham gia mạnh mẽ vào các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thu hút FDI của Việt Nam ở nhóm hàng đầu thế giới.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 80,17 tỉ USD, trong đó giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 243,38 tỉ USD, tăng khoảng 175,6% so với năm 2010 (đạt 72,19 tỉ USD). Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1988 đến thời điểm 20/10/2017, 63 tỉnh, thành phố của nước ta đã tiếp nhận 24.397 dự án FDI của 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với vốn đăng ký (còn hiệu lực) 312,9 tỉ USD, vốn thực hiện 169,05 tỉ USD, trong đó giai đoạn 2001 - 2010 đạt 58,497 tỉ USD, gấp 3 lần thập niên trước đó, bình quân 5,85 tỉ USD/năm; giai đoạn 2011 - 2016 đạt 84 tỉ USD, gấp 4,55 lần giai đoạn 1991 - 2000 và 1,43 lần 10 năm trước đó, bình quân 12 tỉ USD/năm.

Tính riêng năm 2018, FDI vào Việt Nam là 35,46 tỉ USD2. Một số báo cáo phân tích chỉ ra rằng, tham gia CPTPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 1,32%, trong trường hợp cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%; tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng 3,8%; tổng số việc làm hằng năm tăng thêm từ 20.000 đến 26.000 lao động vào năm 2035.

- Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đem lại cho Việt Nam cơ hội mở rộng thị phần và tiếp nhận đầu tư từ các đối tác nước ngoài.

Trước hết, nhiều mặt hàng Mỹ đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc đều nằm trong thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội lớn của Việt Nam để thay thế các nhà cung cấp Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần tại Mỹ và các nước đồng minh. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 22,7 tỉ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó sản phẩm điện tử tăng 72%, đồ nội thất tăng 35% và vali - túi xách tăng 30%. Số liệu này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng thay thế cho hàng Trung Quốc đang được hưởng lợi.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất vừa qua sẽ kích thích tiêu dùng nội địa của Mỹ và đem lại cơ hội tốt hơn cho các nhà nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này. Thêm vào đó, tuyên bố áp 10% thuế quan lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Trump sẽ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng tạo ra cho Việt Nam nhiều cơ hội tiếp nhận đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc đều mở thêm văn phòng đại diện ở Việt Nam kể từ khi tranh chấp thương mại nổ ra, theo chiến lược “Trung Quốc+1”. Dominik Fruh, đại diện kinh doanh của Hafele cho rằng Việt Nam là “người chiến thắng bí mật” trong các cuộc tranh chấp thương mại.

Bộ Kinh tế Đức đang tìm kiếm đối tác thay thế Trung Quốc, nhất là trong số các nước châu Á mới nổi, mặc dù các doanh nghiệp Đức vẫn đang làm ăn tốt ở nước này. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng trở thành đối thủ của Đức, trong khi Việt Nam có tiềm năng thay thế Trung Quốc, nhất là khi Việt Nam “mong muốn trở thành một đối tác của Đức, chứ không như Trung Quốc”.

Bản thân Trung Quốc cũng chuyển hướng đầu tư mạnh sang Việt Nam. Trung Quốc hiện trở thành quốc gia đăng ký FDI mới lớn nhất Việt Nam. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, đăng ký FDI mới từ Trung Quốc là 1,3 tỉ USD, vượt xa các nước tiếp theo là Xingapo và Hàn Quốc, mỗi nước chỉ xấp xỉ 700 triệu USD.

Nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương bởi các rủi ro từ sự điều chỉnh chính sách của các đối tác lớn trong khu vực

- Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ khiến Việt Nam đứng trước khả năng bị áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Với phương châm “Nước Mỹ trên hết” và sử dụng công cụ thương mại để kiềm chế Trung Quốc, ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã đẩy mạnh chính sách bảo hộ thương mại với những điều kiện khắt khe hơn đối với các đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Báo cáo định kỳ bán niên về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, bổ sung 5 quốc gia mới vào danh sách theo dõi có thao túng tiền tệ trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam. Trong số 9 quốc gia thuộc danh sách theo dõi, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ nhất và đối mặt với nguy cơ bị chuyển sang trạng thái có thao túng tiền tệ khá cao do đã chạm 2/3 điều kiện theo quy định của Bộ Tài chính Mỹ là có thặng dư thương mại song phương với Mỹ từ 20 tỉ USD trở lên (theo thống kê của Hải quan Hoa Kỳ, thặng dư thương mại Việt Nam - Mỹ năm 2018 là 39,5 tỉ USD) và có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% và không phải là liên tục.

Riêng điều kiện thứ ba về có sự can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối thể hiện qua khối lượng mua ngoại tệ ròng trên 2% GDP trong vòng 12 tháng, Việt Nam cũng đang ở cận ngưỡng với tổng lượng mua ròng ngoại tệ năm 2018 vào khoảng 1,7% GDP.

Bên cạnh đó, tháng 7/2019, Bộ Công Thương đã công bố 13 mặt hàng xuất sang Mỹ, Canađa và EU đang có nguy cơ rơi vào tầm ngắm bị điều tra vì gian lận thương mại. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ bị hạn chế có thể dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp trong nước tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc và một số nước khác, tiến hành chuyển hàng vào Việt Nam, núp bóng danh nghĩa “Made in Vietnam” để tránh thuế khi xuất sang Mỹ. Điều này có thể khiến Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt Việt Nam tương tự như đối với Trung Quốc.

