Ngày 21.06.2017, Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc có bài viết ca ngợi một bước đột phá lớn trong việc chế tạo một loại thiết bị lượng tử đo từ trường. Bài báo này lập tức biến mất khi một phóng viên trong bài viết của mình đã chỉ ra các tiềm năng quân sự tiềm tàng của sáng chế. Thiết bị mới có thể giúp Trung Quốc phong tỏa các vùng biển nhạy cảm.
Nhà báo Stephen Chen của tờ South China Morning Post cho biết: "Tôi đã rất ngạc nhiên về việc gỡ bỏ bài viết này. Tôi đã theo dõi sự phát triển của khoa học Trung Quốc trong nhiều năm, đây là một tin đặc biệt hiếm".
Ông David Kaplin, chuyên gia về cảm biến từ trường thuộc Đại học Hoàng gia London nói: Các từ kế dựa trên SQUID được tạo ra trong Học viện Khoa học Trung Quốc có thể liên quan đến các thiết bị chiến tranh chống tàu ngầm. Các chuyên gia lưu ý rằng thông thường các công nghệ như vậy không được đăng tải trên truyền thông đại chúng.
Thiết bị đo từ trường (từ kế) được sử dụng để phát hiện tàu ngầm được phát triển từ chiến tranh thế giới thứ II. Thiết bị phát hiện tàu ngầm này dựa trên khả năng đo được sự bất thường trong biến động từ trường trái đất khi xuất hiện một khối lượng lớn kim loại. Nhưng khoảng cách đo được biến thiên từ trường trái đất rất ngắn, do đó nó thường được sử dụng trong các viện nghiên cứu do trên khoảng cách mà từ kế có thể xác định được tàu ngầm, sonar đã phát hiện được mục tiêu từ lâu.
Trên nguyên tắc, có thể mở rộng phạm vi của từ kế nếu phát triển dựa trên thiết bị giao thoa kế lượng tử siêu dẫn (superconducting quantum interference device - SQUID), có thể đo các lượng tử từ thông, do đó độ nhạy của thiết bị được tăng lên rất nhiều. Từ kế này được gọi là từ kế siêu dẫn, hoặc SQUID.
Từ kế siêu dẫn rất nhạy cảm, nhưng tương lai đầy hứa hẹn của thiết bị mới chỉ giới hạn trong phòng thí nghiệm. Trong thế giới thực, thiết bị nhanh chóng bị nhiễu loạn do nhiễu nền rất nhỏ, ví dụ như những thay đổi trong từ trường của trái đất, có nguyên nhân từ các cơn bão mặt trời xa xôi.
Do mức độ quá nhạy cảm đó, không thể lắp đặt một cảm biến tương tự trên máy bay chống ngầm. Hải quân Mỹ từ bỏ nghiên cứu về từ kế siêu dẫn để theo đuổi các công nghệ ít nhạy cảm hơn nhưng có độ tin cậy cao hơn.
Từ kế mới, được thiết kế bởi nhà khoa học Xiaoming Xie và các đồng nghiệp tại Viện Công nghệ Thông tin và Thượng Hải, không sử dụng một SQUID mà là một mảng các SQUID. Ý tưởng phát triển này là bằng cách so sánh các từ thông của các SQUIT, các nhà nghiên cứu có thể loại bỏ nhiễu từ trường, xuất hiện từ các chuyển động của sự vật. David Caplin, một nhà khoa học của trường Đại học Hoàng gia London, nhiều năm nghiên cứu về cảm biến từ trường, cho rằng "phát minh này sẽ phù hợp với thiết bị chống ngầm" .
Thành tựu khoa học công nghệ này cho thấy, có thể chế tạo được một thiết bị tìm kiếm tàu ngầm dựa trên sự bất thường của từ trường trái đất với khoảng cách đến vài km chứ không phải là vài trăm mét như hiện này. Nếu Trung Quốc phát triển thành công thiết bị này, đây sẽ là thảm họa đối với tất cả các loại tàu ngầm, đang được phát triển theo hướng làm giảm thiểu tiếng ồn, ứng công nghệ thông minh để ngăn chặn sonar phát hiện. Đến thời điểm này , không có một công nghệ nào có thể loại bỏ được những dấu hiệu về đột biến từ trường, bắt nguồn từ một khối thép khổng lồ như tàu ngầm.
Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên có thiết bị tìm kiếm tàu ngầm nhạy nhất trên thế giới? Đến thời điểm này, chưa có lực lượng Hải quân nào trên thế giới có thiết bị trinh sát tàu ngầm công nghệ SQUID.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, thiết bị từ kế SQUID có thể phát hiện tàu ngầm trên khoảng cách 6 km, ông Caplin cho rằng, nếu loại bỏ được nhiễu từ trường, phạm vi thám sát có thể lớn hơn nhiều.
Hầu như tất cả các chuyên gia hải quân thế giới đều cho rằng, phát minh từ kế SQUID của Trung Quốc đã sẵn sàng sử dụng cho mục đích quân sự. Cathy Foley, một nhà khoa học trong CSIRO - cơ quan nghiên cứu của chính phủ Úc cho biết sẽ có nhiều khó khăn khi phát triển một từ kế SQUID thành một thiết bị dò tìm tàu ngầm- ví dụ như xử lý nhiễu trên phông nền từ trường trái đất. Chưa có quốc gia nào tuyên bố giải quyết được những vấn đề này, nhưng bà vẫn nhận xét rằng, với tốc độ tiến bộ khoa học công nghệ của Trung Quốc, có thể quốc gia này sẽ là nước đầu tiên thành công.
Thiết bị từ kế SQUID chỉ là một trong những biện pháp mà Trung Quốc đang thực hiện đê nâng cao khả năng chống ngầm trong vài năm gần đây. Hệ thống Trường Thành dưới nước, "Underwater Great Wall" , hệ thống chuỗi các cảm biến thủy âm chìm, phao thủy âm và tàu ngầm không người lái đang gần hoàn thành. Dự án này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng vùng giám sát ngoài khơi xa.
Bắc Kinh từ lâu đã muốn thay đổi các quy tắc hoạt động trong vùng biển mà họ xác định là của mình. Đầu năm 2017, Trung Quốc đã soạn thảo đạo luật mới, ngang ngược yêu cầu bất kỳ tàu ngầm nước ngoài nào khi đi vào cái gọi là "vùng biển của Trung Quốc" đều phải được phê chuẩn và đang nỗ lực duy trì sự hiện diện quân đội trên những vùng nước mà họ tự tuyên là có chủ quyền. Bà Foley nhận xét: "Trung Quốc có thể làm cho hệ thống dò tìm tàu ngầm này hoạt động ổn định khi đang di chuyển trong không khí hoặc dưới nước hay không? Chúng ta sẽ theo dõi tiến bộ của họ".
Mặc dù không rõ rằng, từ kế SQUID có thể trở thành một thiết bị tìm kiếm tàu ngầm hàng đầu thế giới hay không vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Nhưng có một thực tế là, xuất hiện một khả năng tìm kiếm mới, khả năng này có thể sẽ làm thay đổi thiết kế tàu ngầm hoặc vô hiệu hóa các hạm đội tàu ngầm trên thế giới.