South China Morning Post cho biết xuất khẩu và nhập khẩu của nước này giảm đang dấy lên mối quan ngại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Dữ liệu kinh tế tháng 9 của Trung Quốc cho biết xuất khẩu nước này giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2014, trong khi nhập khẩu cũng giảm 20,4%. Đây là lần giảm liên tục thứ 11 trong cả hai lĩnh vực xuất nhập khẩu của Trung Quốc, tính từ cuối năm 2014 đến nay.
Những con số này vượt ngoài dự tính của giới phân tích kinh tế Trung Quốc. Trước đó, họ từng ước tính nhập khẩu nước này chỉ giảm 15% trong tháng 9. Giới chuyên gia cảnh báo đang có dấu hiệu nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn yếu hơn trong thời gian tới.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng vừa công bố thặng dư thương mại trong tháng 9 của nước này chỉ đứng ở mức 60,34 tỉ USD, tăng khoảng 10 triệu USD so với tháng 8, là con số không lớn so với quy mô nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.
Một số chuyên gia cảnh báo nhu cầu quá yếu ở thị trường nội địa và ở nước ngoài sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc bị tổn thương thêm trong những tháng sắp tới. Thậm chí, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể đang đứng ở mức thấp nhất trong quý cuối của năm 2015 do sản xuất dư thừa từ các nhà máy, nợ công đang rất cao và lĩnh vực đầu tư gần như bị đóng băng ở nước này.
Nhập khẩu của Trung Quốc giảm cũng khiến các thị trường tiền tệ và chứng khoán của châu Á tiếp tục giảm do giới đầu tư đổ sang mua các loại tài sản an toàn.
“Số liệu không tốt nhưng vẫn có thể chấp nhận được đối với các nhà đầu tư. Khi dữ liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng chậm chạp thì thị trường sẽ thấy trước được các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của chính phủ” - chuyên gia Ngô Khảm ở Công ty bảo hiểm JK Life tại Thượng Hải trấn an.
Song, nhà quản lý Tim Schroeders tại Tập đoàn tài chính Pengana ở Melbourne (Úc) cảnh báo tình trạng tuột dốc của nền kinh tế Trung Quốc tiếp diễn sẽ đè nặng lên thị trường tài chính nước này.
Theo South China Morning Post, Tuổi trẻ