Trong thông báo ra ngày 16/12/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành phán quyết cuối cùng về việc áp thuế lên đến hơn 456% đối với các sản phẩm thép Việt Nam có sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan.

- Chính sách chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang tạo ra rủi ro đối với kinh tế Việt Nam

Một số lượng lớn nhà máy, xí nghiệp sử dụng công nghệ cũ từ Trung Quốc được chuyển giao công nghệ qua các hoạt động hợp tác mua bán, sáp nhập hoặc liên doanh, hoặc bán máy móc cũ sang các quốc gia kém phát triển hơn, trong đó Việt Nam là nước thuận tiện nhất. Sự cố môi trường ở vùng biển miền Trung Việt Nam do Formosa gây ra vào đầu tháng 4/2016 để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt đối với bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Về lâu dài, do các rạn san hô, phù du sinh vật cũng chết nên có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn biển, khiến suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản khu vực, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của người dân. Có trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo. Sản lượng khai thác ven bờ thiệt hại khoảng 1.600 tấn/tháng.

Về xã hội, sự việc đã khiến giảm lòng tin của các tầng lớp nhân dân. Người dân nghi vấn về quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư; giảm cả lòng tin về khả năng của các cơ quan chức năng trong ứng phó các tình huống khẩn cấp về môi trường. Nhân dân lo lắng về sinh kế, thất nghiệp, thậm chí nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được hải sản, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Năm 2017, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ tư vào Việt Nam. Đến hết tháng 12/2018, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 13,35 tỉ USD với 2.149 dự án, đứng thứ bảy trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Về đầu tư trực tiếp, các nhà đầu tư Trung Quốc thường thông qua liên doanh với Đài Loan hoặc qua kênh dẫn vốn từ Hongkong để tham gia dự án tại Việt Nam, nhiều nhất là vào lĩnh vực dệt nhuộm, may mặc, khai khoáng, thiết bị điện, sắt thép... tuy nhiên, có nhiều dự án mang theo công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường.

Đáng chú ý, từ cuối năm 2015 đã xuất hiện một số doanh nghiệp dệt may tư nhân của Việt Nam ở Bình Dương, Hải Phòng phải bán lại cơ sở sản xuất cho Trung Quốc do thiếu đơn hàng hoặc không thể cạnh tranh về chi phí nhập nguyên liệu và đơn hàng với các doanh nghiệp dệt may Đài Loan, Hongkong. Điều này đặt ra nguy cơ Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp dệt may Việt Nam, sử dụng thương hiệu Việt để sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc vào thị phần của Việt Nam ở nước ngoài.

Trong số các thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam, Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, nhất là về nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam từ năm 2013 đến hết quý I/2018 là 362 tỉ USD, trong đó nhập khẩu hàng từ Trung Quốc về Việt Nam là hơn 250 tỉ USD, bằng gần 70% tổng kim ngạch. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn trên là hơn 100 tỉ USD, chỉ chiếm 29% kim ngạch song phương hai nước, trong khi nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Việt Nam cùng thời gian trên là 250 tỉ USD, gấp 200% kim ngạch xuất khẩu.

Qua gần 6 năm, Việt Nam thâm hụt thương mại với Trung Quốc khoảng 150 tỉ USD, bình quân khoảng 25 tỉ USD/năm; riêng mức thâm hụt năm 2018 là 24,17 tỉ USD; hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 27,65% tổng sản lượng nhập khẩu của Việt Nam. Theo số liệu thống kê tháng 12/2019 của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2019, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lên đến 31 tỉ USD.

Việt Nam chủ yếu nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, và điều này đặt ra một số trở ngại không nhỏ trong tương lai bởi nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc EVFTA và CPTPP sẽ không được hưởng mức độ
miễn giảm thuế theo quy định nếu được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Các tiêu chuẩn cao về lao động, công đoàn mà Việt Nam phải thực hiện trong CPTPP, EVFTA và một số hiệp định song phương sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đồng thời cũng gây khó khăn cho vấn đề xã hội.

Đặc biệt những điều chỉnh của Trung Quốc trong chính sách kinh tế nhằm đối phó với tình hình căng thẳng ngày càng leo thang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng tạo ra những áp lực không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta. Hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ bị hạn chế buộc phải chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn đối với các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn do chính sách ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa của nước này.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 37,204 tỉ USD, giảm 400 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam lại tăng mạnh, chạm mốc 68,546 tỉ USD, tăng gần 9 tỉ USD. Ngoài tác động từ sự thay đổi chính sách của hai đối tác ngoại thương lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ, với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam còn chịu tác động bởi chính sách của các nước khác, điển hình như tình hình căng thẳng thương mại Nhật - Hàn.

Việc Nhật Bản áp lệnh hạn chế xuất khẩu 3 vật liệu công nghệ cao gồm fluorinated polyamides (nhựa nhiệt dẻo), photoresists (chất cản quang) và hydrogen fluoride (hydro florua) sang Hàn Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam do các nhà máy của Hàn Quốc đầu tư tại nước ta như Samsung, LG… không đủ nguồn linh kiện để duy trì hoạt động sản xuất theo kế hoạch.

Trong khi đó, các mặt hàng có liên quan đến chất bán dẫn và màn hình hiện chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu và chắc chắn điều này sẽ tác động đến cán cân thương mại của nước ta.