Theo Đài truyền hình quân đội Nga ngày 6.11, nếu tên lửa không bị phát hiện trước khi được phóng đi thì đòn tấn công sẽ thực sự gây bất ngờ cho đối phương và đạt hiệu quả cao. Từ trước tới nay người ta thường ngụy trang tên lửa bằng cách giấu dưới hầm, che bạt khi vận chuyển trên xe tải, tàu hỏa, tàu thủy…
Nhưng quân đội Nga đã nghĩ ra một cách khác để che giấu tên lửa và điều này đã khiến phương Tây thực sự hoảng sợ. Các chuyên gia của NATO bình luận rằng với chiến thuật này, người Nga hoàn toàn có thể thay đổi các quy tắc của chiến tranh hiện đại.
Nguyên nhân chính khiến cho phương Tây quan ngại là sự xuất hiện hệ thống tên lửa Klub-K đặt trong container, do tập đoàn Concern-AGAT (Nga) thiết kế chế tạo. Bề ngoài hệ thống tên lửa này chẳng khác gì các container hàng hóa thông thường, có thể lắp đặt, vận chuyển trên tàu biển, xe tải hoặc xe lửa, và trong vỏ bọc “dân sự” như thế, người ta có thể đưa tên lửa đến bất cứ nơi nào trên thế giới mà không hề bị chú ý. Container chứa tên lửa cũng có thể được chất chung với các container chứa hàng hóa thông thường trên những con tàu vận tải viễn dương.
Các chuyên gia phương Tây đã hình dung ra viễn cảnh một con tàu biển hiền lành vận chuyển container cập sát vào bờ biển nước Mỹ (hay quốc gia nào đó) rồi bất ngờ nắp một hoặc nhiều thùng container bật ra, và các mục tiêu tầm ngắn bị hủy diệt trong nháy mắt. Ngay cả những hệ thống vũ khí chống tên lửa hiện đại nhất cũng phải thúc thủ trước đòn tấn công trực diện và bất ngờ như vậy, vì chúng chỉ có thể phát hiện và ngăn chặn tên lửa tầm xa.
Trong chiến tranh hiện đại, những cuộc tấn công quân sự mang tính bất ngờ thường đạt hiệu quả rất cao, ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ của Nga cho biết. Theo ông, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo có điểm yếu ở chỗ do có đường bay lớn nên dễ bị đối phương phát hiện và kịp thời ngăn chặn, phá hủy trên không. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Klub-K, với tính năng gọn nhẹ, có thể tàng hình trên màn hình radar và thường được khai hỏa bất ngờ, đã trở thành con át chủ bài của người Nga trong cuộc đối đầu với NATO. Không ai có thể lường trước nó sẽ xuất hiện ở đâu và nhắm vào mục tiêu nào.
Không phải quá đáng khi các chuyên gia Mỹ cho rằng chủng tên lửa này có thể làm mất ổn định tình hình thế giới. Họ hiểu rằng bất kỳ con tàu dân sự tưởng chừng vô hại nhưng trong trường hợp xảy ra chiến sự đều có thể trở thành bệ phóng và bất ngờ tung đòn tấn công bằng tên lửa để phá hủy các mục tiêu quân sự trên bờ hay trên biển.
Minh họa tổ hợp tên lửa Klub-K trên xe lửa - Ảnh: AGAT |
Tên lửa đa năng Alpha, được trang bị cho tổ hợp Klub-K, không thể gọi là tên lửa tầm xa vì chỉ có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên đất liền ở khoảng cách 200-300 km. Tên lửa này bay với tốc độ cận âm, nhưng ở 20-30 km cuối cùng nó tự động tăng tốc, vượt ngưỡng tốc độ âm thanh, vượt qua hệ thống phòng không dù hiện đại và mạnh đến mức nào, kể cả tàu sân bay. Ở khoảng cách trên dưới 250 km, từ trên một con tàu dân sự bình thường, tổ hợp tên lửa Klub-K có thể đánh chìm tàu sân bay hiện đại chỉ trong giây lát.
Chính những tính năng đó của Klub-K đã khiến cho Lầu Năm Góc phải e sợ. Nếu trước đây tên lửa Klub (còn gọi là Kalibr) chỉ được trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm thì giờ đây người Nga đã chế tạo được những mẫu tên lửa mạnh nhưng không cồng kềnh, có thể xếp gọn trong một container tiêu chuẩn và được điều khiển phóng tự động. Điều này hoàn toàn thay đổi chiến thuật và chiến lược tấn công bằng tên lửa, có thể tiêu diệt một cách hiệu quả các mục tiêu cả trên biển lẫn trên đất liền.
Những tên lửa này không chỉ có khả năng áp chế hệ thống phòng không, lực lượng phòng vệ bờ biển, mà còn khiến tàu sân bay phải giữ khoảng cách an toàn ở cách xa bờ biển và như vậy sẽ làm hạn chế khả năng tấn công bằng máy bay của tàu. Ngoài ra các loại tàu đổ bộ dành cho thủy quân lục chiến cũng dễ dàng bị Klub-K đánh chìm, vì không ai có thể đoán được rằng trên một con tàu dân sự nào đó ở cách hàng trăm hải lý lại có thứ vũ khí dữ dằn đến thế.
Hiện tại, tổ hợp Klub-K được trang bị những loại tên lửa có công năng, tầm bắn và sức công phá khác nhau. Mạnh nhất trong số đó là tên lửa Granat, trang bị trên tàu ngầm, được sử dụng để tiêu diệt các tàu sân bay. Đầu đạn có tính năng xuyên phá cao của nó chứa đến 400 kg thuốc nổ. Để đánh chìm tàu sân bay thì một tên lửa như vậy là chưa đủ, nhưng nếu 4-5 tên lửa bắn vào mục tiêu cùng lúc thì số phận của con tàu coi như an bài.
Klub-K từ xe lửa khai hỏa - Minh họa: AGAT |
Người Nga có cả tên lửa được thiết kế để chống tàu ngầm đối phương. Tên lửa chống tàu ngầm được phóng ra từ một ống phóng ngư lôi 533 mm, sau khi vượt qua phần dưới nước, nó bay vào không khí và “lặn xuống” một lần nữa để trở thành một quả “siêu ngư lôi thủy động học”, tự tìm và phá hủy mục tiêu là tàu ngầm đối phương. Cũng cần biết, những tổ hợp tương tự, với các tên lửa chống tàu được bố trí trên các tàu ngầm điện - diesel thế hệ mới của Hạm đội Biển Đen.
Về cơ bản, Klub-K là một mô-đun phóng đa năng, với thang nâng dành cho bốn tên lửa. Kèm theo đó là một mô-đun điều khiển và một mô-đun cung cấp năng lượng. Tất cả được “đóng gói” trong 3 container, kết nối với trung tâm chỉ huy thông qua liên lạc vệ tinh. Một tổ hợp như vậy không chiếm nhiều không gian, và hầu như không ai có thể xác định được đó là tên lửa, cho đến khi chúng được đưa ra sử dụng trong chiến đấu.
Hoạt động của hệ thống tên lửa này được các chuyên gia vũ khí ví với cách thức tấn công của loài ong ruồi: con ong không kêu vo ve ồn ào, bất thình lình xuất hiện và chích cho ta một cú nhớ đời. Đòn tấn công của Klub-K cũng khiến đối phương rất bất ngờ đến choáng váng và hoàn toàn trở tay không kịp.
Theo Thanh niên